Theo Toutiao, cô Tôn ở thành phố Trung Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, có kế hoạch mua nhà. Sau khi cân nhắc giá cả trên thị trường và xem qua nhiều dự án bất động sản, người phụ nữ này quyết định mua một căn hộ ở thành phố lân cận để ổn định cuộc sống.
Nhân viên môi giới cho biết căn hộ trên có diện tích gần 150m2, giá hơn 1,2 triệu NDT (hơn 4,2 tỷ đồng). Đặc biệt, khi mua nó, cô Tôn sẽ được chủ đầu tư tặng thêm một phần quà, đó là quyền sử dụng sân thượng rộng hơn 200m2 miễn phí. Dù không có quyền sở hữu sân thượng này, song theo lời của nhân viên môi giới, người phụ nữ này có thể sử dụng nó theo ý của mình.
Cô Tôn thấy điều kiện mua bán được đưa ra hợp lý, giá cả cũng chấp nhận được nên đã đồng ý mua căn hộ này. Tuy nhiên, vì công việc bận rộn, người phụ nữ này phải đi công tác thường xuyên nên căn hộ này bị bỏ trống từ đó. Phải đến 3 năm sau, trong một lần về thăm nhà, cô Tôn phát hiện ra sân thượng của mình đã bị hàng xóm chiếm dụng và sử dụng. Không những vậy, họ còn phá bỏ tường, xây một ao cá lớn, và trồng nhiều hoa, cây xanh ở đây.
Không chấp nhận được việc quyền lợi của mình bị xâm phạm như vậy, cô Tôn đã liên hệ ngay với ban quản lý tòa nhà để phối hợp giải quyết sự việc. Người phụ nữ này yêu cầu hàng xóm phải khôi phục lại bức tường đã phá dỡ về nguyên trạng. Tuy nhiên, hàng xóm họ Lâm thẳng thừng tuyên bố họ sẽ không thực hiện yêu cầu của cô Tôn. Sau đó, vì ban quản lý tòa nhà không muốn can thiệp sâu vào vấn đề này nên cô Tôn đã trình báo vụ việc với cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật của hàng xóm họ Lâm.
Về vấn đề này, pháp luật Trung Quốc quy định nếu chủ các chủ sở hữu tự ý thay đổi kết cấu chịu lực chính của công trình công cộng trong quá trình cải tạo thì phải chịu trách nhiệm khắc phục và phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 NDT. Nếu phá dỡ tường chịu lực sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Nói cách khác, nếu bức tường mà ông Lâm phá dỡ thực sự là bức tường chịu lực thì đây có thể là hành vi gây nguy hiểm cho an toàn công cộng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau khi xác minh, cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận rằng bức tường mà ông Lâm phá dỡ không phải là bức tường chịu lực nên chỉ bị nhắc nhở. Về phía cô Tôn, người phụ nữ này vẫn cho rằng hàng xóm đã xâm phạm lợi ích của mình nên đã kiện người đàn ông này ra toà án địa phương.

Ảnh minh hoạ: Internet
Trước toà, cô Tôn cho biết chủ đầu tư đã hứa bằng miệng rằng sẽ cho cô toàn quyền sử dụng sân thượng nếu mua nhà và hai bên thực sự đã đạt được thỏa thuận trên khi ký hợp đồng mua nhà. Từ đó, người phụ nữ này cho rằng hành vi chiếm dụng và phá hoại sân thượng của ông Lâm có thể cấu thành hành vi xâm phạm và người đàn ông này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình.
Hơn nữa, Điều 237 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định trường hợp bất động sản bị thiệt hại thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu sửa chữa, chế tạo lại, thay thế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định của pháp luật. Dựa trên cơ sở này, cô Tôn yêu cầu tòa án ra lệnh cho ông Lâm phải khôi phục lại tài sản như ban đầu và nộp hơn 200.000 NDT tiền phí sử dụng sân thượng trong 3 năm chiếm dụng.
Chưa hết, người phụ nữ này cho rằng trong vụ việc này, phía quản lý toà nhà đã không phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi của ông Lâm, dẫn đến quyền lợi của cô bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài ra, đơn vị này cũng không chủ động phối hợp và xử lý sự việc, không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng nên theo Điều 1171 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Đáp lại, phía quản lý toà nhà phản bác rằng họ đã ngăn chặn ông Lâm trước đó và đã phối hợp giải quyết vấn đề nhưng người đàn ông này vẫn không nghe. Vì không có thẩm quyền thực thi pháp luật nên đơn vị này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chọn đứng ngoài cuộc. Trong khi đó, ông Lâm lập luận rằng sân thượng này là khu vực công cộng, là tài sản chung của toà nhà nên bản thân ông cũng có quyền sử dụng.
Với vụ việc này, tòa án địa phương sau khi xem xét đã cho biết: Đầu tiên, việc ông Lâm tự ý phá dỡ tường, xây bể cá, vườn hoa đã làm ảnh hưởng đến diện mạo toàn bộ tòa nhà. Hành vi sử dụng không gian công cộng trái phép này gây tổn hại đến quyền lợi của những chủ sở hữu khác, cấu thành hành vi vi phạm pháp luật dân sự Trung Quốc.
Điều 272 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định chủ sở hữu có quyền sử dụng, hưởng lợi, định đoạt đối với phần nhà ở thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, chủ sở hữu không được gây nguy hiểm đến an toàn của công trình hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu khác khi thực hiện quyền của mình. Trong vụ việc này, cô Tôn là một trong những chủ sở hữu của tòa nhà nên có quyền khiếu nại.
Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 67 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc, trong trường hợp cô Tôn muốn tố cáo ông Lâm xâm phạm quyền lợi của mình và bồi thường thì phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh đối phương đã gây thiệt hại cho tài sản của mình. Tuy nhiên, cô Tôn không thể cung cấp được chứng cứ chứng minh rằng nhà đầu tư trước đó đã đồng ý cho mình sử dụng độc quyền sân thượng. Do đó, tòa án cho rằng sân thượng của toà nhà vẫn là tài sản chung của các chủ sở hữu nên ông Lâm vẫn có quyền sử dụng.
Dẫu vậy trong vụ việc này, hành vi phá hoại tài sản chung của người đàn ông này cũng không đúng nên toà án đã yêu cầu người này phải khôi phục sân thượng về hình dạng ban đầu.
Không đồng tình với phán quyết của toà án địa phương, cả cô Tôn và ông Lâm đã làm đơn kháng cáo lên toà án cấp cao. Tuy nhiên sau khi xem xét kỹ vụ việc, toà án cấp cao cũng giữ nguyên phán quyết ban đầu. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Toutiao)