Xã Hội

Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn công dân nhập ngũ

Hình xăm vẫn có thể được xem xét tuyển chọn

Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến Bộ Quốc phòng kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai (cũ) phản ánh về việc quy định hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong Quân đội.

Cử tri cho rằng, quy định hiện nay chưa phù hợp vì thực tế, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn công dân nhập ngũ ảnh 1

(Ảnh minh họa)

Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho biết, quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức.

Nội dung liên quan đến hình xăm, chữ xăm của công dân nhập ngũ được quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016 của liên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn và gọi công dân vào phục vụ trong quân đội.

Theo đó, quy định hiện hành về hình xăm, chữ xăm của công dân nhập ngũ chỉ điều chỉnh đối với các hình xăm, chữ xăm dưới da (làm thay đổi sắc tố da, không thể tẩy xóa) biểu hiện tư tưởng chính trị, đạo đức như hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái; hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích lớn trên cơ thể…

“Công dân có hình xăm, chữ xăm không thuộc các trường hợp trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội”, Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Nội dung quy định về hình xăm, chữ xăm của công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phù hợp với bản chất, truyền thống của quân đội và tính chất, đặc điểm hoạt động quân sự; đồng thời là yêu cầu cần thiết để xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân với Tổ quốc; việc một số công dân cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để nhằm mong muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là tự từ bỏ quyền, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức.

Những trường hợp trên không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong quân đội; đồng thời, cần được cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương vào cuộc xem xét xử lý nghiêm túc để đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Để khắc phục các vấn đề tồn tại, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; HĐND các cấp tại địa phương tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, để pháp luật về nghĩa vụ quân sự được thực thi nghiêm túc.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

Các tin khác

Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...

Sau sắp xếp, TPHCM tăng hỗ trợ người lao động

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính, TPHCM mới ghi nhận số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh. Thành phố sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm và an sinh cho người lao động trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.