Tôi tên Tuấn Hưng, 38 tuổi, sống tại Thượng Hải, làm trong ngành xây dựng. Vợ tôi – Lam Tuyết, 32 tuổi, là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, lại biết ăn nói. Chúng tôi quen nhau qua một chuyến du lịch cùng nhóm bạn, sau đó bén duyên và cưới nhau chỉ sau 8 tháng tìm hiểu.
Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi ban đầu khá yên ổn. Tôi đi làm kiếm tiền, còn vợ quản lý chi tiêu trong nhà. Tuyết là người tiêu pha khá mạnh tay, nhưng tôi không để ý nhiều vì nghĩ "phụ nữ mà", thêm nữa, công việc của tôi cũng ổn định, thu nhập mỗi tháng vài vạn tệ nên không quá áp lực.
Bố mẹ tôi ở quê, sống giản dị, không có lương hưu, chỉ trông vào ít ruộng vườn. Nhưng họ chưa bao giờ than phiền hay đòi hỏi gì từ con cái. Năm nào tôi cũng gửi biếu bố mẹ ít tiền, coi như báo hiếu.
Cuộc sống của tôi tưởng như sẽ cứ thế trôi qua bình yên. Cho đến khi công ty gặp biến cố.
Thị trường đóng băng, dự án bị ngừng thi công, lương nhân viên vẫn phải trả. Tôi quay cuồng trong áp lực tài chính, vay mượn khắp nơi. Vợ tôi ban đầu còn an ủi, nhưng chỉ sau 2 tháng không còn tiền tiêu, cô ấy thay đổi hoàn toàn. Cô ấy cáu bẳn, trách móc tôi bất tài, suốt ngày kêu ca vì không được đi spa, mua sắm như trước.
Tôi đề nghị bán xe, cắt bớt chi tiêu để trả nợ, nhưng Tuyết không đồng ý. Cô ấy bảo: “Anh nghèo thì mặc anh, đừng bắt em sống như người khổ”. Những lời đó như cứa vào tim tôi.
Đỉnh điểm là đêm hôm đó – đúng ngày vàng đạt đỉnh 760 tệ/gram (~2,6 triệu)
Tôi đang ngồi soạn lại đống hóa đơn nợ thì chuông cửa vang lên. Lúc đó là 12 giờ đêm. Tôi giật mình. Mở cửa ra thì thấy bố tôi, dáng người gầy gò, đứng lặng lẽ dưới ánh đèn cầu thang, tay xách một cái bọc đen to đùng.
Tuyết thấy bố tôi, ánh mắt liền khó chịu. Cô ấy quát lớn: "Ông làm vậy là ý gì? Đêm hôm đến nhà người ta, còn xách cả túi ni lông to thế kia, ai mà không nghĩ đang đến xin xỏ chứ?".

Ảnh minh hoạ
Tôi chết lặng. Bố tôi vẫn đứng yên, không nói gì. Ông chỉ bước vào, nhẹ nhàng đặt túi lên bàn, rồi mở từng lớp nilon – đen, rồi trắng, rồi giấy báo cũ. Trong đó, là những gói nhỏ chứa nhẫn vàng, dây chuyền, miếng vàng trơn,... lấp lánh ánh vàng ròng.
Tôi và Tuyết đều sững sờ.
Ông nhìn chúng tôi, chậm rãi nói:"Bố nghe thằng Duy hàng xóm bảo công ty con đang gặp khó. Đây là số vàng mà bố mẹ dành dụm cả chục năm nay. Có cái bán lúa, có cái là tiền con gửi biếu, bố mẹ không tiêu, giữ lại hết. Giờ con cần, thì cầm lấy".
Tôi bật khóc như đứa trẻ. Tuyết thì lặng im, không nói được lời nào.
Sau khi đặt vàng lên bàn, bố tôi bảo: "Bố không ở lại được, mai còn bắt xe về quê sớm. Ở tuổi này, bố mẹ chỉ mong con cái sống yên ổn, còn cái nhà dưới quê, bố mẹ sửa hay không cũng không quan trọng bằng chuyện con vượt qua được lúc khó khăn"
Ông nói xong thì đứng lên đi ra cửa. Tôi chạy theo, níu tay bố lại mà không cất nổi lời cảm ơn trọn vẹn.
Hôm sau, tôi mang số vàng ấy đi bán, đúng lúc giá vàng đang cao kỷ lục, thu được gần 200.000 tệ (~700 triệu). Tôi trả bớt một khoản nợ ngắn hạn, phần còn lại đầu tư lại vào một dự án nhỏ.
Tuyết cũng thay đổi sau đêm hôm đó. Cô ấy chủ động gọi điện về xin lỗi bố mẹ tôi, rồi bảo tôi: "Em đã sai khi nghĩ bố mẹ quê mùa, nghèo túng. Hóa ra, họ mới là người âm thầm yêu thương và lo cho chúng ta nhiều nhất".
Từ đó, Tuyết bắt đầu đi làm lại, không còn sống dựa hoàn toàn vào tôi. Cô ấy bớt mua sắm, bắt đầu học nấu ăn, quan tâm đến bố mẹ tôi hơn.
Câu chuyện tưởng chừng chỉ đơn giản là một bọc vàng, nhưng với tôi, đó là cả một bài học về gia đình, tình yêu thương và cách vượt qua giông bão. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bố già, dáng lom khom dưới ánh đèn cầu thang lúc nửa đêm, lặng lẽ đặt cả niềm tin, nước mắt và sự hy sinh của cả một đời cha mẹ vào cái bọc đen ấy.
Theo Toutiao
Nguyệt