Bệnh nhi tên T.K. (2 tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khoảng ba giờ sau khi uống nhầm bột thông cống. Ngày 8/5, thông tin từ bệnh viện cho biết khi vào viện, bé có biểu hiện sốt, bỏng toàn bộ khoang miệng, không thể ăn uống và bắt đầu có dấu hiệu nhiễm trùng với các chỉ số viêm trong máu tăng cao.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành điều trị tích cực: truyền dịch, sử dụng thuốc bảo vệ và làm lành niêm mạc đường tiêu hóa, kết hợp kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng và thuốc giảm tiết dịch dạ dày. Trẻ được chỉ định nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng để đánh giá mức độ tổn thương. Kết quả cho thấy bé bị bỏng thực quản độ II, một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến sẹo hẹp thực quản, gây biến chứng lâu dài.
![]() |
Bột thông cống là hóa chất mạnh có chứa các chất ăn mòn đặc biệt nguy hiểm cho cơ thể |
Nhằm đảm bảo dinh dưỡng và tránh tổn thương thêm, các bác sĩ đã đặt ống sonde dạ dày dưới hướng dẫn nội soi để nuôi ăn. Sau một tuần điều trị liên tục và theo dõi sát, sức khỏe bệnh nhi dần cải thiện, có thể ăn uống trở lại và đủ điều kiện xuất viện.
Theo thống kê của khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi năm nơi đây tiếp nhận khoảng 250–300 ca tai nạn tiêu hóa ở trẻ, trong đó có nhiều trường hợp uống nhầm hóa chất. Riêng quý I năm 2025, đã có 26 trẻ được cứu sống kịp thời.
Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ thường xảy ra vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè – thời điểm trẻ nhỏ hiếu động, tò mò và ít được giám sát. Những tai nạn phổ biến bao gồm uống nhầm hóa chất tẩy rửa, nuốt pin, cúc áo, đồ chơi nhỏ… Trong nhiều trường hợp, phụ huynh chưa biết cách sơ cứu đúng cách hoặc chậm đưa trẻ đến cơ sở y tế, làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Phụ huynh tuyệt đối không gây nôn, không cho trẻ uống chất trung hòa, chất pha loãng hay than hoạt. Cũng không nên tự đặt ống sonde dạ dày khi chưa có chỉ định và hỗ trợ của bác sĩ. Hành động đúng nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Bột thông cống là hóa chất mạnh có chứa các chất ăn mòn như sodium hydroxide (xút), potassium hydroxide... có khả năng làm tan mỡ và phân hủy chất hữu cơ. Khi uống nhầm, các chất này gây bỏng nặng niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày, thậm chí thủng nội tạng. Trẻ nhỏ nuốt phải có thể gặp biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hẹp thực quản hoặc tử vong nếu không xử trí kịp thời. Hóa chất này tuyệt đối phải để xa tầm tay trẻ em.