Chúng ta thường nghe về động vật có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng còn ngôn ngữ thì sao? Điều đó nghe có vẻ khó hình dung hơn. Thế nhưng, trong số 7.159 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới hiện nay, gần một nửa, tức khoảng 3.193 ngôn ngữ đang đối mặt với nguy cơ biến mất, vì số người sử dụng quá ít hoặc không còn được truyền dạy cho thế hệ sau.
Theo UNESCO, một ngôn ngữ bị coi là "nguy cấp" khi không còn được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, không được dạy trong trường học và không còn ai ghi chép, lưu giữ.
Khi một ngôn ngữ biến mất, chúng ta không chỉ mất đi từ vựng và ngữ pháp mà còn đánh mất cả cách nhìn thế giới độc đáo của một cộng đồng: những câu chuyện, bài hát, nghi lễ, kinh nghiệm sống… vốn chỉ tồn tại trong ngôn ngữ ấy. Đó là linh hồn của một nền văn hóa và là một mất mát không thể đảo ngược.

Có hàng nghìn ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới
Theo học giả Nancy Rivenburgh, sự mất mát ngôn ngữ ngày nay không giống như những giai đoạn trước trong lịch sử. Từng có thời các ngôn ngữ xuất hiện rồi biến mất theo nhịp độ cân bằng (gọi là "cân bằng ngôn ngữ"), nhưng trong 500 năm qua, sự trỗi dậy của các ngôn ngữ lớn đang đẩy các ngôn ngữ bản địa nhỏ vào nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều ngôn ngữ đang biến mất mà không được thay thế hay phục hồi. Ví dụ: Ngôn ngữ Bo thuộc nhóm Đại Andaman ở Ấn Độ đã tuyệt chủng vào năm 2010 khi Boa Senior, người cuối cùng nói ngôn ngữ này qua đời. Trong những năm cuối đời, bà không còn ai để trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Cùng với bà, một kho tàng tri thức bản địa từ cách chữa bệnh, lịch sử truyền miệng, đến kiến thức môi trường cũng biến mất mãi mãi.
Ngoài ra, cũng có những ngôn ngữ đang rơi vào tình trạng nguy cấp và dần biến mất khỏi bản đồ ngôn ngữ thế giới vì nhiều lý do. Dưới đây là 10 ngôn ngữ đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất:
1. North Frisian (Đức) - Khoảng 8.000 người nói
North Frisian là ngôn ngữ bản địa của miền Tây Bắc nước Đức, thuộc hệ Ấn-Âu. Ngôn ngữ này từng có khoảng 30.000 người sử dụng cách đây 150 năm, nay chỉ còn khoảng 8.000 người, chủ yếu là người già. North Frisian chia thành hai nhóm chính: đảo và đất liền, với nhiều phương ngữ khác nhau như Fering, Öömrang. Việc không được giảng dạy trong trường học khiến ngôn ngữ này mất dần chỗ đứng trong đời sống hiện đại.
2. Manchu (Trung Quốc) - Dưới 100 người nói
Manchu từng là ngôn ngữ chính thức dưới triều đại nhà Thanh (1644-1911). Tuy nhiên, hiện chỉ còn chưa tới 100 người biết nói thành thạo, chủ yếu là người lớn tuổi. Dù người Mãn là dân tộc lớn thứ ba tại Trung Quốc, giới trẻ gần như không còn mặn mà với ngôn ngữ này, phần vì hệ chữ viết riêng biệt khó tiếp cận, phần vì không còn ứng dụng trong xã hội hiện đại.
3. Provençal (Pháp) - Khoảng 140.000 người sử dụng
Provençal là một phương ngữ của tiếng Occitan, thuộc hệ Rôman, từng phổ biến ở vùng Provence, miền Nam nước Pháp. Ngôn ngữ này bị lấn át bởi tiếng Pháp trong giáo dục và xã hội, dẫn đến việc người sử dụng chủ yếu là người cao tuổi.
4. Ainu (Nhật Bản) - Khoảng 300 người nói
Ainu là ngôn ngữ của dân tộc Ainu bản địa sinh sống tại Hokkaido. Ngôn ngữ này được coi là "ngôn ngữ cô lập" khi không có mối liên hệ với ngôn ngữ nào khác. Sau thời kỳ đồng hóa của Nhật, ngôn ngữ Ainu bị đàn áp nặng nề và giờ đây chỉ còn vài trăm người hiểu được, rất ít người nói thông thạo.

Nhiều ngôn ngữ đang trên bờ "tuyệt chủng"
5. Kari'ña (Nam Mỹ) - Khoảng 8.558 người nói
Ngôn ngữ Kari'ña, hay còn gọi là Carib, là ngôn ngữ truyền miệng của người Kalina sinh sống tại Venezuela, Brazil, Suriname, Guyana... Kari'ña chưa có hệ thống chữ viết chuẩn hóa, khiến việc bảo tồn và giáo dục trở nên khó khăn.
6. Danwar (Nepal) - Khoảng 48.650 người nói
Người Danwar sống ở miền trung và đông Nepal, từng chịu ảnh hưởng bởi chính sách "một ngôn ngữ, một văn hóa" ưu tiên tiếng Nepal. Môi trường sống thay đổi, ngôn ngữ Danwar dần không còn được truyền đạt giữa các thế hệ.
7. Kulina Páno (Brazil) - Chỉ còn 32 người nói
Kulina Páno thuộc họ ngôn ngữ Panoan, có lịch sử hơn 1.800 năm. Ngôn ngữ này nay chỉ còn lưu truyền ở vài làng thuộc thung lũng sông Javari, tây Brazil. Mọi người nói Kulina Páno hiện đều có thể nói thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, khiến Kulina Páno không còn vai trò trong đời sống hàng ngày.
8. Nyamal (Úc) - Dưới 10 người nói
Tiếng Nyamal là một trong nhiều ngôn ngữ thổ dân Australia bị đẩy đến bờ tuyệt chủng do chính sách đồng hóa trong thế kỷ 20. Chỉ còn rất ít người lớn tuổi nói thành thạo, trong khi phần đông giới trẻ hoàn toàn không biết ngôn ngữ này.

Khi một ngôn ngữ biến mất, chúng ta không chỉ mất đi từ vựng và ngữ pháp mà còn đánh mất cả cách nhìn thế giới độc đáo của một cộng đồng
9. Valley Yokuts (Mỹ) - Chỉ còn chưa đầy 12 người
Valley Yokuts là một nhánh ngôn ngữ bản địa của người Yokuts tại California. Cơn sốt vàng, lịch sử đàn áp cộng đồng bản địa, đại dịch và chính sách đồng hóa khiến ngôn ngữ này gần như tuyệt chủng. Hiện tại, chỉ còn vài người có thể nói.
10. Gurdu-Mbaaru (Nigeria) - Khoảng 10.000 người
Còn gọi là Guruntum hoặc Boguru, ngôn ngữ này đang dần mai một khi giới trẻ chuyển sang dùng tiếng Hausa và tiếng Anh - hai ngôn ngữ phổ biến hơn tại Nigeria. Dù còn số lượng người nói kha khá, nhưng việc không được giảng dạy, ghi chép đầy đủ khiến Gurdu-Mbaaru đang mất dần chỗ đứng trong đời sống thường nhật.
Theo Study International