Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP.HCM chuyên về nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Tên gọi "Quang San" được ghép từ tên của người sáng lập, ông Nguyễn Thiều Quang, và tên mẹ của ông, bà Nguyễn Thị San. Trong tiếng Hán, "Quang San" còn mang ý nghĩa "núi sáng".
Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Thiều Quang cùng vợ, bà Phùng Minh Nguyệt, bắt đầu hành trình sưu tầm các tác phẩm hội họa độc đáo của Việt Nam qua các thời kỳ. Khi bộ sưu tập đạt hơn 1.000 bức tranh giá trị, họ quyết định thành lập bảo tàng với mong muốn chia sẻ những tác phẩm quý báu này đến công chúng.
Bảo tàng Nghệ thuật Quang San được thành lập vào năm 2023. Hiện tại, bảo tàng trưng bày khoảng 300 bức tranh quý, luân phiên giới thiệu đến công chúng từ bộ sưu tập hơn 1.000 tác phẩm.
Ngoài việc trưng bày, bảo tàng còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, triển lãm chuyên đề và sự kiện mỹ thuật nhằm quảng bá nghệ thuật đến cộng đồng và tạo sân chơi cho giới trẻ yêu nghệ thuật.

Bảo tàng trưng bày khoảng 300 bức tranh quý, luân phiên giới thiệu đến công chúng từ bộ sưu tập hơn 1.000 tác phẩm
ẢNH: M.D
Kết hợp giữa không gian trưng bày nghệ thuật và không gian sống gia đình
Bảo tàng được kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thiết kế. Trong đó, có 80% diện tích dành cho trưng bày nghệ thuật và 20% là không gian sinh hoạt của gia đình người sáng lập.
Không gian trưng bày được chia thành 3 tầng, mỗi tầng phản ánh một giai đoạn phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Không gian bảo tàng được thiết kế mở, tận dụng ánh sáng tự nhiên và có tầm nhìn ra sông Sài Gòn
ẢNH: M.D
Trong đó, tầng trệt trưng bày tác phẩm của các danh họa và nhà điêu khắc có đóng góp lớn trong thời kỳ đầu của mỹ thuật Việt Nam, bao gồm các giảng viên người Pháp và thế hệ sinh viên khóa đầu của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Văn Đệ, Joseph Inguimberty, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh.

Tầng trệt trưng bày tác phẩm của các danh họa và nhà điêu khắc có đóng góp lớn trong thời kỳ đầu của mỹ thuật Việt Nam
ẢNH: M.D

Tác phẩm Chợ quê (1937) của Nguyễn Phan Chánh, theo học khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngành hội hoạ, trưng bày ở tầng trệt
ẢNH: M.D

Bức tranh sơn mài khổ to Phong cảnh được họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) vẽ năm 1939, là một tác phẩm ông đã sáng tác sau khi tốt nghiệp, với tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài
ẢNH: M.D

Bức tranh sơn dầu Cảnh chợ trên sông (khổ 74 x 117 cm) được vẽ bởi giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Louis Rollet (1895 - 1988)
ẢNH: M.D

Tác phẩm sơn dầu Buổi sáng ở Huế do họa sĩ Henri Mège (1904 - 1984) là giảng viên của Trung học Pháp Sài Gòn từ năm 1950 - 1956
ẢNH: M.D

Tác phẩm màu nước Đội trưởng Lưu, đơn vị Không quân Tân Sơn Nhất bảo vệ vùng trời biên giới Tây Nam (1942) của họa sĩ Võ Xưởng
ẢNH: M.D

Tác phẩm màu nước Tình quân dân do họa sĩ Trần Hữu Chất (1933 - 2018), tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khóa kháng chiến
ẢNH: M.D
Tầng 1 chia thành 2 khu vực. Khu vực bên phải tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trưng bày tác phẩm của những họa sĩ gắn bó với chiến trường và quân ngũ như Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Hiêm.
Khu vực bên trái tiếp nối chủ đề về các họa sĩ từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ cùng thời kỳ như Nguyễn Khang, Văn Cao, Mai Văn Hiến.

Khu vực bên phải tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trưng bày tác phẩm của những họa sĩ gắn bó với chiến trường và quân ngũ
ẢNH: M.D

Ở vị trí trung tâm là tác phẩm Đọc thư tiền phương (1964) vẽ cảnh nhận thư tiền phương, thời kháng chiến của họa sĩ Nguyễn Hiêm
ẢNH: M.D

Ngoài cùng bên trái là tác phẩm sơn mài Chiến thắng Điện Biên Phủ, thiên anh hùng ca chấn động địa cầu (2002) của họa sĩ Dương Hướng Minh
ẢNH: M.D

Không gian trưng bày tác phẩm của những họa sĩ khóa sau của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 9 - 18)
ẢNH: M.D

Một số tác phẩm trưng bày ở tầng 1A
ẢNH: M.D

Bên ngoài không gian 1B, các tác phẩm tại đây sẽ khai thác chủ đề về chiến tranh và cách mạng của lớp họa sĩ gắn bó với chiến trường, quân ngũ, hay còn được gọi là khóa Tô Ngọc Vân
ẢNH: M.D

Không gian trưng bày các tác phẩm nổi bật chất mộc mạc của Nguyễn Tư Nghiêm, sự cô đơn của Dương Bích Liên, cái độc nhất của Nguyễn Sáng và phố trầm tư của Bùi Xuân Phái
ẢNH: M.D

Tác phẩm sơn dầu Phố Hàng Bè của Bùi Xuân Phái (1920 - 1988), khóa 15 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
ẢNH: M.D

Tác phẩm sơn mài Phong cảnh Bắc bộ của Hoàng Tích Chù (1912 - 2003), khóa 11 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
ẢNH: M.D

Tác phẩm sơn mài Phố Hàng Mắm của Phạm Văn Đôn (1918 - 2000)
ẢNH: M.D

Một số tác phẩm cùng thời kỳ
ẢNH: M.D

Sau hơn 20 năm, ông Nguyễn Thiều Quang miệt mài thu thập và bảo tàng hiện trưng bày hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật
ẢNH: M.D
Tầng 2 trưng bày các tác phẩm từ thời kỳ hậu chiến tranh, hòa bình thống nhất đất nước (1975) và giai đoạn Đổi mới (1986), với các họa sĩ như Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Phước, Bửu Chỉ.

Tầng 2 là không gian trưng bày lớn nhất, gồm các tác phẩm thuộc thời kỳ hậu chiến tranh, thống nhất đất nước (1975) và đổi mới (1986) của mỹ thuật hiện đại Việt Nam
ẢNH: M.D

Một số tác phẩm thuộc thời kỳ này
ẢNH: M.D

Bảo tàng mở cửa 9 - 16 giờ 30 các ngày trong tuần, trừ thứ hai
ẢNH: M.D

Tác phẩm Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng, tác giả Nguyễn Cao Thương (Kao Thương) trưng bày ở tầng 2
ẢNH: M.D

Khu vực tầng 2 cũng sẽ là một không gian tự do cho các triển lãm chuyên đề và sự kiện mỹ thuật
ẢNH: M.D
Ông Nguyễn Thiều Kiên, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, con trai của nhà sáng lập, chia sẻ: "Ba mẹ tôi mê nghệ thuật đến mức không muốn rời xa những tác phẩm mà họ đã dày công sưu tập. Mỗi sáng thức dậy, họ muốn được ngắm tranh, sống giữa nghệ thuật và chia sẻ niềm đam mê ấy với mọi người".
Ông Kiên nối nghiệp cha. Từ những năm tháng học thiết kế đồ họa ở Mỹ, lấy bằng thạc sĩ kinh doanh tại Singapore, rồi làm việc trong một tập đoàn lớn, nhưng cuối cùng, chính tình yêu nghệ thuật của cha đã kéo ông trở về.
Với ông, đây không chỉ là tiếp quản một công trình, mà còn là tiếp nối một sứ mệnh, gìn giữ kho báu nghệ thuật và lan tỏa tình yêu hội họa đến nhiều người hơn.
Theo lời kể của ông Kiên, mỗi chặng đường của hội họa Việt Nam đều phản chiếu dòng chảy lịch sử và tâm hồn nghệ sĩ qua từng nét vẽ.
Tuy nhiên, tác phẩm đặc biệt nhất với ông chính là "Bình hoa Tulip" của họa sĩ Lê Phổ (1958).

Tác phẩm Bình hoa Tulip của họa sĩ Lê Phổ (1958)
ẢNH: M.D
Bức tranh không chỉ đại diện cho mỹ thuật thời kỳ Đông Dương mà còn đánh dấu giai đoạn Romanet của Lê Phổ tại Pháp, một bước chuyển mình quan trọng trong sự nghiệp của ông.
Ở tác phẩm này, họa sĩ đã thử nghiệm bảng màu trầm, mang đến cảm giác hoài niệm sâu lắng, khác biệt so với phong cách tươi sáng, rực rỡ thường thấy của ông.
Ngoài bộ sưu tập tranh, bảo tàng còn mở rộng hoạt động với không gian QS Art Space, ra mắt đầu năm 2024. Đây là nơi tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại và các sự kiện văn hóa đa dạng như nhiếp ảnh, thời trang, hòa nhạc, nghệ thuật kỹ thuật số…
Với diện tích hơn 200 m², QS Art Space tạo cơ hội kết nối giữa giới yêu nghệ thuật và những người mong muốn tìm hiểu, ủng hộ mỹ thuật Việt Nam.

Không gian đọc sách trong lành, thư giãn
ẢNH: M.D
Cuối năm 2024, bảo tàng khai trương cửa hàng lưu niệm kết hợp phòng đọc sách, mang đến một không gian thư giãn, nơi khách tham quan có thể khám phá sâu hơn về nghệ thuật và lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Đây không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng mà còn góp phần mở rộng trải nghiệm văn hóa tại bảo tàng.

Du khách thưởng lãm tranh tại bảo tàng
ẢNH: M.D
Chị Nguyễn Minh Ngân (30 tuổi, quê Đà Lạt) tình cờ biết đến bảo tàng qua lời giới thiệu của một người bạn. Là một đầu bếp bận rộn, chị dành ngày nghỉ hiếm hoi để tìm chút tĩnh lặng cho riêng mình.
"Với tôi, nấu ăn và thưởng thức nghệ thuật đều bắt đầu từ thị giác. Một món ăn ngon không chỉ cần hương vị mà còn phải đẹp mắt, tranh và tượng cũng vậy, trước khi chạm đến cảm xúc, chúng phải chạm vào ánh nhìn. Không gian ở đây tĩnh lặng, rất khác với sự xô bồ ngoài kia", chị chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Ngân (30 tuổi, quê Đà Lạt) thích những ô cửa kính lớn, mang ánh sáng tự nhiên
ẢNH: M.D
Điều khiến Ngân ấn tượng nhất là cách trưng bày tinh tế, mỗi tác phẩm có khoảng thở riêng.
"Tôi thích những ô cửa kính lớn, mang ánh sáng tự nhiên vào không gian và mở ra góc nhìn hướng sông. Khi bước chậm rãi trong bảo tàng, tôi như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, chỉ còn lại nghệ thuật và cảm xúc của chính mình", chị nói.

Mỗi tác phẩm được trưng bày có khoảng thở riêng
ẢNH: M.D
Theo người sáng lập, sau gần 2 năm hoạt động, bảo tàng đã tổ chức hơn 20 triển lãm và sự kiện đa dạng, từ hội họa, nhiếp ảnh đến âm nhạc, thời trang như: Họa Duyên Tương Ngộ, Nhiệt, Lập Xuân, Noirfoto, Chị Chị Em Em, Concert Em, Trượt Nhịp Động...