Thế giới

Mỹ nêu lý do áp thuế quần đảo chỉ có chim cánh cụt

Tóm tắt:
  • Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết áp thuế lên quần đảo Heard và McDonald nhằm "bịt mọi lỗ hổng" trong chính sách thuế.
  • Quyết định này gửi thông điệp không khoan nhượng với bất kỳ quốc gia nào, theo lời Bộ trưởng Lutnick.
  • Giới chức Australia cho rằng việc áp thuế là sai lầm và cho thấy quá trình soạn thảo danh sách vội vã.
  • Dữ liệu nhập khẩu từ quần đảo này vào Mỹ hiện chưa rõ ràng, với một số hàng hóa bị ghi nhầm xuất xứ.
  • Nhiều lô hàng đã bị gán nhãn sai nguồn gốc, dẫn đến việc áp thuế không chính xác lên quần đảo.

Quyết định áp thuế đối ứng lên quần đảo Heard và McDonald nhằm gửi thông điệp "không khoan nhượng trước bất kỳ quốc gia nào", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói với CBS hôm 6/4, khi nhà báo Margaret Brennan của CBS đặt câu hỏi vì sao quần đảo chỉ có chim cánh cụt sinh sống cũng phải chịu thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Brennan chỉ ra rằng không người nào đặt chân đến Heard và McDonald, quần đảo thuộc Australia, trong gần 10 năm qua. Nhà báo này nêu giả thuyết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra danh sách áp thuế đối ứng hầu hết đối tác kinh tế của Mỹ, dựa trên những dữ liệu chưa được rà soát.

Bộ trưởng Lutnick bật cười khi nghe câu hỏi này và bác bỏ nghi vấn Nhà Trắng sử dụng AI để lập danh sách áp thuế, nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump muốn "bịt mọi lỗ hổng" mà các bên có thể lợi dụng để né đòn thuế.

Chim cánh cụt hoàng đế sinh sống trên đảo Heard, thuộc Quần đảo Heard và McDonald của Australia. Ảnh: Cơ quan Nam Cực Australia

Chim cánh cụt hoàng đế sinh sống trên đảo Heard, thuộc Quần đảo Heard và McDonald của Australia. Ảnh: Cơ quan Nam Cực Australia

"Tổng thống đã nói rằng: 'Tôi không thể để bất kỳ nơi nào trên thế giới trở thành điểm trung chuyển cho Trung Quốc hay các quốc gia khác chuyển hàng vào Mỹ'. Vì vậy, ông ấy quyết định bịt những lỗ hổng này. Chúng là những lỗ hổng phi lý", Bộ trưởng Lutnick lý giải.

"Chúng ta cần xây dựng sự vĩ đại của nước Mỹ ngay trên đất Mỹ. Tổng thống đã quá mệt mỏi khi đất nước bị cả thế giới lợi dụng", ông bổ sung.

Giới chức Australia tuần trước ngạc nhiên phát hiện quần đảo nằm gần Nam Cực, cách bờ biển Australia 4.000 km và chỉ có chim cánh cụt cùng hải cẩu sinh sống, lại bị đưa vào danh sách áp thuế đối ứng của ông Trump.

Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell khi đó nói với đài ABC rằng quyết định đánh thuế quần đảo Heard và McDonald là sai lầm, cho thấy quá trình soạn thảo danh sách đánh thuế đã diễn ra vô cùng vội vã.

Dữ liệu nhập khẩu từ quần đảo Heard và McDonald vào Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng. Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận lãnh thổ này xuất khẩu một lượng nhỏ hàng hóa sang Mỹ trong vài năm qua. Năm 2022, Mỹ nhập khẩu 1,4 triệu USD hàng hóa từ khu vực này, phần lớn là "thiết bị điện và máy móc" không được nêu rõ chi tiết.

4 vùng lãnh thổ thuộc Australia xuất hiện trong danh sách áp thuế của Mỹ. Đồ họa: Guardian

4 vùng lãnh thổ thuộc Australia xuất hiện trong danh sách áp thuế của Mỹ. Đồ họa: Guardian

Guardian phân tích dữ liệu nhập khẩu và hồ sơ vận chuyển của Mỹ cho thấy các mức thuế áp lên quần đảo Heard và McDonald cũng như đảo Norfolk, đều thuộc Australia, có thể do lỗi đánh máy trong các báo cáo.

Nghiên cứu cho thấy nhiều lô hàng, gồm giày dép Timberland, rượu và các thiết bị của một nhà máy tái chế, đã bị gắn nhãn sai có nguồn gốc từ các vùng lãnh thổ này, thay vì nơi xuất xứ chính xác là Anh, Đức và Áo.

Trên một số lô hàng, địa chỉ của công ty sản xuất là ở Norfolk, Anh, hoặc cảng đến là Norfolk, bang Virginia của Mỹ, nhưng lại bị ghi nhầm xuất xứ là đảo Norfolk. Một lô hàng linh kiện tái chế nhựa của công ty Starlinger xuất từ Vienna, Áo tới Oakland, California năm 2024 lại được ghi địa chỉ công ty xuất khẩu là "Vienna, Quần đảo Heard và McDonald". Công ty Starlinger chưa bình luận về nhầm lẫn này.

(Theo BBC, CBS, Daily Beast)

Các tin khác

Ngày mai chứng khoán "xanh" hay "đỏ"?

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần chấn động do Mỹ áp thuế quan đối ứng toàn cầu, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm thị trường trong nước ngày mai ra sao.

Chứng khoán châu Âu: Bán và bán

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan toàn cầu của Mỹ, các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo tài sản rủi ro.