
Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Trần Văn Trung (1927-2006). Ông sinh ra tại Biên Hòa, Đồng Nai trong gia đình viên chức cao cấp.

Năm 1945, khi cách mạng tháng Tám thành công, ông bỏ học và tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó tham gia học khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền.

Ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào chiến khu D nhận nhiệm vụ hoạt động tại trung tâm đầu não quân sự của địch ở Sài Gòn, để nắm được các ý đồ chiến lược về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế của thực dân Pháp. Trần Văn Trung đổi tên thành Phạm Xuân Ẩn.

Tháng 10/1957, để có thể đi nhiều nơi, tiếp cận với những nhân vật quyền lực nhất, nhằm thu thập các tin tức tình báo nhanh chóng và chính xác nhất, Phạm Xuân Ẩn được Đảng cử sang Mỹ học ngành báo chí tại California từ 1957-1959.

Sở hữu vẻ ngoài điển trai, cao ráo, Phạm Xuân Ẩn nổi bật khi học ở Mỹ lúc bấy giờ. Trong chương trình Người đương thời năm 2012, ông tự nhận mình ''hồi đó tôi ngon lắm mà, đánh boxing". Ông kể kỷ niệm đi nhảy đầm lóng ngóng, chỉ biết bắt chước hay chiến lược "36 kế, chạy là nhất. Tôi đầu hàng cho rồi", thể hiện sự khéo léo và quyết đoán trong việc tránh xa những vướng bận tình cảm.

Sau khi trở về nước, ông được mời làm phóng viên cho hãng thông tấn Reuters (Anh) và các báo khác của Mỹ. Do có quan hệ rộng với các cơ quan quân sự, tình báo, thông tin Mỹ, cùng quan chức cao cấp của Phủ Tổng thống, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Bộ Tổng tham mưu… nên các chính khách, tướng tá của chế độ Sài Gòn hết sức quý trọng ông.

Với vỏ bọc là phóng viên tuần báo Time của Mỹ và danh nghĩa là người của CIA, Phạm Xuân Ẩn có được nhiều nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo Mỹ. Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của ông được bí mật gửi cho Trung ương cục miền Nam thông qua mạng lưới H63, sau đó gửi cho Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hà Nội. Tin tức tình báo của ông mang tính chiến lược đối với thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Năm 1976, Phạm Xuân Ẩn được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc này nhiều người mới biết ông là tình báo viên thời chiến.

Ngày 20/9/2006, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời trước sự tiếc thương của toàn thể người dân Việt Nam và rất nhiều bạn bè quốc tế. Ông thọ 80 tuổi.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) sinh tại Long Xuyên, trong gia đình công giáo toàn tòng, trí thức, giàu có bậc nhất Nam Bộ, mang quốc tịch Pháp.

Tháng 9/1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ, Phạm Ngọc Thảo tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp và lên đường tham gia kháng chiến. Sau đó, Phạm Ngọc Thảo được tổ chức cử ra miền Bắc học tập rồi trở về Nam. Ông từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410, rồi Trung Đoàn phó, và sau đó là Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ.

Theo chỉ đạo của cấp trên, ông phải thâm nhập hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Trong vai sĩ quan cao cấp, ông từng bước gây dựng lòng tin ở hàng ngũ Ngô Đình Diệm, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là Bến Tre) năm 1958.

Những năm làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, ông cung cấp nhiều tài liệu liên quan cuộc hành quân của địch trong tỉnh, quân khu, hạn chế thiệt hại. Tại đây, Phạm Ngọc Thảo cũng thả hơn 2.000 tù chính trị với lý do thực hiện chính sách thân dân của Tổng thống, tạo điều kiện để họ tiếp tục hoạt động cách mạng.

Phạm Ngọc Thảo đứng sau nhiều biến động chính trị ở miền Nam đầu thập niên 1960, góp phần không nhỏ trong cuộc đảo chính lật đổ anh em ông Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963.

Năm 1965, khi bị chính quyền địch truy bắt, Phạm Ngọc Thảo vẫn không từ bỏ nhiệm vụ, quyết tâm ở lại nơi mà ông có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Khi không may sa vào tay địch, ông bị chúng tra tấn dã man, song ý chí sắt đá không hề bị lay chuyển.

Dù bị tra tấn đến chết, nhưng chúng vẫn không hề hay biết ông là nhà tình báo chiến lược, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Như rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo kiên trung khác, ông chấp nhận hy sinh thầm lặng vì Tổ quốc. Năm 1995, Liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá Tư Cang sinh năm 1928, tên thật Nguyễn Văn Tàu, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông làm chiến sĩ quân báo của Việt Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1947 đến năm 1954.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đổi tên là Trần Văn Quang và làm Trung đội trưởng trinh sát kiêm chính trị viên đại đội đặc công, Sư đoàn 338. Năm 1961, ông quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Từ năm 1962-1972, ông làm Cụm trưởng Cụm tình báo H.63. Đây là cụm tình báo chiến lược quan trọng bậc nhất trong kháng chiến chống Mỹ.

Với vai trò chỉ huy, ông điều hành và phối hợp với những điệp viên huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, thực hiện những nhiệm vụ thu thập thông tin quan trọng từ lòng địch góp trực tiếp vào các quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Lý lịch ông Tư Cang trong hồ sơ mật của địch chỉ vỏn vẹn vài dòng: "Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng, cao, bắn súng hai tay, thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định". Ông đi làm cách mạng năm 1947, lúc vợ mang thai con đầu lòng. Cũng từ đó, ông mất liên lạc với gia đình suốt gần 30 năm. Tối 30/4/1975, khi Sài Gòn vừa giải phóng, ông trở về đoàn tụ với gia đình.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến trong giai đoạn bảo vệ biên giới phía Bắc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ông Tư Cang về hưu năm 1980, được xếp thương binh hạng 2/4. Ông được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 2006.

Đến năm nay (2025), ông Tư Cang 97 tuổi, vợ ông vì tuổi già sức yếu đã qua đời năm 2020.