Theo thống kê của Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến ngày 8/7/2025, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Đáng chú ý, nhiều địa phương đang đối mặt với sự gia tăng đột biến về số ca mắc so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bến Tre tăng tới 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6% và Đồng Nai tăng 191,7%. Số ca sốt xuất huyết của riêng khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca bệnh trên toàn quốc.
Tại TP HCM, tình hình càng trở nên đáng lo ngại. Tính từ đầu năm đến hết ngày 13/7/2025, thành phố đã ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết, tăng tới 159,4% so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca) và đã có tổng cộng 10 trường hợp tử vong.
2 lầm tưởng tai hại khiến sốt xuất huyết chuyển nặng

Muỗi vằn Aedes aegypti là vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (Ảnh minh họa)
Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, ghi nhận tại các cơ sở y tế thời gian qua cho thấy, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện khi đã trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân chủ yếu là do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời khiến bệnh chuyển biến nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Báo Sức khỏe và Đời sống trích dẫn ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, có 2 lầm tưởng khiến nhiều người rơi vào nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết.
Thứ nhất, nhiều người cho rằng phải có biểu hiện xuất huyết ngoài da mới là mắc sốt xuất huyết. Do đó, khi bị sốt nhưng không thấy dấu hiệu xuất huyết trên da, họ chủ quan cho rằng đó là dấu hiệu thông thường nên không đi khám và điều trị kịp thời.
Thứ hai, nhiều người cho rằng cắt sốt nghĩa là đã khỏi bệnh và phát sinh tâm lý chủ quan. Nhưng trên thực tế, sốt xuất huyết thường có diễn tiến nặng sau khi hết sốt. Theo đó, giai đoạn nguy hiểm nhất rơi vào từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Thông tin từ báo Điện tử Chính phủ, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM), số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn hiện cao gấp đôi trẻ em, trong đó có nhiều ca diễn biến phức tạp với các biến chứng như sốc, suy gan và xuất huyết nghiêm trọng. Người lớn khi bị sốt xuất huyết Dengue nặng thì nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ em. Đặc biệt, ở những người mắc bệnh nền và béo phì, nguy cơ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết cao gấp 3 lần so với người có thể trạng bình thường.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ: “Làm bác sĩ nhi nhiều năm, tôi chưa bao giờ dám khẳng định với phụ huynh là ‘bé ổn rồi’, kể cả khi bé tới viện từ ngày đầu và vẫn còn khỏe mạnh”.
Vị Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM nói thêm có nhiều ca đang sốt đơn giản nhưng ngày hôm sau đã trở nặng đột ngột.
"Có bé vẫn trò chuyện với bác sĩ rất bình thường rồi vài phút sau tử vong. Đó là sự nguy hiểm của sốt xuất huyết thể nặng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm.
Sốt xuất huyết Dengue nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, đa số trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 7-10 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao, nghỉ ngơi đầy đủ và bổ sung nước để tránh biến chứng. Tuy nhiên, ở những ca nặng có biến chứng như suy thận, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu nội tạng,… hậu quả có thể kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí để lại di chứng lâu dài.
Một số dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng bao gồm: đau bụng dữ dội, nôn nhiều, lừ đừ, chân tay lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc tiểu ít. Đặc biệt, khi thấy người bệnh hết sốt nhưng mạch yếu, tay chân lạnh thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay vì đó có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân nên tích cực diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy), loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng quanh nhà, ngủ màn kể cả ban ngày và sử dụng các biện pháp chống muỗi như kem xua muỗi, vợt điện. Ngoài ra, khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tổng hợp