Giáo dục

Cần thay đổi câu hỏi đọc hiểu để đề ngữ văn vượt qua giai đoạn “thử việc”

Dưới đây là đề kiểm tra kĩ năng đọc hiểu trong tài liệu kiểm tra đánh giá của AQA (Assessment and Qualifications Alliance), một trong những tổ chức khảo thí lớn nhất tại Vương quốc Anh, dành cho học sinh hoàn thành Chương trình Giáo dục Trung học bắt buộc (General Certificate of Secondary Education).

Đối tượng học sinh làm bài kiểm tra này độ tuổi 15 – 16, gần với học sinh lớp 9, lớp 10 của Việt Nam.

Đọc phần mở đầu của một truyện ngắn (“Tòa án và Vị khách dự đám cưới” của O. Henry).

Vào một buổi tối khi Andy Donovan đến ăn tối tại nhà trọ trên Đại lộ Thứ Hai, bà Scott giới thiệu anh với một người mới đến trọ, một cô gái trẻ, tên là Conway. Cô Conway nhỏ nhắn và kín đáo. Cô mặc một chiếc váy màu nâu sẫm giản dị, và dồn sự chú ý có vẻ uể oải của mình vào đĩa thức ăn. Cô ngước đôi mắt rụt rè và ném một cái nhìn sắc sảo, đầy phán xét về phía Donovan, lịch sự lẩm bẩm tên anh, rồi quay lại với món thịt cừu của mình. Donovan cúi chào với vẻ duyên dáng và nụ cười rạng rỡ, những thứ đang nhanh chóng mang lại cho anh sự tiến bộ về xã hội, kinh doanh và chính trị, rồi xóa hình ảnh cô gái váy nâu sẫm khỏi tâm trí của mình.

(Tạm dịch từ bản gốc: One evening when Andy Donovan went to dinner at his Second Avenue boarding-house, Mrs. Scott introduced him to a new boarder, a young lady, Miss Conway. Miss Conway was small and unobtrusive. She wore a plain, snuffy-brown dress, and bestowed her interest, which seemed languid, upon her plate. She lifted her diffident eyelids and shot one perspicuous, judicial glance at Mr. Donovan, politely murmured his name, and returned to her mutton. Mr. Donovan bowed with the grace and beaming smile that were rapidly winning for him social, business and political advancement, and erased the snuffy-brown one from the tablets of his consideration.)

Trả lời các câu hỏi sau:

1. Bạn biết được gì về bối cảnh của câu chuyện?

2. Ấn tượng đầu tiên của bạn về cô Conway là gì?

3. Cụm từ “ném một cái nhìn sắc sảo, đầy phán xét” có tác dụng gì?

4. Mô tả về phản ứng của Andy Donovan cho chúng ta biết điều gì về anh ta?

5. Bạn nghĩ điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Cần thay đổi câu hỏi đọc hiểu để đề ngữ văn vượt qua giai đoạn “thử việc” - 1

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

Đáp án (AI gợi ý):

1. Bối cảnh của câu chuyện: Câu chuyện diễn ra tại một nhà trọ trên Đại lộ Thứ Hai, trong một buổi tối khi mọi người tụ tập để ăn tối. Bối cảnh này gợi lên một môi trường bình dân, nơi các nhân vật từ những hoàn cảnh khác nhau gặp gỡ.

2. Ấn tượng đầu tiên về cô Conway: Cô Conway được miêu tả là nhỏ nhắn, không nổi bật, ăn mặc giản dị với chiếc váy nâu sẫm, và có vẻ lơ đãng, rụt rè. Cô dường như kín đáo, không muốn thu hút sự chú ý, nhưng cái nhìn sắc sảo của cô cho thấy cô có sự quan sát và phán xét tinh tế.

3. Tác dụng của cụm từ “ném một cái nhìn sắc sảo, đầy phán xét”: Cụm từ này gợi lên một hành động nhanh chóng, quyết đoán, và đầy ý đồ. Nó cho thấy cô Conway, mặc dù bề ngoài rụt rè, nhưng có khả năng đánh giá người khác một cách thông minh và sắc bén, làm nổi bật sự phức tạp trong tính cách của cô.

4. Mô tả về phản ứng của Andy Donovan: Phản ứng của Andy Donovan – cúi chào duyên dáng, nở nụ cười rạng rỡ, và nhanh chóng “xóa” cô Conway khỏi tâm trí – cho thấy anh là một người tự tin, lôi cuốn, và có tham vọng xã hội. Anh dường như quen thuộc với việc gây ấn tượng với người khác và tập trung vào những cơ hội mang lại lợi ích cho sự thăng tiến của mình, thay vì chú ý đến những người không nổi bật như cô Conway.

5. Dự đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo: Dựa trên phần mở đầu, có thể câu chuyện sẽ xoay quanh mối quan hệ hoặc sự tương tác giữa Andy Donovan và cô Conway. Cái nhìn sắc sảo của cô Conway gợi ý rằng cô có thể không đơn giản như vẻ ngoài, và có thể cô sẽ đóng một vai trò bất ngờ trong việc thách thức hoặc ảnh hưởng đến sự tự tin và tham vọng của Donovan. Có thể sẽ có một sự kiện hoặc tình huống làm thay đổi cách Donovan nhìn nhận cô Conway, dẫn đến một bước ngoặt trong câu chuyện.

Có thể thấy gì từ đề kiểm tra này?

Thứ nhất, ngữ liệu rất ngắn gọn (chỉ 150 chữ), không cần dài như nhiều người hình dung, nhưng đó phải là một đoạn đặc sắc, có nhiều chi tiết để khai thác. Người làm bài không cần biết gì thêm bên ngoài văn bản mà chỉ cần bám sát văn bản, đọc văn bản như một thám tử điều tra.

Thứ hai, các câu hỏi không quá khó, nhất là câu 1, 2, nhưng đều đáp ứng yêu cầu đánh giá kĩ năng đọc hiểu của học sinh, không có câu hỏi nhận biết tầm thường.

Thứ ba, nội dung đề kiểm tra này tương thích cao với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) môn ngữ văn năm 2018, khá gần với những câu hỏi trong SGK mới của Việt Nam.

Ngoài ra, đáp án đọc hiểu do AI gợi ý cũng đúng tính chất đáp án môn Ngữ văn, chứ không phải chỉ mấy từ ngữ ngắn ngủn: thơ tự do, ngôi thứ ba, biện pháp tu từ so sánh.

Đối chiếu với chương trình GDPT ngữ văn năm 2018 của Việt Nam, có thể thấy nhiều yêu cầu cần đạt trong chương trình có liên quan đến những câu hỏi đọc hiểu trên đây, thậm chí học sinh của chúng ta được làm quen từ rất sớm.

Cụ thể, ở lớp 2, học sinh được học nhận biết thái độ, tình cảm giữa các nhân vật thể hiện qua hành động, lời thoại; ở lớp 3 là nhận biết được đặc điểm của nhân vật thể hiện qua hình dáng, điệu bộ, hành động, lời thoại; ở lớp 4 là nhận biết được thời gian, địa điểm và tác dụng của chúng trong câu chuyện; ở lớp 5 là tìm được một cách kết thúc khác cho câu chuyện.

Lên cấp 2, lớp 6, học sinh nhận biết và phân tích được đặc điểm nhân vật thể hiện qua hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ của nhân vật. Lớp 7, học sinh nhận biết được tính cách nhân vật thể hiện qua cử chỉ, hành động, lời thoại; qua ý nghĩ của các nhân vật khác trong truyện; qua lời người kể chuyện.

Lên lớp 11, học sinh nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại như: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện…

Trong sách giáo khoa Ngữ văn, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, hệ thống câu hỏi “Trong khi đọc” có loại câu hỏi rèn luyện cho học sinh kĩ năng dự đoán xuất hiện khá nhiều trong các bài học.

Chẳng hạn, ở lớp 7, bài “Bầy chim chìa vôi”, có câu hỏi (dự đoán): Bầy chim chìa vôi non có bay được vào bờ không?; lớp 8, bài “Mắt sói” có câu hỏi (dự đoán): Chuyện gì sẽ xảy ra với Ánh Vàng khi nó muốn nhìn thấy con người thật gần?; lớp 9, bài  “Chuyện người con gái Nam Xương” có câu hỏi (dự đoán): Theo em, kết cục của cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương sẽ như thế nào?

Nếu được rèn luyện kĩ năng dự đoán như thế thì học sinh của chúng ta cũng có khả năng trả lời được câu 5 tuy có thể không đầy đủ như đáp án trên.

Trong cả ba bộ SGK Ngữ văn mới (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều) và sách bài tập được biên soạn theo các bộ SGK này cũng không thiếu những câu hỏi đáp ứng yêu cầu đánh giá kĩ năng đọc hiểu theo cách như thế.

Như vậy, học theo chương trình và SGK mới, học sinh Việt Nam được chuẩn bị tốt để trả lời những câu hỏi đọc hiểu trong đề kiểm tra kiểu như trên của Vương quốc Anh.

Vậy thì vì sao chúng ta không thiết kế những câu hỏi đọc hiểu như vậy với độ khó tăng giảm phù hợp trong các đề kiểm tra định kì, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT?

Tôi mong các câu hỏi đọc hiểu như vậy xuất hiện nhiều hơn trong đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì để đến ngày đề thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam vượt qua được giai đoạn “thử việc”, mở đường thông thoáng hơn cho đổi mới.

(*) Tít bài do báo Dân trí đặt.

 PGS.TS Bùi Mạnh Hùng

(Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình GDPT năm 2018

Tổng Chủ biên SGK môn Tiếng Việt – Ngữ văn,

bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”)

Các tin khác

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...

Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.