Kinh tế

Giá vật liệu xây dựng “bốc đầu”, người xây nhà méo mặt

Trong thời gian ngắn, giá cát xây dựng đã tăng gần như gấp đôi, thậm chí gấp 3 khiến nhiều người dân "méo mặt". Ảnh: MarketTimes

Dừng không được xây tiếp cũng chẳng xong

Tích cóp nhiều năm, vợ chồng anh Trung ở xã Phú Cát - TP Hà Nội (xã Đông Yên - huyện Quốc Oai cũ) đã khởi công công trình xây dựng nhà ở trên thửa đất bố mẹ để lại từ tháng 5/2025. Tuy nhiên, khi công trình vừa khởi công thì đại lý báo giá gạch xây dựng tăng từ 1.200 đồng/viên lên 1.500 đồng/viên rồi 1.800 đồng/viên.

Tương tự, giá cát xây dựng (cát đen) cũng tăng từ 210.000 đồng/m3 lên 380.000 đồng/m2, thậm chí có thời điểm lên đến 450.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá cát vàng (cát đổ bê tông) cũng tăng giá gần như gấp đôi từ khoảng 450.000 đồng/m3 hồi đầu năm 2025 lên đến trên 900.000 đồng/m3.

Giá các loại vật liệu xây dựng thông thường khác như xi măng, sắt thép hay bê tông thương phẩm (bê tông tươi – trộn sẵn) cũng tăng giá đáng kể khiến phương án tài chính ban đầu vợ chồng anh có nguy cơ lớn bị vỡ kế hoạch.

“Vợ chồng tôi rất lo lắng, công trình đang dang dở, dừng thì không được mà làm tiếp thì có khi lại phải vay nợ để trang trải. Không thể hiểu nổi vì sao giá cát, giá gạch lại có thể tăng gần như gấp đôi như vậy trong khi công việc thì ngày càng khó khăn, chi phí sinh hoạt cũng tăng theo khiến người dân như chúng tôi rất hoang mang”, anh Trung chia sẻ.

Cũng trong tình cảnh như anh Trung, vợ chồng anh Tuyến (xã Phú Cát - Hà Nội ) dù đã định ngày khởi công xây nhà trong tháng 7/2025 nhưng hiện đang phải tạm hoãn do phương án tài chính đang bị “vỡ kế hoạch” do giá vật liệu xây dựng tăng cao.

“Dành dụm nhiều năm được ngót một tỷ đồng, đất thì ông bà để lại, vợ chồng tôi tính dựng căn nhà trong tháng này nhưng nay có thể phải dừng lại để chờ đợi giá vật liệu xây dựng xuống giá bớt chứ cao như hiện tại thì xây xong nhà chúng tôi lại ngập trong nợ nần mất”, anh Tuyến cho biết.

Cung khan hiếm, cầu tăng đẩy giá lên cao

Theo báo cáo mới đây của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), nhiều vật liệu như cát, đá tăng giá đột biến trong tháng 6. Tại nhiều tỉnh thành, giá cát dao động 700.000-800.000 đồng một m3, có nơi vượt 1 triệu đồng, tăng 30-60% so với tháng trước. Với thép xây dựng, giá tăng bình quân 100.000-270.000 đồng một tấn, tùy các loại và từng vùng.

"Giá cát và đá xây dựng tăng cao khiến giá trị nhiều loại hình công trình đã tăng đến 3% so với tháng trước", Viện Kinh tế xây dựng cho biết.

Lý giải tình trạng trên, ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng thời gian qua liên tiếp các dự án hạ tầng lớn được đầu tư gồm cao tốc, cảng biển, sân bay... cùng loạt khu đô thị, dự án bất động sản triển khai dọc cả nước khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng. Trong khi đó, nguồn cung ở nhiều địa phương có xu hướng khan hiếm do mỏ hết hạn, bị gián đoạn khai thác vì quá trình cấp phép chậm trễ, ách tắc, ảnh hưởng đến việc cung ứng ra thị trường.

"Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng nóng trong nhiều tháng", ông Bắc cho hay.

Trước tình trạng trên, giữa tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ và địa phương tăng cường kiểm tra, xử hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý vật liệu xây dựng. Để tháo gỡ khó khăn nguồn cung, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xác định các mỏ, nguồn cung, công suất, khả năng cung cấp để bảo đảm cân đối cung cầu.

Các tin khác

Cận cảnh "đại công trường" phục vụ APEC 2027 ở Phú Quốc

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027, đặc khu Phú Quốc đang trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được thi công khẩn cấp, từ mở rộng sân bay quốc tế đến xây dựng trung tâm hội nghị, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế...

Chợ đầu mối hay chợ đầu độc?

Nhiều người dân kinh hãi đặt ra câu hỏi này khi biết vụ 3 kiốt ở chợ đầu mối Tân Mai (Hà Nội) nhập thịt lợn bệnh để bán, và có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Triệt phá đường dây vận chuyển hơn 2,3 tạ bạc tinh khiết qua biên giới

Ngày 10/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai vừa triệt phá đường dây vận chuyển trái phép vàng bạc, kim loại quý hiếm từ Trung Quốc vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi. Tang vật thu giữ là 235 kg bạc tinh khiết. Một đối tượng người Trung Quốc bị bắt giữ cùng năm đối tượng người Việt Nam liên quan đang bị triệu tập điều tra.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Kiểm soát quyền lực phải làm quyết liệt ngay từ đầu

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở cấp xã - làm quyết liệt ngay từ đầu, không để “mất bò mới lo làm chuồng”, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.