Kinh tế

20.000 trường học đóng cửa khiến Trung Quốc phải ra chính sách phát 500 USD/trẻ để khuyến khích sinh đẻ

Khi những con số thống kê ngày càng ảm đạm về tỷ lệ sinh được công bố tại Trung Quốc, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng kéo dài bằng một động thái chưa từng có: phát khoản trợ cấp 3.600 Nhân dân tệ mỗi năm (tương đương khoảng 500 USD) cho mỗi trẻ em dưới 3 tuổi.

Tuy đây là bước đi mang tính biểu tượng thể hiện sự quan tâm của chính phủ với cuộc khủng hoảng dân số đang leo thang, nhưng câu hỏi lớn vẫn là: liệu từng đó tiền có đủ để các gia đình Trung Quốc muốn sinh con?

Chưa giàu đã già

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay số lượng trẻ em sinh ra tại Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong sáu năm qua, xuống dưới 9 triệu trẻ/năm, chưa bằng một nửa mức của năm 2016, thời điểm chính sách hai con được ban hành.

Năm 2024, chỉ có 6,1 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, thấp nhất kể từ năm 1986. Tỷ lệ sinh hiện nay rơi vào khoảng 1 trẻ trên mỗi phụ nữ, thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu, trong khi mức sinh thay thế cần thiết để giữ dân số ổn định là 2,1 trẻ/phụ nữ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại, thị trường việc làm trì trệ, giá nhà, giáo dục và y tế ngày càng cao, việc sinh con tại Trung Quốc không chỉ là quyết định tình cảm, mà còn là bài toán tài chính căng thẳng.

"Nếu tôi sinh con trong một xã hội đầy sữa nhiễm độc, thực phẩm kém an toàn, tại sao tôi phải vội vã có con?", một người dùng mạng xã hội Weibo đặt câu hỏi sau vụ ngộ độc chì tại một trường mẫu giáo ở Cam Túc khiến hơn 230 trẻ em bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch mới được công bố, mỗi trẻ em sẽ nhận khoản trợ cấp 500 USD/năm cho đến khi tròn 3 tuổi. Tờ WSJ nhận định đây là một con số khiêm tốn, đặc biệt nếu so với các quốc gia đang đối mặt với tình trạng tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp.

Trong bối cảnh chi phí nuôi dạy con cái ở Trung Quốc tăng vọt, nhiều chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của khoản trợ cấp 500 USD này. Ông Huang Wenzheng, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa – một viện nghiên cứu đã tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách, nhận định rằng khoản trợ cấp được lên kế hoạch chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn so với đề xuất của các nhà nhân khẩu học, kinh tế học và nghiên cứu Trung Quốc.

"Chính quyền vẫn nhìn những khoản chi này như một chi phí, chứ không phải một khoản đầu tư cho tương lai quốc gia," ông Huang nói.

Với chi phí ước tính khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ, tức chưa tới 0,1% GDP của chương trình phát tiền này, ông Huang cho rằng Trung Quốc cần mạnh tay gấp 50 lần để đưa tỷ lệ sinh về mức ổn định.

Khủng hoảng lan rộng

Hệ lụy của việc tỷ lệ sinh giảm không dừng lại ở con số thống kê. Năm ngoái, hơn 20.000 trường mẫu giáo đã đóng cửa, kéo theo khoảng 250.000 giáo viên mất việc.

Những người như cô giáo Kiki Wang, 28 tuổi ở Giang Tô, buộc phải tìm hướng đi mới trong một xã hội đang già hóa nhanh chóng. Nhiều người từng làm việc trong mầm non nay cân nhắc chuyển sang làm trong viện dưỡng lão – ngành đang trên đà phát triển vì nhu cầu chăm sóc người già tăng cao.

Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy trong khi Bắc Kinh chi mạnh cho các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, quốc phòng và công nghiệp công nghệ cao, lên tới 1,7% GDP, cao hơn nhiều nền kinh tế lớn khác thì ngân sách dành cho phúc lợi xã hội, hỗ trợ nuôi con và giáo dục mầm non lại lép vế.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đang cho thấy một số dấu hiệu nghiêm túc trong việc đối phó với thách thức dân số, như dần dần trì hoãn tuổi nghỉ hưu, thế nhưng chuyên gia Ilaria Mazzocco từ CSIS nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có vẻ đang áp dụng cách tiếp cận nửa vời thay vì một chiến lược toàn diện.

Nếu không thay đổi tư duy chính sách, mọi khoản trợ cấp đều chỉ mang tính đối phó, tương tự như những bài học ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tờ WSJ nhận định khoản trợ cấp 500 USD/năm có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng dân số.

Tuy nhiên nếu không đi kèm các cải cách sâu rộng hơn – từ cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm đến thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội – chính sách này sẽ chỉ như "muối bỏ bể" trong nỗ lực đảo ngược xu thế dân số đang suy giảm nhanh chóng.

Bài học từ các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hỗ trợ tiền mặt là cần thiết, nhưng không thể thay thế cho một chiến lược dài hạn dựa trên niềm tin, ổn định xã hội và sự an toàn cho thế hệ tương lai.

Trung Quốc, với quy mô và tốc độ thay đổi xã hội chưa từng có, sẽ cần nhiều hơn là một khoản tiền 500 USD để sinh con trở thành một lựa chọn dễ dàng hơn cho các gia đình trẻ.

*Nguồn: WSJ, Fortune, BI

Các tin khác

Ông Đỗ Đức Duy thôi làm đại biểu Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua đã họp để xem xét, quyết định về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Đỗ Đức Duy, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.