Cho người quen thuê nhà giá rẻ suốt 10 năm
Chị Ngôn, 39 tuổi, là một nhân viên văn phòng sống tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Gia đình chị Ngôn hiện sở hữu hai căn hộ cao cấp tại khu vực ngoại thành. Trong đó, một căn được vợ chồng chị sử dụng, căn còn lại cho thuê để kiếm thêm thu nhập.
Khoảng 10 năm trước, cô Mưu, một người đồng nghiệp cũ của chị Ngôn có nhu cầu thuê nhà gần trung tâm thành phố để tiện đi làm. Tuy nhiên, do thu nhập hạn chế và đang phải nuôi con nhỏ nên hai vợ chồng cô này vô cùng chật vật trong việc tìm nhà ở đáp ứng nhu cầu. Thấy vậy, chị Ngôn đã quyết định kết thúc hợp đồng với người thuê trước để cho vợ chồng cô Mưu thuê lại nhà với mức giá chỉ bằng 2/ 3 giá thị trường.
Cảm thông cho hoàn cảnh éo le của đồng nghiệp, chị Ngôn khẳng định ngoài tiền nhà, sẽ không thu bất kỳ khoản tiền nào phát sinh trong quá trình vợ chồng cô Mưu sinh sống. Cứ như vậy, cuộc sống của gia đình cô Mưu dần ổn định mà không gặp phải bất kỳ khó khăn hay rủi ro nào. Mối quan hệ giữa đôi bên cũng ngày một thân thiết và gắn kết.

Ảnh minh họa.
Mọi chuyện bắt đầu rẽ hướng khi gia đình chị Ngôn gặp khó khăn tài chính và muốn bán căn hộ đang cho thuê với giá gần 2 triệu NDT (khoảng 7 tỷ đồng) để có tiền trang trải. Tuy nhiên, khi đề cập chuyện này với cô Mưu, đối phương lại chối thẳng thừng.
Theo đó, cô Mưu lấy lý do đã sống ở căn nhà này suốt 10 năm nên có tình cảm đặc biệt, vì vậy không thể thích nghi với nơi ở mới. Cô Mưu cũng cho biết giá nhà hiện giờ rất cao nên bản thân không đủ kinh phí để chi trả tiền nhà nếu chuyển đi chỗ khác.
Dù chị Ngôn đã nhiều lần thương lượng, thậm chí đưa ra phương án để cô Mưu mua lại căn hộ nếu muốn tiếp tục ở, nhưng phía đối phương vẫn phớt lờ và không có động thái rời đi.
Sau hơn một tháng chờ đợi trong vô vọng, chị Ngôn buộc phải nhờ pháp luật Trung Quốc can thiệp để yêu cầu vợ chồng cô Mưu trả nhà và bồi thường các thiệt hại liên quan đến việc kiện tụng.
Tòa án vào cuộc
Vụ tranh chấp giữa chị Ngôn và cô Mưu nhanh chóng được Tòa án Nhân dân cấp thành phố thụ lý. Trong quá trình xét xử, phía chị Ngôn đã cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với căn hộ đang cho cô Mưu thuê. Bên cạnh đó, chị cũng nhấn mạnh rằng việc cho cô Mưu thuê nhà với giá rẻ là hoàn toàn tự nguyện, dựa trên tình cảm cá nhân và không có bất kỳ cam kết nào liên quan đến việc chuyển nhượng hay cho thuê dài hạn.
Trong khi đó, phía cô Mưu không thể xuất trình được bất kỳ giấy tờ pháp lý nào chứng minh quyền sử dụng hay sở hữu căn hộ. Cô chỉ dựa vào lập luận cho rằng đã sinh sống lâu năm và khẳng định việc bị yêu cầu chuyển đi là "thiếu tình người".
Căn cứ vào Điều 395 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, việc định đoạt, chuyển nhượng hay chấm dứt quyền bất động sản chỉ có hiệu lực sau khi được đăng ký theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này, cô Mưu không có bất kỳ quyền định đoạt nào liên quan đến căn hộ đang sinh sống.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Điều 303 Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng quy định rõ, nếu người không có quyền định đoạt tài sản có ý định chiếm giữ thì chủ sở hữu hoàn toàn có quyền thu hồi tài sản đó. Với những bằng chứng xác thực mà chị Ngôn cung cấp, tòa án xác nhận chủ sở hữu là chị Ngôn có đầy đủ cơ sở để đòi lại tài sản của mình.
Cuối cùng, tòa án đưa ra phán quyết, cô Mưu cùng gia đình phải bàn giao lại căn hộ cho chị Ngôn trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án. Đồng thời, họ cũng phải bồi thường một số tiền theo thỏa thuận cho chị Ngôn do đã chiếm dụng nhà trong thời gian dài mà không có sự đồng thuận chính thức.
Vụ tranh chấp này đã thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận Trung Quốc và trở thành đề tài bàn tán về ranh giới giữa tình nghĩa và pháp luật. Hành động giúp đỡ vô điều kiện của chị Ngôn được nhiều người ngợi khen. Tuy nhiên, đây cũng là lời nhắc nhở cho mọi người rằng, các quan hệ liên quan đến tài sản cần có sự rõ ràng về mặt pháp lý để tránh các tranh chấp không đáng có.
Theo Toutiao