Thế giới

Giáo hoàng Francis - Người làm rung chuyển Giáo hội Công giáo

Tóm tắt:
  • Những nỗ lực của Giáo hoàng Francis giúp Giáo hội Công giáo có sức ảnh hưởng bao trùm hơn, cũng khiến ông gặp không ít tranh cãi với những người trọng truyền thống
  • Vatican hôm 21/4 tuyên bố rằng Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
  • Di sản của ông bao gồm cả sự thành công và những vấn đề đến nay còn gây tranh cãi
  • Các cuộc xung đột Giáo hội từng bị chia rẽ sâu sắc sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vào năm 2013
  • Khoảng cách bảo thủ - tiến bộ trở thành một vực thẳm ngay thời điểm ông Francis, một người Argentina, được bầu làm Giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu sau 1

Vatican hôm 21/4 tuyên bố rằng Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88. Di sản của ông bao gồm cả sự thành công và những vấn đề đến nay còn gây tranh cãi.

Các cuộc xung đột

Giáo hội từng bị chia rẽ sâu sắc sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vào năm 2013. Khoảng cách bảo thủ - tiến bộ trở thành một vực thẳm ngay thời điểm ông Francis, một người Argentina, được bầu làm Giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu sau 1.300 năm.

Dưới sự giám sát của ông, văn kiện Vatican được sửa đổi cho phép bất kỳ giáo dân Công giáo nào rửa tội, bao gồm cả phụ nữ, đứng đầu hầu hết các bộ phận trong chính quyền trung ương của Giáo hội Công giáo. Ông đưa nhiều phụ nữ vào các vị trí cấp cao của Vatican hơn bất kỳ giáo hoàng nào trước đây nhưng không nhiều như những người theo chủ nghĩa cấp tiến mong muốn.

Đức Giáo hoàng Francis - người làm rung chuyển Giáo hội Công giáo.

Ông Francis 76 tuổi khi được bầu vào vị trí Giáo hoàng, với sức khỏe tốt. Thế nhưng, việc ông không thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine gây ra sự thất vọng lớn.

Kể từ ngày cuộc chiến bắt đầu năm 2022, ông kêu gọi hòa bình ở hầu hết mọi lần xuất hiện trước công chúng, ít nhất hai lần một tuần. Cuộc xung đột đưa mối quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Chính thống giáo Nga xuống mức thấp mới vào năm 2022.

Ông cũng đưa ra nhiều lời kêu gọi thả các con tin bị Hamas bắt giữ nhưng lại gia tăng chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza trước thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 1/2025.

Phong cách không chính thức

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Giáo hoàng Francis vấp phải sự phản đối từ phe bảo thủ trong Giáo hội do phong cách không chính thức, lối sống giản dị và khước từ sự hào nhoáng truyền thống. Quyết định cho phép phụ nữ và người Hồi giáo tham gia nghi lễ rửa chân trong Thứ Năm Tuần Thánh -trước đây chỉ dành cho nam giới Công giáo - khiến nhiều người bất mãn.

Họ cũng chỉ trích lời kêu gọi của ông về việc Giáo hội cần chào đón cộng đồng LGBTQ+ nhiều hơn, cũng như việc ông chấp thuận ban phước có điều kiện cho các cặp đôi đồng giới vào tháng 12/2023. Việc ông tiếp tục hạn chế việc sử dụng Thánh lễ Latinh truyền thống càng làm tăng sự chia rẽ. Theo Giáo hoàng Francis, những người bảo thủ tự thu mình trong vỏ ốc "tự tham chiếu", và tìm cách trói buộc Công giáo trong một "bộ áo giáp".

Những người dẫn dắt tinh thần của nhóm bảo thủ này gồm Hồng y người Australia George Pell và Hồng y Mỹ Raymond Leo Burke, người từng ví Giáo hội dưới thời Francis như "một con tàu không có bánh lái". Năm 2016 và 2023, ông Burke cùng một số hồng y khác cáo buộc ông Francis gây hoang mang về các vấn đề đạo đức. Tại các hội nghị mà họ tham dự, một số người công khai chỉ trích Giáo hoàng Francis.

Năm 2018, ông từng tuyên bố: “Tôi không phán xét họ. Tôi chỉ cầu xin Chúa làm dịu trái tim họ và cả trái tim tôi” Tuy nhiên, một năm sau khi Đức Benedict qua đời, Giáo hoàng Francis tước bỏ các đặc quyền của ông Burke tại Vatican, bao gồm một căn hộ được trợ cấp và mức lương, khi ông Burke hiếm khi có mặt ở Rome.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông sa thải Giám mục Joseph E. Strickland ở Tyler, Texas, một trong những tiếng nói bảo thủ mạnh mẽ nhất ở Mỹ, sau khi vị giám mục này từ chối từ chức sau một cuộc điều tra của Vatican.

Bên cạnh đó, những quyết định của ông như tuyên bố án tử hình là không thể chấp nhận trong mọi hoàn cảnh, chỉ trích ngành công nghiệp vũ khí và kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân cũng khiến phe bảo thủ thêm bối rối.

Trong khi đó, những người cấp tiến lại thất vọng sâu sắc vào năm 2020 khi Đức Francis từ chối đề xuất cho phép phong chức cho một số người đàn ông có gia đình ở những vùng xa xôi như Amazon, nhằm giải quyết tình trạng thiếu linh mục.

Giáo hoàng Francis.

Ông Francis chiếm được cảm tình của hàng triệu người bằng sự giản dị của mình khi ngài phát biểu vài phút sau khi được bầu làm giáo hoàng vào ngày 13/3/2013. "Anh chị em, chào buổi tối" - là những lời đầu tiên của ông từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Ngài lấy tên Francis để vinh danh Francis thành Assisi, vị thánh gắn liền với hòa bình, quan tâm đến người nghèo và tôn trọng môi trường. Trong lần xuất hiện đầu tiên đó, vị giáo hoàng mới tránh xa chiếc "mozzetta" hay áo choàng lông màu đỏ thẫm, và cũng không đeo thánh giá vàng mà vẫn đeo quanh cổ chiếc thánh giá mạ bạc phai màu mà ông từng đeo khi còn là tổng giám mục Buenos Aires.

Trong cuộc gặp đầu tiên với các nhà báo ba ngày sau đó, Francis nói: "Tôi muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo biết bao".

Những quyết định gây tranh cãi

Nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Francis cũng được đánh dấu bằng cuộc đấu tranh của ngài nhằm khôi phục uy tín cho một Giáo hội bị chấn động bởi các vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ, mặc dù phần lớn các vụ việc xảy ra trước khi ông được bầu.

Đức Francis từng triệu tập gần 200 nhà lãnh đạo Giáo hội đến một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2/2019 về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ, ban hành một sắc lệnh mang tính bước ngoặt khiến các giám mục phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi lạm dụng tình dục hoặc che đậy hành vi này, và bãi bỏ "quyền bí mật của giáo hoàng" đối với các trường hợp lạm dụng.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 buộc ông phải hủy bỏ mọi chuyến đi vào năm 2020 và tổ chức các buổi tiếp xúc trực tuyến. Vào ngày 27/3/2020, khi toàn thế giới đang trong nhiều hình thức phong tỏa và số người chết tăng vọt, ông tổ chức một buổi cầu nguyện đơn độc, kịch tính tại Quảng trường Thánh Peter, kêu gọi mọi người coi cuộc khủng hoảng này là phép thử của tình đoàn kết và lời nhắc nhở về các giá trị cơ bản.

Mặc dù có những cải thiện lớn so với các Giáo hoàng trước đây, các vụ bê bối tài chính vẫn hoành hành ở Vatican trong suốt nhiệm kỳ của Francis. Năm 2020, ông có hành động quyết liệt bằng cách sa thải Hồng y người Italia Angelo Becciu, người bị buộc tội tham ô và vướng vào một vụ bê bối liên quan đến việc Vatican mua một tòa nhà sang trọng ở London. Becciu phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Đối thoại liên tôn giáo và uy tín toàn cầu

Đức Francis đưa cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo lên một tầm cao mới vào năm 2019 bằng cách trở thành giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bán đảo Ả Rập, nhưng những người bảo thủ chỉ trích ông là "kẻ dị giáo" vì ký một văn bản chung về tình huynh đệ liên tôn giáo với các nhà lãnh đạo Hồi giáo.

Một chuyến đi của ông đến Iraq vào tháng 3/2021, chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng, nhằm mục đích củng cố mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hồi giáo.

Ông Francis có uy tín đáng kể trên trường quốc tế, cả về lời kêu gọi công lý xã hội cũng như những động thái chính trị mạo hiểm. Ông thực hiện hơn 45 chuyến đi quốc tế, bao gồm chuyến đi đầu tiên giáo hoàng nào đến Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Myanmar, Bắc Macedonia, Bahrain và Mông Cổ.

Năm 2014, các cuộc tiếp xúc bí mật do Vatican làm trung gian dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba.

Năm 2018, ông dẫn dắt Vatican đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc. Dưới sự giám sát của ông, Vatican và Liên hợp quốc hợp tác tổ chức các hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu và vào tháng 6/2015, ông ban hành một thông điệp trong đó ông yêu cầu "hành động ngay" để cứu hành tinh.

Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ Donald Trump bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, chủ yếu là vấn đề nhập cư.

Các tin khác

Thủ đoạn lừa đảo mới bằng quét mã QR: Hơn 180 triệu chủ tài khoản ngân hàng ở Việt Nam chú ý để tránh mất tiền, mất luôn tài khoản

Hiện Việt Nam có khoảng 180 triệu tài khoản ngân hàng và 138 triệu thẻ ngân hàng. Hình thức quét mã QR để thanh toán ngày càng trở nên phổ biến vì sự tiện lợi. Tuy nhiên, công nghệ này nhưng cũng đang được các nhóm tội phạm mạng lợi dụng khai thác để tạo ra mã QR độc hại để lừa đảo, các chủ tài khoản cần chú ý.

Chủ tịch nước cử Thiếu tá Sử Tấn Phi Long tới Phái bộ MINUSCA

Sáng 21/4, tại Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cử Thiếu tá Sử Tấn Phi Long đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi.

Leicester City xuống hạng, vì đâu nên nỗi?

Leicester một lần nữa xuống hạng. The Foxes đã tạo nên một mùa giải tệ chưa từng thấy và sẽ chơi tại Championship mùa tới, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm chiến tích vĩ đại vô địch Premier League 2015/16 được tạo ra. Vậy điều gì đã đưa họ xuống vực thẳm?