Kinh tế

NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh hơn 9.500 tỷ đồng trong tháng 3, mã nào là tâm điểm?

Tóm tắt:
  • Cá nhân trong nước mua ròng 4.514 tỷ đồng cổ phiếu FPT, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 4.000 tỷ đồng.
  • VN-Index tháng 3 tăng nhẹ 0,11%, thanh khoản đạt mức cao nhất 10 tháng với 18.175 tỷ đồng/phiên.
  • Cá nhân trong nước mua ròng 9.454 tỷ đồng, tập trung vào công nghệ, thực phẩm, ngân hàng; bán ròng mạnh bất động sản.
  • FPT giảm 14% do áp lực bán từ nước ngoài, nhưng được cá nhân trong nước gom mạnh.
  • Top cổ phiếu bán ròng gồm VHM, VIC, VRE; mua ròng mạnh gồm TPB, VNM, SAB.

VN-Index đóng cửa tháng 3 tại 1.306,86 điểm, gần như đi ngang so với cuối tháng 2 với mức tăng nhẹ 1,5 điểm, tương đương 0,11%.

Thanh khoản cao nhất 10 tháng với giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE đạt 18.175 tỷ đồng, tăng 44,4% so với trung bình 5 tháng gần đây. Cụ thể, dòng tiền cải thiện mạnh mẽ ở nhóm vốn hóa lớn và vừa, nhưng có sự phân hóa về diễn biến chỉ số. Cụ thể, VN-Index tăng 0,55% trong khi VNMidcap giảm 3,19%.

Thống kê cho thấy, cá nhân trong nước và NĐT nước ngoài đẩy mạnh giao dịch trong tháng 3 nhưng vị thế đối ngược nhau. Trong bối cảnh dòng vốn từ khối ngoại liên tục bán ra, lực mua từ nhà đầu tư cá nhân giúp VN-Index duy trì sự ổn định, tránh các cú giảm sâu.

Trong tháng 3, cá nhân trong nước mua ròng gần 9.454 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 9.553 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 14/18 nhóm ngành được gom ròng. Trong đó, cổ phiếu công nghệ thông tin dẫn đầu danh mục giải ngân với 4.471 tỷ đồng. Tương tự, các nhóm ngành được gom ròng hơn nghìn tỷ đồng có thực phẩm & đồ uống, ngân hàng.

Hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực như hóa chất (652 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (545 tỷ đồng), dầu khí (515 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (303 tỷ đồng), ...

Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản với giá trị 2.096 tỷ đồng. Theo sau, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 1.092 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở nhóm bán lẻ và bảo hiểm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thống kê giao dịch khớp lệnh theo từng mã, cổ phiếu FPT của ông lớn ngành công nghệ thông tin được NĐT cá nhân mua ròng nhiều nhất trong tháng 3. Cụ thể, cá nhân trong nước gom ròng 4.514 tỷ đồng cổ phiếu FPT, trái ngược so với lực xả mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư nước ngoài (3.993 tỷ đồng). 

Trên thực tế, nhiều quỹ ngoại có thể bán ra vì lý do cơ cấu danh mục, chốt lời hoặc chuyển vốn sang các thị trường khác hấp dẫn hơn. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước gom vào với giá hấp dẫn hơn. Dưới sức ép bán ra của các NĐT ngoại, cổ phiếu FPT có nhịp giảm 14% trong tháng 3, vốn hóa thị trường của công ty tương ứng bị thổi bay gần 28.400 tỷ đồng.

Tương tự, một cổ phiếu khác cũng được gom ròng nghìn tỷ là TPB với 1.663 tỷ đồng. Riêng hai mã đầu danh mục giải ngân đã chiếm gần 65% quy mô mua ròng của các cá nhân trong nước.

Mặt khác, hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các mã VNM (859 tỷ đồng), SAB (757 tỷ đồng), SAB (757 tỷ đồng), DGC (728 tỷ đồng), DBC (663 tỷ đồng), PNJ (555 tỷ đồng), NLG (497 tỷ đồng), KDH (494 tỷ đồng), GMD (391 tỷ đồng), ...

Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM của Vinhomes với 1.167 tỷ đồng. Hai cổ phiếu "họ Vin" khác cũng bị rút ròng là VIC và VRE với giá trị 741 tỷ và 664 tỷ đồng.

Một số mã thuộc nhóm chứng khoán, ngân hàng cũng nằm trong Top 10 rút ròng là VCI (1.127 tỷ đồng), VIX (651 tỷ đồng), MBB (606 tỷ đồng), TCB (549 tỷ đồng), … Danh mục bán ròng của cá nhân nội còn có sự góp mặt của GVR, MWG, HAH với giá trị 312 - 506 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4. Từ 12/4, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay ít mưa, ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chủ tịch TPHCM Nguyễn Văn Được nhận thêm nhiệm vụ

UBND TPHCM vừa có Quyết định số 1274/QĐ-UBND về việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Được - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM.

Sư Tử Ăn Chay bất ngờ xin lỗi

Một trong những người được gọi tên nhiều nhất trong vụ khởi tố Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs có chia sẻ gây chú ý.

Nam Định dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã xong trước 30/4

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Theo kế hoạch này, tỉnh dự kiến sẽ hoàn tất và thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/4/2025.