5 vấn đề cốt lõi
Ngày 19.7, tại Đại học Duy Tân, Hội Xây dựng TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trên địa bàn thành phố" với sự tham dự của nhiều chuyên gia và lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nêu rõ 5 vấn đề then chốt nhằm hiện thực hóa việc ứng dụng BIM vào quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, nhấn mạnh: "BIM không còn là một lựa chọn công nghệ đơn lẻ mà là yêu cầu cấp thiết, là hạ tầng mềm cốt lõi cho chuyển đổi số ngành xây dựng và quản trị đô thị thông minh".
Theo ông Hà, Việt Nam đã có hơn một thập kỷ triển khai BIM nhưng hiện tại vẫn tồn tại nhiều bất cập. Các dự án chủ yếu dừng lại ở mô hình 3D trình diễn, chưa tích hợp quản lý tiến độ (4D), chi phí (5D), vận hành (6D) hay yếu tố bền vững môi trường (7D). Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa có công cụ giám sát chất lượng, doanh nghiệp e dè đầu tư vì thiếu chính sách hỗ trợ và cơ chế chia sẻ rủi ro.

Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, phát biểu tại hội thảo
ẢNH: H.Đ.
Ngoài ra, việc thiếu thể chế đồng bộ và cơ quan điều phối hiệu quả khiến BIM chưa thể phát huy vai trò như một công cụ quản lý toàn diện trong chuyển đổi số ngành xây dựng - đô thị.
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã xác định 5 vấn đề mấu chốt để nâng cao hiệu quả áp dụng BIM: hoàn thiện khung pháp lý và chính sách; thiết lập hệ sinh thái dữ liệu - tiêu chuẩn - công cụ; tổ chức mô hình điều phối và quản lý BIM; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực BIM tại địa phương; thí điểm triển khai mô hình Regulatory Sandbox BIM.
TP.Đà Nẵng được đánh giá là địa phương tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Vì vậy, theo ông Hà, TP.Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến trình áp dụng BIM vào các dự án công và dự án tư với nhiều loại hình khác nhau, theo hướng thực chất và hiệu quả.

Hội thảo được tổ chức tại Đại học Duy Tân, với sự tham dự của nhiều chuyên gia và lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp
ẢNH: H.Đ
Hạ tầng mềm cho đô thị thông minh
Ông Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết việc áp dụng BIM tại Việt Nam hiện thiếu khung pháp lý đầy đủ, chưa có cơ quan điều phối có thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, chưa tích hợp BIM vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đặc biệt, Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là bước ngoặt khi quy định áp dụng bắt buộc BIM đối với công trình cấp I từ năm 2023 và công trình cấp II từ năm 2025. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, Việt Nam cần một hệ thống chính sách và cơ chế đồng bộ hơn.

Ông Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, nêu một số đề xuất
ẢNH: H.Đ.
Ông Lâm đề xuất 8 giải pháp chiến lược gồm: xây dựng và ban hành Vietnam BIM Roadmap đến năm 2035; ban hành luật hoặc nghị định khung về BIM; thành lập cơ quan quốc gia chuyên trách quản lý BIM, đề xuất tên gọi VURA; hoàn thiện và bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn BIM quốc gia; thí điểm Regulatory Sandbox BIM tại một số địa phương; chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư BIM; ban hành chính sách dữ liệu và quản lý tài sản số; tích hợp BIM vào các chiến lược quốc gia về đô thị thông minh và chuyển đổi số.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị TP.Đà Nẵng sớm xây dựng Đề án phát triển BIM đến năm 2035, có lộ trình rõ ràng và danh mục dự án trọng điểm; thành lập Văn phòng điều phối BIM làm đầu mối hướng dẫn, kiểm soát, đào tạo và kết nối các bên. Thành phố cần lựa chọn một số dự án đầu tư công tiêu biểu để triển khai thí điểm cơ chế quản lý có kiểm soát BIM và kết nối chặt chẽ giữa nhà nước - doanh nghiệp - trường học, cơ sở đào tạo để phát triển đội ngũ chuyên gia BIM.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định BIM là "cánh cổng" đưa chúng ta bước vào quản trị công trình và đô thị bằng công nghệ số, tư duy hệ thống và dữ liệu, là một "tài nguyên chiến lược" trong thời đại mới. Nếu không làm chủ BIM, Việt Nam sẽ tụt hậu cả về công nghệ, năng suất lẫn chất lượng phát triển đô thị.
Ông Dũng nhấn mạnh, BIM không chỉ là việc của kỹ sư, mà là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống từ lãnh đạo, nhà hoạch định đến doanh nghiệp và xã hội. "AI đã thay con người làm nhiều khâu thiết kế, thi công, quản lý... Nếu không theo kịp, chúng ta sẽ bị lạc hậu", ông Dũng cảnh báo.