Hôm qua (20/5), tại vòng thi Head-to-Head Challenge (H2H Challenge) thuộc khuôn khổ Miss World 2025, diễn ra ở Telangana, Ấn Độ, Hoa hậu đại diện Somalia - Zainab Jama - đã khiến cả thế giới lặng người khi công khai chia sẻ một phần ký ức tuổi thơ đầy ám ảnh, liên quan đến hủ tục cắt âm vật.
Zainab kể lại, khi mới chỉ 7 tuổi, cô đang chơi đùa cùng các bạn thì bị đưa vào một căn phòng kín, nơi có ba người phụ nữ chờ đợi với lưỡi lam và các dụng cụ.

Hoa hậu đến từ Somalia - Zainab Jama dũng cảm kể về tuổi thơ đau đớn của mình
"Những người phụ nữ này không phải bác sĩ và họ cũng không được đào tạo y tế, chỉ được truyền kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Họ cắt bỏ toàn bộ phần âm vật, hai môi âm hộ cả lớn và bé.
Tôi nhớ mình đã hét lên trong đau đớn vì suốt quá trình thực hiện không gây mê, không sử dụng thuốc an thần, chỉ có máu và la hét. Tôi đã khóc và cầu xin nhưng người phụ nữ bảo tôi im lặng, hãy dũng cảm và tự hào vì đó là một phần truyền thống của chúng tôi”, Hoa hậu đại diện Somalia chia sẻ.
Khi cắt xong, cô bé được khâu lại bằng chỉ dây gai, chỉ để một lỗ nhỏ đủ cho việc tiểu tiện và thoát máu kinh nguyệt. Kinh hoàng hơn, Zainab sau đó bị trói chân và nhốt trong căn phòng tối suốt nhiều ngày. Cô chỉ biết hy vọng mình không chết như rất nhiều đứa trẻ khác từng trải qua nỗi đau này.
Zainab tiết lộ 98% phụ nữ tại Somalia đã trải qua hủ tục này. Con số đó khiến cả khán phòng lặng đi. Bà Julia Morley - Chủ tịch Hoa hậu Thế giới - đã bật khóc và tiến lên sân khấu để ôm Zainab động viên.

Bà Julia Morley Chủ tịch Hoa hậu Thế giới - đã bật khóc và tiến lên sân khấu để ôm Zainab
“Tôi đứng đây hôm nay không chỉ lên tiếng cho những người không có tiếng nói mà còn với tư cách một người sống sót sau hủ tục cắt âm vật của phụ nữ. Tôi nói thay cho hàng triệu cô gái đang phải im lặng trước khi họ có cơ hội sống tự do”, Zainab nói.
Bài thuyết trình của Zainab đang gây chấn động các diễn đàn sắc đẹp. Hành động công khai sự thật tại một cuộc thi sắc đẹp mang tầm vóc toàn cầu được xem là bước đi mạnh mẽ của cô trong hành trình theo đuổi đấu tranh vì nhân quyền, đặc biệt là quyền của trẻ em gái và phụ nữ.
Zainab Jama năm nay 23 tuổi, đã tốt nghiệp ngành hàng không và quản lý sân bay. Zainab đam mê các sự kiện giao lưu văn hóa toàn cầu. Cô là người sáng lập Quỹ Sáng kiến Phụ nữ, đấu tranh chống lại hủ tục FGM (hủ tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục) để bảo vệ và trao quyền cho các bé gái.
Được biết, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp hợp (UNICEF) công bố vào đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/2024), trên toàn thế giới hiện có hơn 230 triệu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của hủ tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục (FGM), tăng 15% so với năm 2016, dù rằng một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc chống lại hủ tục này.

Châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người - Nguồn: UNICEF
FGM bao gồm việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm vật và môi nhỏ âm hộ. Thủ thuật có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng dẫn tới tử vong, đồng thời có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài như khó sinh con, thai chết lưu và quan hệ tình dục đau đớn.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell bày tỏ lo ngại trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em gái bị cắt bỏ bộ phận sinh dục ở độ tuổi nhỏ hơn, nhiều em trước khi lên 5 tuổi. Bà kêu gọi cần tăng cường các nỗ lực chấm dứt hủ tục có hại này.
Để xóa bỏ FGM vào năm 2030 theo như Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, tiến độ phải tăng gấp 27 lần so với mức hiện tại. Bà Coppa thừa nhận có nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước hủ tục này. Bà nhấn mạnh ngay cả khi nhận thức đang thay đổi, với việc hủ tục đã tồn tại hàng thế kỷ, việc thay đổi các chuẩn mực xã hội và thực tiễn liên quan đến chuẩn mực này cần có thời gian.
Theo khảo sát của 31 quốc gia nơi hủ tục còn phổ biến, châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân FGM nhất với hơn 144 triệu người, tiếp theo là châu Á (80 triệu người) và Trung Đông (6 triệu người). Số người trải qua FGM tăng là do dân số tăng ở một số quốc gia.