Sức khỏe - Đời sống

6 lĩnh vực đang bị cảnh báo vì nguy cơ thất nghiệp cao, nhiều cha mẹ vẫn tin tưởng, cho con theo học mà không cân nhắc kỹ

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa lạ, mà đang len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống – từ y tế, giáo dục, tài chính cho đến sản xuất, truyền thông.

Sự phát triển vượt bậc của AI mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng đặt ra bài toán lớn: Con người sẽ làm gì khi máy móc có thể làm nhanh hơn, chính xác hơn và chi phí thấp hơn?

Không ít phụ huynh, học sinh và người trẻ bắt đầu cảm thấy hoang mang trước một tương lai nghề nghiệp đầy biến động. Bằng cấp hay chuyên môn từng được xem là "tấm vé an toàn" giờ đây không còn đảm bảo cho một công việc ổn định.

Nhiều ngành từng được xem là "khó thay thế" cũng đang đứng trước nguy cơ bị tự động hóa. Vậy đâu là những ngành nghề đang dần rơi vào vùng rủi ro cao trong kỷ nguyên AI? Dưới đây là 6 lĩnh vực đang được cảnh báo nhiều nhất.

1. Sản xuất truyền thống

Từng là ngành hấp thụ lượng lớn lao động phổ thông, sản xuất truyền thống nay đang chịu áp lực mạnh mẽ từ công nghệ tự động hóa. Robot công nghiệp và hệ thống AI kiểm tra chất lượng được triển khai ngày càng rộng rãi, thay thế hàng loạt công nhân trên dây chuyền.

Khi máy móc làm việc không ngừng nghỉ, chính xác và tiết kiệm hơn con người, vị trí của lao động phổ thông ngày càng trở nên mong manh.

2. Chăm sóc khách hàng và telesales

Rất nhiều trung tâm chăm sóc khách hàng hiện nay đã chuyển sang sử dụng AI. Từ trả lời tự động, giải đáp thắc mắc, đến tiếp thị qua điện thoại, AI đảm nhiệm công việc với tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn và thậm chí còn… ít mắc lỗi hơn.

Dịch vụ chăm sóc khách hàng – từng là công việc "dễ xin" nhất cho sinh viên mới ra trường – nay lại là lĩnh vực chịu tác động mạnh của tự động hóa.

Ảnh minh họa

3. Nhân viên tài chính cơ bản và giao dịch viên ngân hàng

Theo dự đoán của Đại học Oxford, đến năm 2030, khoảng 40% vị trí tài chính cơ bản trên toàn cầu có thể biến mất. Ở một số quốc gia châu Á, nhiều ngân hàng đã bắt đầu cắt giảm giao dịch viên tại quầy, thay bằng hệ thống tự phục vụ thông minh.

Những công việc từng được gọi là "công việc vàng" giờ cũng không còn miễn nhiễm với làn sóng công nghệ.

4. Dịch thuật cơ bản và biên dịch viên

Nếu như trước đây, ngoại ngữ được xem là "bảo chứng nghề nghiệp" thì giờ đây, nhiều vị trí dịch thuật cơ bản đang bị AI thay thế. Công cụ dịch tự động hiện đã đạt độ chính xác lên đến 98%, với tốc độ gần như tức thời và chi phí cực thấp.

Không ít dịch giả đã buộc phải chuyển nghề, hoặc học thêm kỹ năng để chuyển sang lĩnh vực biên tập, thuyết minh đa ngôn ngữ hoặc dịch thuật chuyên ngành sâu.

5. Truyền thông và biên tập nội dung theo kiểu "dây chuyền"

AI hiện có thể tự viết báo, soạn kịch bản video, tạo nội dung mạng xã hội và thậm chí mô phỏng giọng điệu viết của con người. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các biên tập viên, nhà báo hoặc "content creator" sản xuất nội dung theo kiểu đại trà, thiếu dấu ấn cá nhân.

Những vị trí "nhập dữ liệu - chỉnh sửa - đăng bài" đang dần bị AI thay thế, đặc biệt trong các công ty truyền thông quy mô vừa và nhỏ.

6. Chẩn đoán hình ảnh y khoa

Nhiều bệnh viện lớn tại châu Á, Mỹ và châu Âu đã triển khai hệ thống AI hỗ trợ phân tích hình ảnh y tế. AI có thể đọc phim X-quang, MRI, ECG… chỉ trong vài phút – một công việc mà bác sĩ con người cần tới hàng chục phút.

Ở một số bệnh viện, số lượng bác sĩ trẻ trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh đã giảm rõ rệt. AI không thay thế bác sĩ hoàn toàn, nhưng đang khiến nhu cầu nhân lực sơ cấp trong ngành này thu hẹp nhanh chóng.

Đừng mù quáng chạy theo "ngành hot", "việc làm ổn định"

Nhiều phụ huynh vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào các ngành học "hot" như công nghệ thông tin, lập trình hay thi công chức, biên chế. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả các lập trình viên cấp thấp cũng đang bị AI thay thế trong nhiều công ty công nghệ.

Được biết, tại một số nước, chẳng hạn như Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm đưa "nhân sự ảo" vào hệ thống hành chính công. Những "công chức số" có thể xử lý hàng trăm nghiệp vụ mà không cần nghỉ phép, lương thưởng hay bảo hiểm.

Những tưởng rằng vượt qua cánh cửa đại học là chạm tới tương lai tươi sáng, nhưng không ít sinh viên đang phải đối mặt với tình trạng "tốt nghiệp là thất nghiệp", nếu lựa chọn sai hướng đi từ đầu.

Vậy cha mẹ và học sinh cần làm gì để thích nghi với thời đại AI?

1. Chọn ngành học có khả năng phát triển lâu dài

Thay vì chọn ngành theo phong trào, phụ huynh nên cùng con cân nhắc các ngành khó bị thay thế như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, kỹ thuật sinh học, công nghệ năng lượng, tâm lý học, giáo dục sáng tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Nếu con học những ngành dễ bị ảnh hưởng (như kế toán, dịch thuật, truyền thông…), cần định hướng phát triển theo hướng chuyên sâu, kết hợp đa ngành hoặc kỹ năng đặc biệt.

2. Phát triển những kỹ năng không thể bị thay thế bởi máy móc

AI có thể làm nhanh hơn, nhưng không thể thay thế được sự sáng tạo, thấu cảm, tư duy phản biện, ra quyết định và giao tiếp xã hội - những năng lực đặc trưng của con người.

Hãy giúp con phát triển "năng lực lõi" như:

Sáng tạo: Viết, vẽ, thiết kế, tư duy đổi mới

Thấu cảm: Quan tâm đến cảm xúc người khác

Giao tiếp: Tự tin, chủ động, có khả năng trình bày và lắng nghe

Tư duy liên ngành: Hiểu và kết nối giữa nhiều lĩnh vực

3. Khuyến khích con khám phá và phát triển điểm mạnh riêng

Không phải ai cũng phù hợp với con đường đại học truyền thống. Có những bạn trẻ không giỏi lý thuyết nhưng lại có thiên hướng thủ công, nghệ thuật, kỹ thuật, hoặc khả năng quan sát - phân tích rất tốt.

Một bạn học sinh từng học kém ở trường phổ thông, nhưng sau khi theo học nghề phục chế cổ vật, đã trở thành chuyên gia trẻ có tiếng. Thành công đến không phải vì bạn đi theo lối mòn, mà vì cha mẹ dám chọn cho con một con đường phù hợp với năng lực thật sự.

Tương lai không còn thuộc về người giỏi nhất, mà thuộc về người thích nghi nhanh nhất Giáo sư toán học người Mỹ gốc Hoa Robson từng nói: "Kỷ nguyên AI sẽ không chỉ có một con đường thành công, mà là hàng trăm, hàng nghìn con đường mới. Ai biết thích nghi, người đó sẽ không bị bỏ lại phía sau".

Khi con người vừa hiểu được lập trình, vừa cảm được thơ ca; vừa biết làm chủ công nghệ, vừa biết lắng nghe và thấu cảm thì AI không còn là mối đe dọa, mà trở thành trợ thủ đắc lực cho mỗi hành trình vươn tới tương lai.

Thanh Hương (Nguồn: Sohu)

Các tin khác

Công an Thanh Hóa khởi tố vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh

Ngày 19/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng liên quan để điều tra hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh xảy ra tại Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát (phường Hạc Thành).

Nên xem xét tạm đình chỉ danh hiệu NSND, NSƯT với nghệ sĩ vi phạm quảng cáo

Trước thực trạng nhiều NSND, NSƯT quảng cáo thẩm mỹ gắn mác phong thủy, chuyên gia truyền thông cho rằng ngoài chế tài hành chính như phạt tiền, gỡ nội dung, yêu cầu xin lỗi công khai, cần bổ sung các hình thức kỷ luật nghề nghiệp, nhất là đối với nghệ sĩ mang danh hiệu do Nhà nước phong tặng.

Dùng ChatGPT đi chợ

Loay hoay trước sạp sầu riêng không biết chọn quả nào, Linh Đan chụp ảnh, đánh số từng quả, gửi vào ChatGPT kèm câu lệnh: "Chọn giúp tôi quả nhiều múi, mỏng vỏ".