Xã Hội

"Ông trùm" đứng sau những tên tuổi tình báo huyền thoại của Việt Nam

Tóm tắt:
  • Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương, tổ chức mạng lưới tình báo Nam Bộ, chỉ đạo nhiều điệp viên huyền thoại.
  • Ông tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, từng bị Pháp bắt và trở thành đảng viên năm 1943.
  • Ông là thư ký Tổng Bí thư Trường Chinh, tham gia chuẩn bị lễ độc lập năm 1945 và gia nhập ngành tình báo năm 1949.
  • Mười Hương bị bắt năm 1958, chịu 6 năm tù đày, kiên quyết không khai báo hay từ bỏ cách mạng.
  • Sau 1975, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước.

Người được nhắc đến chính là nhà tình báo Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Ông Trần Quốc Hương (1924-2020, tên thật là Trần Ngọc Ban, quê ở Vụ Bản, Bình Lục, Hà Nam), là con trai út một gia đình tư sản, tham gia cách mạng từ lúc mới 13 tuổi nhờ sự giác ngộ của người thầy Nguyễn Đức Quỳ - sau là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Được thầy Quỳ giới thiệu, chàng trai Trần Quốc Hương lên Hà Nội gặp đồng chí Trường Chinh, Lê Toàn Thư, Hoàng Đình Tuất rồi gặp Bác Hồ và càng ý thức rõ hơn về việc tham gia cách mạng.

Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng những tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy. (Ảnh tư liệu: Tiền Phong)

Năm 1941, người thanh niên trẻ quê Nam Định bị thực dân Pháp bắt cùng với Nguyễn Thọ Chân vì treo cờ Việt Minh và rải truyền đơn, rồi bị giam giữ hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Do còn nhỏ tuổi, Trần Quốc Hương được trả tự do với lời cảnh báo của mật thám Pháp: "Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, cộng sản đã ăn vào máu của nó rồi".

Năm 1943, Trần Quốc Hương trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, làm thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là một trong những người chuẩn bị chu đáo cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khi phụ trách vấn đề an ninh bảo vệ tại buổi lễ.

Năm 1949, ông Hương gia nhập ngành tình báo và vào Nam năm 1950 với bí danh Mười Hương, tham gia mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo, cùng các đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Mười Hương cùng các cộng sự lập nhiều chiến công, xây dựng nên những huyền thoại tình báo, gồm Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo.

Cũng chính ông Mười Hương là người cân nhắc chọn Phạm Xuân Ẩn, vạch kế hoạch đưa nhà tình báo chiến lược này sang Mỹ du học. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, sự lựa chọn của ông Mười Hương khi đặt niềm tin vào Phạm Xuân Ẩn đánh dấu bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc chiến quyết định với đế quốc Mỹ trong các giai đoạn sau đó.

Thiếu tướng, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nói: "Sở dĩ A22 của ông có được chiến tích như vậy, ngoài cố gắng của các đồng chí trong mạng lưới tình báo, còn có công rất lớn của ông Mười Hương. Thời kỳ đầu, Mười Hương trực tiếp chỉ đạo chúng tôi. Ông từng chịu cảnh tra tấn tù đày vì chúng tôi" .

Trong khi ông Mười Hương từng chia sẻ: "Với người tình báo, điều khó khăn nhất là vượt qua chính mình. Mọi thử thách ghê gớm lắm. Sống giữa nơi phồn hoa, cám dỗ nhiều chiều. Là con người bình thường, ai cũng có nhu cầu được hưởng thụ. Vậy mà các điệp viên vẫn cứ vượt qua và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Theo cuốn sách Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo, năm 1958, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tại một điểm hẹn ở Gò Vấp. 6 năm trong tù (1958-1963) là chuỗi ngày khốc liệt trong cuộc đời cách mạng của ông.

Biết ông là cán bộ cao cấp, anh em Ngô Đình Diệm tìm cách chuyển hướng tư tưởng để có thể sử dụng. Ở nhà tù Toà Khâm sứ (Huế), họ nhốt ông chung với một người từng là cán bộ kinh tài ở khu Năm, nay đã chuyển hướng, hợp tác với gia đình họ Ngô.

Người này nói, đường lối cách mạng miền Nam đang bế tắc, khuyên ông về với chính quyền hợp thức để khỏi bị tiêu diệt. "Cứ đấu tranh hòa bình với hai bàn tay trắng, địch đàn áp, ruồng bố, rồi ai cũng bị bắt thôi. Không có đường thoát". Im lặng hồi lâu, ông Mười Hương phê phán người này rồi nói: "Con đường tranh đấu chông gai, hãy tự mình xử sự cho đúng".

Có lần, Dương Văn Hiếu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên vào tù truy vấn, cảnh cáo ông đừng hy vọng việc bỏ trốn hay tự tử, bởi đang bị theo dõi 24/24. Người này cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, một mặt tung hô ông, mặt khác thuyết phục ông khai báo.

Hiếu gặng hỏi: "Ông có phải tên Hương không?", sau nhiều lần Mười Hương khai tên giả khi bị hỏi cung. Lần này, nghĩ đã đến lúc đấu tranh trực diện nên ông Mười Hương thẳng thắn: "Đúng. Tôi là Hương".

"Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói trước cho các ông biết: Người cách mạng bị bắt có ba việc không làm: không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu Chính phủ Cụ Hồ. Còn các ông muốn làm gì thì làm, nhưng tôi nói trước là tôi không khai", ông nói tiếp.

Tháng 11/1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính. Nhân cơ hội này, Trung ương giao nhiệm vụ cho các đơn vị phía Nam tìm cách đưa Mười Hương ra tù.

Sau ngày 30/4/1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Hương là là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV đến khóa VI.

Từ năm 1986-1991, ông giữ cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc, ông Trần Quốc Hương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Các tin khác

Tại sao Đức Phật đi khất thực?

Sau khi thành đạo, vì sao Đức Phật không sống như một bậc giáo chủ mà hằng ngày vẫn ra đường khất thực, hành động này có ý nghĩa gì?