Phatsakon Kaewkla, 23 tuổi, hôm 28/3 trở về nhà và phát hiện ra những vết nứt lớn trên tường căn hộ của mình ở tầng 22 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Anh vẫn chưa hoàn hồn khi vừa trải qua trận động đất làm rung chuyển thành phố chỉ vài tiếng trước đó.

Yigit Buyukergun chỉ vào một vết nứt bên ngoài căn hộ của anh ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 2/4. Ảnh: AFP
Cảm thấy bất an, Phatsakon quyết định chuyển ra ngoài ở tạm trong hai ngày, cho đến khi các chuyên gia xác nhận tòa nhà đủ an toàn.
Phatsakon nằm trong số nhiều cư dân Bangkok đang băn khoăn liệu họ có nên tìm nơi ở mới an toàn hơn hay không sau khi trận động đất 7,7 độ với tâm chấn ở nước láng giềng Myanmar hồi cuối tháng trước khiến hàng trăm tòa chung cư bị hư hại.
Chủ sở hữu chung cư của Phatsakon đảm bảo với anh rằng các kỹ sư đã kiểm tra mọi yếu tố và kết luận nơi này có thể ở được. Nhưng Phatsakon vẫn sợ những vết nứt.
"Tôi cảm thấy lo lắng một chút. Mẹ tôi cũng bảo tôi phải chuyển khỏi đây", anh nói.
Cách tâm chấn hơn 1.000 km, thủ đô Thái Lan hầu như chưa bao giờ trải qua trận động đất nào mạnh như vậy.
Chuyên gia tư vấn bất động sản Owen Zhu ở Bangkok cho hay trận động đất tác động "đáng kể" tới công việc của ông.
"Mọi người dường như tin rằng các tòa nhà cao tầng ở Bangkok có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn về khả năng chống chịu động đất so với các công trình hai hoặc một tầng", Zhu nói.
Ông cho biết thảm họa khiến không ít người sống trong các căn hộ chung cư cao tầng đổ xô đi tìm nơi ở mới do "lo lắng và sợ hãi". Nhiều khách hàng của ông hiện chuyển sang lựa chọn nhà thấp tầng thay vì căn hộ chung cư.
Yigit Buyukergun, 25 tuổi, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đang ở nhà tại Bangkok cùng vợ vào thời điểm động đất xảy ra. Sau khi chấn động lắng xuống, họ chui ra khỏi gầm bàn để kiểm tra thiệt hại tại căn hộ trên tầng 22 của mình.
"Khắp nơi đều có những vết nứt, đặc biệt là hành lang", Buyukergun nói. "Bạn có thể thấy toàn bộ mái nhà đều ở trong tình trạng rất tệ".
Bất chấp những lo ngại về an toàn của Buyukergun, chủ sở hữu khu nhà dường như không lo lắng. "Họ bảo rằng tòa nhà an toàn 100%, nhưng tôi không tin", anh cho hay.
Zhu cho biết người thuê nhà và chủ sở hữu bất động sản luôn bất đồng quan điểm về khả năng chống chịu của các căn hộ trước động đất.
"Luôn có khoảng cách về nhận thức và quan điểm giữa hai bên", ông nói. "Chủ nhà thấy căn hộ an toàn, trong khi người thuê cảm thấy không an toàn nên nhất quyết muốn chuyển đi và lấy lại tiền đặt cọc".
Theo Zhu, tiêu chuẩn an toàn chống động đất đối với các tòa nhà ở Thái Lan "không thực sự nghiêm ngặt" trước thảm họa và khách hàng cũng ít khi hỏi cụ thể vấn đề này khi tìm kiếm bất động sản.
Tâm lý lo lắng tăng lên từ sau trận động đất và vụ sập tòa nhà hơn 30 tầng đang thi công. Chính quyền thành phố đang điều tra tòa nhà liệu có sử dụng vật liệu kém chất lượng trong quá trình xây dựng hay không.

Công nhân sửa chữa thiệt hại bên ngoài một tòa nhà cao tầng ở Bangkok hôm 3/4. Ảnh: AFP
Đối với những người vẫn muốn tìm nhà chung cư, họ thường yêu cầu tòa nhà đó phải không bị hư hại hoặc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận động đất.
Ông tin rằng giá bất động sản sẽ tăng trong dài hạn vì nhu cầu về các tòa nhà an toàn sẽ thúc đẩy nhà thầu áp dụng những biện pháp chống động đất vốn tốn kém hơn.
Nhưng đối với Buyukergun, việc thảo luận về cải thiện các quy định xây dựng không đủ để xoa dịu nỗi sợ của anh.
Tình trạng động đất thường xuyên xảy ra ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ từng khiến anh cảm thấy bất an, nhưng Buyukergun không nghĩ mình lại trải qua điều này tại Thái Lan. "Tôi từng nghĩ Thái Lan an toàn", anh nói. "Đó là lý do tôi không thể tin động đất lại xảy ra ở đây".
(Theo AFP, Reuters)