Kinh tế

Người đàn ông có 3 căn nhà vẫn không mua ô tô: “Thuê xe là cách hưởng thụ hợp lý mà không tốn tiền cho tiêu sản”

Dưới đây là chia sẻ của anh T.M.T (Hà Nội) hiện đang làm trong lĩnh vực IT của công ty công nghệ nước ngoài.

"Tôi năm nay 38 tuổi, sống tại Hà Nội. Sau hơn 10 năm đi làm, tiết kiệm và đầu tư bất động sản, hiện tôi sở hữu một căn nhà đất đang ở và hai căn hộ chung cư đang cho thuê. Nhiều người xung quanh bảo: "Giờ chỉ thiếu cái ô tô nữa là đủ bộ". Nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa từng có ý định mua xe – không phải vì không đủ tiền, mà vì tôi coi ô tô là một… tiêu sản.

Tôi biết đến khái niệm "tài sản – tiêu sản" từ cuốn Cha giàu cha nghèo của Robert Kiyosaki khi mới đi làm. Từ đó, tôi đặt cho mình nguyên tắc: chỉ dùng tiền cho những thứ tạo ra dòng tiền hoặc tăng giá trị theo thời gian.

Nhà đất – dù để ở hay đầu tư – đều đáp ứng nguyên tắc này. Căn nhà tôi mua từ năm 2018 với giá 3,1 tỷ, giờ có người trả hơn 7 tỷ. Hai căn hộ chung cư còn lại cho thuê được hơn 18 triệu đồng/tháng, đủ trả phí quản lý, bảo trì, và còn dư chút đỉnh để tái đầu tư.

Còn ô tô? Với tôi, nó giống như một chiếc "hộp tiền biết bốc hơi". Một chiếc xe tầm trung hiện có giá khoảng 500–600 triệu đồng. Mỗi tháng bạn cũng phải chi ít nhất 5–6 triệu đồng cho các khoản: Bảo hiểm bắt buộc và thân vỏ, phí gửi xe (đặc biệt đắt đỏ ở khu vực trung tâm), xăng xe, bảo dưỡng định kỳ, thay lốp, rửa xe,… Tất cả khoản chi này không tạo ra dòng tiền, cũng không tăng giá, chỉ để đổi lấy sự "tiện nghi" trong di chuyển.

Trước đây, tôi không mua ô tô vì coi đó là một tiêu sản. Còn hiện tại, ngoài lý do tài chính, tôi thấy việc sở hữu xe riêng cũng khá bất tiện. Không chỉ tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng, mà việc di chuyển giữa đường phố đông đúc, kẹt xe cũng gây nhiều căng thẳng. Trong khi đó, thuê taxi hay gọi xe công nghệ lại vô cùng tiện lợi.

May mắn là ở thành phố tôi đang sống, việc thuê một chiếc xe để về quê hay đi du lịch rất dễ dàng, chi phí chỉ khoảng 1–2 triệu đồng mỗi chuyến. Thậm chí, mỗi ngày tôi đi Grab đến cơ quan, hết khoảng 60.000 đồng/lượt. Cả tháng, ngân sách dành cho việc đi lại bằng taxi chỉ khoảng 8 triệu đồng – mức chi tôi cho là hợp lý. Không lo tìm chỗ đỗ, không phải căng thẳng khi lái xe giữa giờ cao điểm, và nếu đi nhậu, tôi cũng yên tâm có tài xế đưa về an toàn.

Nhiều người nói: "Có nhà, có tiền, đi xe máy mãi thì nhìn không sang". Tôi không phủ nhận rằng ô tô mang lại cảm giác tiện nghi, an toàn, và phần nào là hình ảnh cá nhân. Nhưng với tôi, cảm giác tự do tài chính – không nợ nần, không gánh khoản chi cố định hàng tháng – mới là thứ "sang" nhất.

Tôi từng thấy không ít người trẻ mua ô tô trả góp 5–7 năm, trong khi nhà cửa chưa có, tài sản chưa tích lũy, gồng mình trả nợ chỉ để "không bị lép vế". Còn tôi, không chạy theo chuẩn mực đó. Với tôi, sở hữu tài sản sinh dòng tiền và không phụ thuộc nợ nần mới là thành công.

Hiện tại, tôi vẫn đi làm bằng xe máy hoặc gọi xe công nghệ. Khi cần đi xa, tôi thuê xe hoặc đi máy bay. Nếu sau này có con nhỏ, thường xuyên phải di chuyển xa, hoặc chuyển nhà ra ngoại ô, có thể tôi sẽ cân nhắc. Nhưng ở thời điểm này, tôi hài lòng với lựa chọn sống gọn nhẹ và tài chính vững vàng.

Tài sản hay tiêu sản – đôi khi không nằm ở bản chất món đồ, mà ở cách ta sử dụng và định vị nó trong cuộc sống. Với tôi, ô tô là một phương tiện, không phải cột mốc thể hiện thành công. Còn taxi – khi biết tận hưởng – cũng chính là một cách hưởng thụ".

Các tin khác

Hồ thủy điện căng mình ứng phó bão Wipha

Bão Wipha mạnh cấp 9, giật cấp 12 đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm, nguy cơ gây mưa diện rộng cho các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc.

Công an Thanh Hóa khởi tố vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh

Ngày 19/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng liên quan để điều tra hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh xảy ra tại Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát (phường Hạc Thành).