Giáo dục

Chống gian lận bằng AI trong thi cử

KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ DÙNG AI GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP

Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn đang diễn ra, mạng xã hội đã lan truyền thông tin có thí sinh (TS) dùng AI để nhờ giải bài trong giờ thi môn toán. Bộ Công an thời điểm đó đã lập tức truy xét, tìm hiểu nguồn gốc thông tin và xác định có 3 TS tại 2 hội đồng thi đã dùng AI để gian lận trong thời gian thi, chưa tới một ngày sau khi có phản ánh. Cả 3 TS đều thừa nhận hành vi sai phạm.

Đầu tháng 7, Công an Hà Nội thông tin thêm TS đã lén mang điện thoại vào phòng thi, chụp hình đề và dùng 2 ứng dụng AI là Gemini và StudyX để nhờ giải hộ. Ngoài ra, vào cuối tháng 6, Công an tỉnh Lâm Đồng (cũ) cũng phát hiện TS sử dụng camera cúc áo để quay trực tiếp đề thi chính thức môn ngữ văn, nhờ bạn mình ở ngoài dùng ChatGPT giải hộ và đọc lại đáp án.

Chống gian lận bằng AI trong thi cử và giải pháp phòng chống gian lận hiệu quả - Ảnh 1.

Không những dùng các thiết bị công nghệ, hiện nay một số thí sinh đã sử dụng ứng dụng AI để gian lận trong các kỳ thi quan trọng

ẢNH: CHATGPT

Ở các vụ việc nêu trên, cơ quan công an đều khởi tố hình sự những đối tượng vi phạm, bởi đề thi tốt nghiệp THPT thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "tối mật".

Chia sẻ trong họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (PA03) thuộc Bộ Công an, khẳng định vụ việc gian lận thi cử lần này xảy ra ở phạm vi nhỏ và không có chuyện lọt đề khi TS làm bài thi. Điều này không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của cả kỳ thi, ông Chung nhấn mạnh. Ông cũng dự báo việc sử dụng AI để gian lận trong thời gian tới sẽ ngày càng tinh vi hơn.

AI CÀNG PHÁT TRIỂN, GIAN LẬN BẰNG AI SẼ LAN RỘNG

Một học sinh (HS) tại TP.HCM năm nay lên lớp 12 chia sẻ, bản thân em và bạn bè đồng trang lứa đang dùng AI ở hầu hết môn học, nhất là khi tìm thông tin cho bài thuyết trình.

"Có trường hợp các bạn cũng dùng AI để gian lận khi thi nhưng không nhiều, vì AI chỉ hỗ trợ tốt các môn xã hội nhiều lý thuyết, còn môn tự nhiên thường không giải được hoặc giải sai nhiều lắm", HS này kể và cho biết thêm: "Do đó em nghĩ AI càng phát triển thì gian lận bằng AI cũng có thể lan rộng theo".

Bộ GD-ĐT có thể phối hợp với các chuyên gia về AI - những người hiểu rõ khả năng, hạn chế của AI - để được tư vấn phương pháp ra đề hiệu quả trong thời đại AI.

Thạc sĩ Nguyễn Gia Hy, giảng viên bộ môn AI tại ĐH Swinburne (Úc)

Theo thiếu tướng Trần Đình Chung, thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để phòng ngừa và ngăn chặn, như tiếp tục ứng dụng công nghệ cao hơn để phát hiện gian lận bằng AI hay tăng cường phối hợp giữa các bên. Ông Chung cũng đề nghị các bên tuyên truyền, giáo dục nhận thức của TS và những người liên quan về hậu quả khi gian lận thi cử để phòng tránh vấn đề này ngay từ đầu.

Chống gian lận bằng AI trong thi cử - Ảnh 1.

Học sinh dùng DeepSeek, một công cụ AI phổ biến của Trung Quốc, để giải đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2025

ẢNH: NGỌC LONG

TẠM DỪNG HOẶC HẠN CHẾ TÍNH NĂNG CỦA CÔNG CỤ AI TRONG THỜI GIAN THI?

Thạc sĩ Bùi Mạnh Hùng, sáng lập và điều hành ứng dụng giáo dục Aiducation, dẫn lại câu chuyện nhiều hãng công nghệ Trung Quốc đã tạm dừng dịch vụ hoặc hạn chế một số tính năng của công cụ AI tạo sinh như DeepSeek, Doubao... để ngừa gian lận trong kỳ thi tuyển sinh ĐH của nước này.

Từ đó, anh Hùng đề xuất VN có thể thực hiện quy định tương tự trong thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đây là một phương pháp hiệu quả vì giúp ngăn chặn vấn đề từ gốc. Anh Hùng cho biết thêm ứng dụng giáo dục Aiducation tạm thời tắt các tính năng AI liên quan tới giải bài trong những ngày tổ chức thi tốt nghiệp THPT vừa qua để công cụ không bị lạm dụng cho mục đích gian lận.

"Tôi hy vọng sớm có cơ chế để các công ty công nghệ như chúng tôi phối hợp làm việc với Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu trách, từ đó có thể cùng lúc tạm dừng cung cấp dịch vụ AI liên quan nhằm đảm bảo sự trung thực và nghiêm túc của kỳ thi", anh Hùng bộc bạch.

Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Gia Hy, giảng viên bộ môn AI tại ĐH Swinburne (Úc), đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hai doanh nghiệp chuyên về AI tại VN là SkillPixel và AIFicient, nhận định việc cấm các công cụ AI có "tính hiệu quả cao" chỉ phù hợp với những quốc gia có sản phẩm AI nội địa mạnh như Mỹ, Trung Quốc. Bởi tại VN, TS nếu muốn gian lận thì chủ yếu sử dụng các công cụ AI ở nước ngoài thay vì sản phẩm nội địa.

"Trung Quốc triển khai phương án này hiệu quả bởi vì họ chặn gần như hầu hết những sản phẩm công nghệ của Mỹ, trong đó có ChatGPT. Nếu chúng ta chặn IP các công cụ đó trong thời gian thi thì có thể hạn chế khả năng gian lận tốt hơn, nhưng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những người dùng khác vì họ cũng không truy cập được. Và có chặn IP thì vẫn có khả năng vượt qua được nếu TS sử dụng các phần mềm VPN chuyển đổi vùng", ông Hy chia sẻ.

Còn nếu yêu cầu các công ty AI nước ngoài khóa tính năng giải bài tập, có khả năng họ sẽ không làm vì không thuộc quyền quản lý của chính phủ VN, thầy Hy lưu ý thêm.

Chống gian lận bằng AI trong thi cử - Ảnh 2.

Bài đăng trên nền tảng AI tên StudyX trùng khớp với một câu hỏi trong đề toán thi tốt nghiệp THPT hôm 26.6

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

THAY ĐỔI CẦN BẮT ĐẦU TỪ ĐỀ THI

Từ thực tế trên, thạc sĩ Hy đề xuất mô hình hành động theo 3 cấp độ. Ở cấp thấp nhất chính là nhận thức của TS, chúng ta cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền và giáo dục đạo đức khi dùng AI. Ngoài ra, cần xác định hình phạt cụ thể và xử lý nghiêm trường hợp gian lận bằng AI để làm gương. "Dù ta không thể thay đổi ý định của những TS ngoan cố gian lận, nhưng những TS đang ở giữa lằn ranh vi phạm thì việc tuyên truyền, giáo dục chỉn chu sẽ đem lại hiệu quả lớn", thạc sĩ Hy nêu quan điểm.

Cấp độ tiếp theo là thiết kế lại cách đặt câu hỏi, bởi đề theo dạng trắc nghiệm là "điều kiện rất tốt" để AI giải bài với độ chính xác cao. Ngược lại, nếu ra đề với những câu hỏi tự luận, phân tích và xử lý tình huống thì "sẽ hạn chế được khả năng của AI rất nhiều", ông Hy nêu quan điểm. "Bộ GD-ĐT có thể phối hợp với các chuyên gia về AI - những người hiểu rõ khả năng, hạn chế của AI - để được tư vấn phương pháp ra đề hiệu quả trong thời đại AI", ông Hy đề xuất.

"Như trường ĐH tôi đang giảng dạy ở Úc, sinh viên được phép làm bài thi cuối môn ở nhà, nhưng các bạn sẽ không được điểm cao nếu dùng ChatGPT để giải do câu hỏi được thiết kế theo hướng xử lý tình huống. Các bạn cần hiểu bài rõ và biết cách ứng dụng những nội dung và kiến thức đã được học vào bài làm. Lúc này kể cả có công cụ hỗ trợ, TS cũng cần phải thực sự hiểu bài mới có thể sử dụng công cụ để hỏi được", thầy Hy nói thêm.

Cấp độ cuối là tăng cường năng lực giám sát bằng công nghệ, bởi nếu AI là công cụ hỗ trợ gian lận thì nó cũng có thể trở thành công cụ chống gian lận. Cần thí điểm áp dụng hệ thống giám sát thông minh ở các điểm thi như camera AI có thể phát hiện hành vi bất thường của TS trong thời gian làm bài. Đây là một ứng dụng rất phổ biến trong mảng thị giác máy tính của AI, thạc sĩ Hy thông tin.

Về vấn đề này, HS ở TP.HCM năm nay vào lớp 12 được đề cập ở trên, cho rằng không phải AI nở rộ thì tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bị ảnh hưởng. Bởi trong quá trình ôn tập, nhiều thầy cô đã cho lớp làm bài tập "chống AI" - những câu hỏi giáo viên tự ra hoặc lấy ở các nguồn "trên trời dưới đất" vừa không có trên internet, vừa khiến AI "giải trớt quớt". Những câu hỏi này nếu áp dụng trong đề thi sẽ khiến việc dùng AI trở nên vô dụng, theo em HS. 

Thế giới đau đầu vì gian lận bằng AI

Không riêng VN, những quốc gia phát triển cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc đối phó với AI.

Khảo sát của tờ The Guardian công bố hồi tháng 6 đã chỉ ra rằng, gần 7.000 sinh viên ĐH tại Anh đã bị phát hiện gian lận bằng AI, như ChatGPT, trong năm học 2023 - 2024. Đồng nghĩa, cứ 1.000 sinh viên tại Anh thì có 5,1 trường hợp gian lận bằng AI, tăng đáng kể so với con số 1,6/1.000 trong năm học 2022 - 2023.

Tại Singapore, số lượng sinh viên bị phát hiện đạo văn hoặc nộp bài do công cụ AI tạo sinh thực hiện là có, nhưng được các trường ĐH cho là còn ít chứ không phải là hiện tượng phổ biến.

Trong khi đó cuộc điều tra của tờ Nikkei Asia chỉ ra rằng, nhiều bài nghiên cứu từ 14 ĐH ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã cài cắm lời nhắc ẩn để nếu dùng AI, người bình duyệt sẽ nhận toàn những lời nhận xét tích cực. Các dòng cài cắm này thường được tô màu trắng hay chỉnh chữ cực nhỏ để mắt thường không thể thấy được.


Các tin khác

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...

Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.