Xã Hội

Khánh Hòa tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỷ đồng

Ngày 21/5, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu , buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống trên địa bàn.

Trước đó, theo báo cáo của Công an tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm liên quan đến tôm hùm giống, trong đó có 1 vụ bị khởi tố hình sự và 12 vụ xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Đáng chú ý, đã có gần 850.000 con tôm hùm giống không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy, với giá trị ước tính gần 34 tỷ đồng.

Khánh Hòa tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỷ đồng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở ương dưỡng tôm hùm giống. Ảnh: Công an cung cấp.

Riêng trong thời gian từ 31/3 - 8/4/2025 , lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện 8 vụ vận chuyển trái phép, thu giữ khoảng 512.500 con tôm hùm giống. Trước đó, vào ngày 9/5/2024, gần 76.000 con tôm hùm giống bị phát hiện vận chuyển trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Hiện vụ việc đã được khởi tố và đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Công an tỉnh Khánh Hòa đánh giá, tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, tôm kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nuôi tôm, tổn thất lớn chi phí cho người dân và gây thất thoát nguồn thu thuế.

Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 100.000 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hàng năm hơn 3.000 tấn, trong đó riêng TP. Cam Ranh chiếm từ 70.000 - 80.000 lồng, sản lượng đạt trên 2.600 tấn năm.

Thông tin thu thập cho thấy nguồn tôm hùm giống chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực và được vận chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng chủ yếu là đường hàng không. Một số khác được trung chuyển qua cảng hàng không của các quốc gia lân cận rồi vận chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam, đưa về các tỉnh song tập trung nhiều nhất tại địa bàn TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Qua đối chiếu, số lượng tôm hùm giống nhập khẩu hợp pháp, được kiểm dịch, ương dưỡng, quản lý đúng quy định rất ít so với số lượng tôm hùm giống được giao dịch từ thị trường. "Do lợi nhuận lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quy định pháp luật", Công an tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Điện Biên xử phạt, tiêu hủy hàng loạt lô thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc

Từ ngày 24/4 đến 16/5/2025, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Trần Ngọc Diệp - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Điện Biên làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất 24 cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa, vật tư y tế và hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 8 cơ sở vi phạm quy định trong kinh doanh, chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 29 triệu đồng.

Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã phát hiện và buộc tiêu hủy hơn 200kg hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các cơ sở vi phạm.

Số hàng này gồm 13 loại thực phẩm như chân gà, xúc xích (nhiều kích cỡ), bánh, kẹo, củ cải muối và sữa. Các sản phẩm đều được đóng gói trong bao bì in chữ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Khánh Hòa tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỷ đồng- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm quy định trong kinh doanh.

Theo quan sát, phần lớn lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc được phát hiện tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa gần cổng trường học, nơi đối tượng tiêu thụ chủ yếu là học sinh. Tuy nhiên, hiện nay công tác lấy mẫu và kinh phí kiểm định chất lượng các loại thực phẩm này vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.

Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã buộc chủ cơ sở tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã kiến nghị Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ xung quanh trường học – những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao trong việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa nhập lậu.

Khánh Hòa tiêu hủy 850.000 con tôm hùm giống nhập lậu, trị giá 34 tỷ đồng- Ảnh 3.

Hàng loạt mặt hàng thực phẩm như chân gà, xúc xích, bánh, kẹo không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy.

Sở Y tế tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, trở thành người tiêu dùng thông thái; kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Người dân nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, tem kiểm định và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Các tin khác

Nút giao "dị dạng" vì mặt bằng chưa giải phóng xong

Được thành phố Hà Nội yêu cầu giải phóng mặt bằng chậm nhất trong quý II/2025, nhưng đến nay nút giao đường Phạm Tu - Xa La (Thanh Trì) vẫn là công trường ngổn ngang, mặt bằng chưa giải phóng xong, khiến nơi đây trở thành nút giao dị dạng lớn ở Hà Nội.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nợ xấu của hệ thống tín dụng hiện ở mức cao, có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho lĩnh vực ngân hàng

Thống đốc cho rằng, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại qua cho vay đặc biệt cần được quyết định nhanh chóng để đảm bảo an toàn và an ninh hệ thống tín dụng. Đồng thời, việc tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ để xử lý nợ xấu sẽ hỗ trợ xoay vòng vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Giá vàng SJC tăng mạnh, bỏ xa vàng nhẫn

Sáng nay (22/5), giá vàng trong nước bật tăng theo giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC lên mốc 121 triệu đồng/lượng, bỏ xa giá vàng nhẫn 3,5 - 5,5 triệu đồng/lượng.