Cứ đến mùa ôn thi là nhiều học sinh lại dính một "bệnh" lạ: vừa mở sách được vài phút là mắt díp lại, ngáp tới tấp, đầu gật như gà mổ thóc. Thế mà chỉ cần đặt sách xuống, mở điện thoại lên thì tỉnh ngay như chưa từng buồn ngủ. Mắt sáng như đèn pin, tinh thần phơi phới, tay lướt TikTok hay xem YouTube siêu nhanh mà không cần luyện tập gì cả.
Nhiều bạn gọi vui đây là "dị ứng với sách vở" Nhưng thật ra, điều này có lý do rõ ràng. Khi học bài, não phải suy nghĩ, phải ghi nhớ, nên cảm thấy mệt. Trong khi đó, xem điện thoại thì toàn nội dung ngắn, vui vẻ, dễ hiểu – khiến não cảm thấy thoải mái, vui sướng, nên tỉnh táo hơn. Các ứng dụng như TikTok, Instagram, YouTube còn được thiết kế để gây "ghiền" nữa, nên chúng ta dễ bị cuốn vào mà không dứt ra được.

Áp lực khi kỳ thi đến gần cũng khiến các bạn dễ mang tâm lý chán nản, học không tập trung (Ảnh minh hoạ)
Một lý do khác nữa là tâm lý. Càng đến gần kỳ thi, học sinh càng áp lực. Mở sách ra là nghĩ tới kiểm tra, điểm số, kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô... nên dễ chán nản, muốn trốn tránh. Lúc đó, điện thoại lại giống như "nơi nghỉ ngơi" quen thuộc. Mở điện thoại lên là cảm thấy yên tâm, dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, nếu cứ để hiện tượng này tiếp diễn, bạn sẽ rất khó học hiệu quả. Cứ định học 10 phút lại cầm điện thoại 30 phút thì cuối cùng sẽ chẳng ôn được gì cả. Mùa thi đến gần mà bài vở chưa đâu vào đâu thì rất dễ rơi vào lo lắng, stress.
Vậy phải làm sao để khắc phục?
1. Cắt "liên lạc" tạm thời với điện thoại:
Đầu tiên, hãy để điện thoại xa khỏi tầm tay khi học. Nếu để trên bàn, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng: "Xem một tí thôi mà…" rồi trôi luôn một tiếng đồng hồ. Có thể để máy ở phòng khác, hoặc bật chế độ máy bay. Nếu sợ bỏ lỡ thông báo quan trọng, hãy dùng các ứng dụng hỗ trợ như Forest, Study Bunny hay Focus To-Do – những app vừa giúp tập trung, vừa tạo cảm giác thú vị khi học.
2. Học theo kiểu Pomodoro:
Đây là một cách học rất đơn giản mà lại hiệu quả. Bạn chia thời gian học thành các phiên 25 phút tập trung, sau đó nghỉ 5 phút để thả lỏng. Cứ sau 4 lần như vậy thì nghỉ dài hơn một chút (15–20 phút). Phương pháp này giúp não không bị quá tải, đồng thời tạo cảm giác "đã hoàn thành" sau mỗi phiên học nhỏ.
3. Chia nhỏ kiến thức, học thông minh hơn:
Đừng cố nhồi nhét cả chục trang sách trong một buổi. Thay vào đó, hãy chia nhỏ từng phần, mỗi lần học một mục tiêu cụ thể. Dùng sơ đồ tư duy để tóm tắt, viết flashcard để ôn nhanh, hoặc xem video bài giảng ngắn để đổi gió. Học bằng nhiều cách sẽ giúp não ghi nhớ lâu hơn và đỡ cảm thấy chán.
4. Học có bạn đồng hành:
Nếu tự học khiến bạn dễ mất tập trung, hãy tìm một người bạn cùng ôn. Hai người cùng học, cùng kiểm tra nhau, hoặc đơn giản là học cạnh nhau để tạo không khí nghiêm túc hơn. Nhìn người khác đang chăm chỉ cũng là một động lực mạnh mẽ đấy!
5. Tạo góc học tập dễ chịu:
Một chỗ học gọn gàng, sáng sủa và thoải mái sẽ giúp bạn thấy dễ tập trung hơn. Có thể đặt thêm cây nhỏ, bật một chút nhạc nhẹ (nếu phù hợp), hay dán những câu slogan truyền cảm hứng. Không cần quá "xịn sò", chỉ cần bạn thấy thoải mái là được.
6. Nhắc bản thân về mục tiêu:
Cuối cùng, hãy luôn nhớ lý do mình học: không chỉ để thi đỗ, mà còn để mở ra những cánh cửa mới trong tương lai. Dù là thi vào trường yêu thích, ngành mơ ước hay đơn giản là không muốn "trượt đau đớn", thì việc học hôm nay đều có ý nghĩa. Mỗi lần muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ tới hình ảnh bản thân mình ở ngày nhận kết quả – liệu bạn muốn vui mừng hay tiếc nuối?