Vào khoảng 11 giờ đêm, Trà Thị Kim Ngọc (31 tuổi), nữ diễn viên đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, rời khỏi công ty sau một ngày dài bận rộn. Cô gọi một cuốc Grab để trở về nhà, cũng như bao lần khác. Nhưng hôm ấy, chuyến đi tưởng chừng bình thường lại mang đến cho cô trải nghiệm đáng nhớ.
Trà Ngọc nhớ lại: "Anh tài xế chở theo một balo, mình biết chắc anh ấy chạy cả ngày trời rồi vì thấy nước uống, đồ ăn treo trên xe. Anh chạy từ tốn, cẩn thận mà không cần mình dặn dò câu nào hết, từ công ty về nhà mình khá xa nên mình cũng thấy hơi ê cái lưng rồi mà không dám hối thúc anh, vì nghĩ anh ấy chạy vậy cũng tốt và an toàn cho mình…"
Khi gần đến nhà, bất ngờ một nhóm thanh niên chạy từ trong hẻm lao ra, không ai đội mũ bảo hiểm, lao nhanh vào giao lộ. Cú va chạm xảy ra. Xe anh tài xế va trúng một chiếc xe trong nhóm đó. Cả hai ngã xuống đường. Một chị gái từ xe đối phương ngã xuống, còn Trà Ngọc vẫn may mắn ngồi yên trên xe, "tim như rơi xuống đất". Cảm giác hồn vía bay lên mây, cô chỉ kịp chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất.
Điều bất ngờ là anh tài xế, người vừa bị tông ngã sõng soài, dù còn đau ê ẩm những vẫn bình tĩnh dựng xe dậy, cúi xuống lượm điện thoại và... xin lỗi.
Anh không to tiếng, không cãi vã. Trong khi đó, nhóm thanh niên say xỉn kia, mùi rượu bia nồng nặc lại bắt đầu lớn tiếng đổ lỗi, đòi đền bù, dù chính họ là những người chạy ẩu, không tuân thủ luật giao thông.
"Họ nhào tới hùng hổ, lúc này mình bấm sẵn 113 trong máy rồi, sợ muốn khóc luôn. Ấy vậy mà mình thấy anh Grab chạy ra nhặt điện thoại lại và xin lỗi mấy người kia, dù anh ấy không sai một chút nào.
Mình ngồi trên xe anh, từ đầu đến cuối thấy rõ anh chạy cẩn thận lắm! Nhóm người say xỉn kia bắt đầu chạy lại la hét là xe họ hư chỗ này, hỏng chỗ kia. Mình biết ngay là họ muốn gì rồi. Thấy anh Grab sợ ra mặt, mình nói: "Dạ thôi mấy anh chị thông cảm, anh ấy chạy cuốc xe không có bao nhiêu, để anh đi nha".
Nói có một câu đó thôi mà bị quát tháo tới tấp, mình sợ quá mới đi ra xa một chút và gọi chồng đến đón."

Kim Ngọc và câu chuyện về chuyến xe đêm gây chú ý.
Chồng của Trà Ngọc khi đến nơi muốn báo công an, nhưng cô biết anh tài xế kia không muốn mọi chuyện trở nên phức tạp. Anh vẫn đứng đó, nhẹ nhàng xin lỗi, giải thích, không một lời than phiền hay oán trách.
Trà Ngọc được chồng đưa về, nhưng suốt quãng đường, trong lòng cô trào dâng nỗi lo lắng. Cô nói với chồng: "Mình chạy xe theo dõi xem người ta có làm gì anh Grab không."
Chồng cô đồng ý. Hai vợ chồng đứng từ xa quan sát hồi lâu. Cuối cùng, nhóm thanh niên kia bỏ đi, còn anh tài xế dắt chiếc xe bị hư hỏng khá nặng, lầm lũi bước đi trong đêm.
Khi về nhà, Trà Ngọc quyết định liên hệ lại với anh. Khi biết anh tài xế bị nhóm người kia đòi bồi thường 200.000 đồng, chị xin số tài khoản của anh để hỗ trợ khoản tiền này.
Một số tiền nhỏ kèm theo dòng tin nhắn: "Anh là người tốt", không phải để giúp đỡ về vật chất, mà để người tài xế hiểu rằng, anh không nhún nhường vì sợ hãi.
"Mình là kiểu người gặp chuyện bất bình là mất ngủ luôn, nên tối hôm đó về mình không thể ngủ được. Sau đó mình có nhắn tin và chuyển tiền hỗ trợ anh phần nào, mình muốn anh ấy hiểu rằng anh hành xử như vậy vì tâm anh tốt, vì anh chọn cách ứng xử nhân văn hơn giữa một thế giới ngày càng khan hiếm sự tử tế.
Ngày hôm sau, khi mình chia sẻ sự việc lên mạng xã hội, phía bên Grab cũng đã liên hệ với mình để đề nghị gửi lại tiền cuốc xe và hỏi thăm sức khỏe. Họ cũng đã liên hệ hỗ trợ cho anh ấy nữa.
Ngoài ra, khi câu chuyện được lan tỏa, một số bạn bè mình cũng xin số tài khoản anh Grab để chia sẻ phần nào khó khăn với anh, mình cảm thấy rất vui vì đã làm được điều gì đó giúp đỡ anh" – Trà Ngọc cho biết thêm.


Câu chuyện của chị Trà Ngọc nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút nhiều sự chú ý cùng hàng nghìn tượt tương tác.
Sài Gòn có thể ồn ào, khói bụi, nhưng những con người như anh tài xế Grab và chị Trà Ngọc khiến thành phố này vẫn luôn ấm áp, là nơi mỗi người có thể gửi gắm lòng tin vào điều tử tế. Không cần làm gì quá lớn lao, đôi khi chỉ một hành động nhỏ thôi cũng đủ để thắp sáng cả một đêm tối.