Giáo dục

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử

Gen Alpha – thế hệ sinh từ năm 2010 đến nay đang bước vào tuổi ăn tuổi học cùng những chiếc-bồn-cầu-biết-hát. Với hơn 65 tỷ lượt xem và 46 triệu lượt đăng ký, chuỗi video hoạt hình Skibidi Toilet không chỉ là trào lưu giải trí mà đang trở thành một dạng ngôn ngữ, một nền văn hóa và với nhiều chuyên gia, một hiện tượng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Theo Best Choice Counselling dẫn nguồn từ các nguyên cứu lớn, 92% trẻ em từ 8 đến 12 tuổi tham gia kh ảo sát dành thời gian trên mạng xã hội, trong đó 65% trẻ có iPhone hoặc iPad thường xuyên xem Skibidi Toilet hoặc các nội dung tương tự như Sigma memes, Minecraft lore, Ohio memes hay các biến thể từ Roblox, Gacha Life, TikTok. Những gì người lớn thấy là "nhảm nhí", "hài độc lạ" lại chính là chất liệu định hình tư duy, giao tiếp và gu thẩm mỹ của một thế hệ.

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 1.

Gen Alpha đang tạo ra thứ ngôn ngữ mới của riêng mình.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng lan rộng không kém. Chỉ cần dạo một vòng TikTok, YouTube Shorts hay Facebook Reels, không khó để bắt gặp các đoạn video Skibidi Toilet được lồng tiếng Việt, remix nhạc trẻ hoặc chèn phụ đề gây cười. Nhiều phụ huynh, giáo viên và thậm chí là chính các bạn Gen Z đã bắt đầu ghi nhận "độ phủ sóng" của Skibidi và các nội dung dạng tương tự ở khắp nơi.

Những gì người lớn thấy là "nhảm nhí", "hài độc lạ", lại đang dần trở thành chất liệu định hình tư duy, khả năng giao tiếp và gu thẩm mỹ của một thế hệ mới - thế hệ mà não bộ lớn lên cùng video ngắn, nhân vật ảo và logic meme. Và có lẽ, điều cần thiết lúc này không chỉ là một nút cấm xem, mà là một cuộc trò chuyện nghiêm túc về việc Gen Alpha đang sống trong thế giới nào và ai đang dạy chúng?

Một "ngôn ngữ số" mới

Được tạo ra bởi YouTuber Alexey Gerasimov, Skibidi Toilet là chuỗi video hoạt hình kỳ dị kể về cuộc chiến giữa người đầu camera và các "bồn cầu biết hát", với hình ảnh và âm thanh được lặp lại liên tục, cường độ cao, màu sắc giật đùng đùng, cùng những từ như "skibidi", "dop dop yes yes", không mang ý nghĩa rõ ràng nhưng cực kỳ dễ lan truyền.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Trên TikTok - nền tảng ưa thích của Gen Alpha chỉ cần gõ một chữ cái đơn giản như "s", loạt từ khóa gợi ý như "Skibidi Toilet", "Skibidi bop"... đã ngay lập tức hiện ra. Hay gõ chữ "b" là hiện ngay ra "brain rot", cùng loạt nhân vật nổi tiếng trong vũ trụ "thối não". Điều này cho thấy mức độ phổ biến áp đảo của xu hướng trong thuật toán và trí nhớ người dùng.

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 2.

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 3.

Không dừng lại ở việc xem thụ động, một bộ phận giới trẻ còn chủ động sáng tạo nội dung ăn theo. Điển hình như những đoạn video lồng tiếng, dựng chuyện hài hước từ nhân vật Skibidi, hay gần đây là một bản chế nhạc mang tên Em Sẽ Là Skibidi - lấy cảm hứng từ ca khúc thiếu nhi nổi tiếng và remix lại theo phong cách… toilet. Những "tác phẩm" này dù gây tranh cãi, nhưng lại thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác, chứng minh rằng Skibidi không chỉ là một trào lưu xem chơi, mà đang thực sự len lỏi vào ngôn ngữ, nhịp sống và gu giải trí của Gen Alpha tại Việt Nam.

Dù chẳng ai định nghĩa chính xác được "skibidi" là gì, trẻ em Gen Alpha vẫn sử dụng từ này hàng ngày như một tiếng lóng đại diện cho cảm xúc hoặc tình huống (vui, xàm, xấu hổ, ngầu...).

"Skibidi" vì thế không còn là tên một clip mà trở thành một dạng mã hóa ngôn ngữ, như kiểu mật ngữ của riêng thế hệ Alpha, một cú phản kháng mềm với thế giới của người lớn: " Chúng tôi nói thứ mà bố mẹ không hiểu và đó là lý do chúng tôi thích nó".

Sự nổi lên của "Language Brain Rot"

Theo Oxford University Press, " language brain rot" được định nghĩa là sự suy giảm nhận thức và ngôn ngữ do tiêu thụ quá nhiều nội dung mang tính giải trí đơn giản, không kích thích trí tuệ chủ yếu là nội dung mạng xã hội, video ngắn. Thuật ngữ này từng chỉ là một khái niệm mơ hồ nhưng đã tăng 230% lượt tìm kiếm chỉ trong một năm từ 2023 đến 2024, cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn từ các nhà giáo dục và phụ huynh.

Nguồn gốc của "brain rot" có thể được lần về từ… thế kỷ 19. Nhà văn Henry David Thoreau từng viết trong cuốn Walden (1854) để chỉ sự suy giảm tư duy của xã hội khi mải mê chạy theo những ý tưởng đơn giản. Nhưng bước ngoặt thực sự đến vào khoảng 2020, khi "brain rot" trở thành meme lan truyền trên Discord, TikTok và Reddit dùng để miêu tả người "nghiện nội dung nhảm".

Ngày nay, "language brain rot" không chỉ nói về nội dung mà còn nói về hậu quả nhận thức từ việc trẻ không thể viết câu hoàn chỉnh, khó chuyển đổi giữa ngôn ngữ mạng, đến mất dần khả năng lập luận và phát triển ý tưởng.

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 4.

Thế hệ sinh từ năm 2010 đến nay đang bước vào tuổi ăn tuổi học cùng những chiếc-bồn-cầu-biết-hát

Tại sao Gen Alpha lại bị cuốn vào "vũ trụ nhân vật ảo" dù được cảnh báo là "thối não" ?

1. Sinh ra trong kỷ nguyên dopamine kỹ thuật số

Năm 2010 - thời điểm Gen Alpha bắt đầu ra đời cũng là lúc iPad, Instagram, và các app trở thành từ khóa của thời đại. Trong khi người lớn nhìn công nghệ như công cụ, Gen Alpha coi thiết bị số là phần mở rộng của bản thân. Video ngắn, clip lặp lại, màu sắc mạnh... tất cả cung cấp những cú "dopamine hit" tức thì cho não bộ non nớt.

Viện Newport chỉ ra việc lướt nội dung mạng khiến não tiết dopamine, dẫn tới cảm giác thoả mãn nhanh chóng nhưng dễ gây nghiện hành vi. Một khi đã quen với các phản ứng nhanh, trẻ dễ chán các hoạt động cần sự kiên nhẫn như đọc sách, chơi nhóm hay học tập.

2. Giao tiếp biến đổi từ nói chuyện thành meme

Cha mẹ và giáo viên nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách trẻ giao tiếp. Nhiều học sinh dùng từ lóng hoặc cụm meme thay cho câu trả lời rõ nghĩa. "Skibidi", "gyatt", "Ohio moment", "rizz"... dần thay thế câu cảm thán. Theo khảo sát, học sinh khó viết luận nghiêm túc vì quen viết ngắn gọn, ngắt câu theo cấu trúc meme.

3. Tạo cộng đồng và định danh bản sắc

Ngôn ngữ ảo là cách Gen Alpha tạo ra thế giới riêng để… người lớn không thể can thiệp. Một nhà nghiên cứu văn hoá số nó i : "Mọi thế hệ đều tạo tiếng lóng. Khác biệt ở Gen Alpha là tốc độ lan truyền: hôm nay là 'skibidi', mai là 'fanum tax', rồi 'slay' thành động từ và tất cả được toàn cầu hóa trong vài ngày".

Với Gen Alpha, không gì vui hơn việc khiến người lớn phải "google từ mới" sau mỗi lần nói chuyện.

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 5.

Với Gen Alpha, không gì vui hơn việc khiến người lớn phải "google từ mới" sau mỗi lần nói chuyện.

Skibidi Toilet có đang hủy hoại ngôn ngữ hay chỉ là biểu hiện của thời đại mới?

Nỗi lo có thật:

- Theo các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc, trẻ dành hơn 84 phút mỗi ngày trên YouTube, chủ yếu cho nội dung ngắn, giải trí.

- Những học sinh sử dụng TikTok nhiều có xu hướng sử dụng từ ngữ tiêu chuẩn nhiều hơn, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi cách diễn đạt ngắn, nhanh, thiếu chiều sâu.

- Việc dùng meme làm phương tiện giao tiếp khiến học sinh khó phân biệt giữa văn phong đời thường và học thuật, gây khó khăn khi viết luận hoặc làm bài kiểm tra.

Nhưng cũng có mặt tích cực:

- Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ sử dụng video để tương tác (như gọi video với gia đình, làm nội dung chia sẻ), kỹ năng ngôn ngữ vẫn phát triển tốt.

- 39% giáo viên được khảo sát cho rằng, việc học sinh dùng slang kể cả kiểu "skibidi" giúp các em diễn đạt bản thân tự nhiên hơn, xây dựng bản sắc văn hóa riêng.

- Một số chuyên gia thần kinh còn đặt câu hỏi: "Liệu việc nhạy cảm hơn với tín hiệu xã hội có phải là hại? Hay đang giúp trẻ phát triển cảm xúc tinh tế hơn?".

Gen Alpha đang có cuộc "tiến hóa" ngôn ngữ lớn nhất lịch sử- Ảnh 6.

Con cái đang thay đổi, cha mẹ cũng cần thay đổi từng ngày.

Vậy giáo dục Gen Alpha thế nào khi đến ngôn ngữ của chúng cha mẹ cũng không hiểu?

Khi một người mẹ trên Reddit chia sẻ: " Tôi không hiểu con mình đang nói gì, mọi thứ cứ như ngôn ngữ đến từ hành tinh khác", hàng ngàn phụ huynh khác đồng cảm. Nhưng thay vì cố học nói "skibidi" hay "gyatt", các chuyên gia khuyên: Hãy lắng nghe và hỏi han bằng sự tò mò thực sự.

Một số chiến lược thực tế trong vi ệc dạy con gồm:

- Giới hạn thời gian lướt TikTok/YouTube, tạo khu vực "không công nghệ" trong nhà (phòng ăn, phòng ngủ…).

- Chơi game hoặc xem video cùng con để hiểu nội dung các em đang thích, từ đó dạy kỹ năng phản biện và chọn lọc thông tin.

- Sử dụng các từ như "skibidi" để khơi gợi trò chuyện: “Con thấy cái đó vui chỗ nào? Con có nghĩ mình tạo được một nhân vật như vậy không?”. Từ đó hướng đến hoạt động viết kịch bản, vẽ truyện tranh, sáng tạo nội dung.

31% phụ huynh trong một khảo sát tin rằng trường học nên cập nhật cả slang mạng xã hội vào chương trình giảng dạy, không phải để cổ vũ mà để hiểu rõ sự thay đổi và giúp trẻ giao tiếp linh hoạt hơn giữa hai thế giới thật và ảo.

"Brainrot" hay tiến hóa ngôn ngữ?

Ngôn ngữ của Gen Alpha đang thay đổi, điều đó là hiển nhiên. Nhưng thay vì lo sợ, người lớn cần phân biệt rõ đâu là hiện tượng văn hóa, đâu là dấu hiệu đáng lo ngại về nhận thức. Sự xuất hiện của Skibidi Toilet không báo hiệu sự suy đồi, mà là một đỉnh sóng mới trong tiến trình phát triển ngôn ngữ số.

Điều then chốt là cha mẹ và giáo viên không nên đứng ngoài cuộc. Khi thế giới ảo trở thành một phần của tuổi thơ, người lớn cần bước vào đó không phải để kiểm soát, mà để đồng hành, lắng nghe và hướng dẫn. Đó không chỉ là cách giúp Gen Alpha lớn lên khỏe mạnh trong thế giới số, mà còn là cơ hội để người lớn… học lại cách hiểu con cái mình.

Bởi sau tất cả, "skibidi" có thể là một từ vô nghĩa nhưng nếu dùng đúng cách, nó có thể trở thành… câu chuyện đầu tiên cho một cuộc trò chuyện thật.

Các tin khác

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...

Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.