Virus HPV (Human Papillomavirus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung - căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư trên toàn cầu và thứ hai ở phụ nữ Việt Nam, chỉ sau ung thư vú. Loại virus này cũng có liên quan đến nhiều bệnh lý khác như ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn, hầu họng và mụn cóc sinh dục. Tiêm vắc xin HPV được xem là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm do virus này gây ra. Tuy nhiên, không phải hiệu quả đến ngay sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể.
Tiêm vắc xin HPV bao lâu thì có hiệu quả?
Giống như các loại vắc xin khác, vắc xin HPV không tạo ra miễn dịch tức thời. Sau khi tiêm, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ cần thời gian để nhận diện kháng nguyên, kích hoạt phản ứng miễn dịch và sản xuất kháng thể chống lại virus HPV.
Cụ thể như sau:
- Trong vòng vài ngày đầu sau tiêm: Cơ thể bắt đầu phản ứng với kháng nguyên (các thành phần virus HPV đã được bất hoạt hoặc tái tổ hợp trong vắc xin).
- Từ 1 đến 2 tuần sau tiêm: Hệ miễn dịch tiếp tục hình thành kháng thể, nhưng ở mức độ thấp.
- Từ 1 đến 2 tháng sau liều đầu tiên: Nồng độ kháng thể tăng lên rõ rệt, nhưng vẫn chưa đạt mức bảo vệ tối ưu.
- Sau khi tiêm đủ liều (2 hoặc 3 mũi, tùy độ tuổi) và khoảng 1 tháng sau liều cuối cùng, hiệu quả bảo vệ mới đạt mức cao nhất là 90 - 97% đối với các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục.

Ảnh minh họa
Như vậy, cần ít nhất 6 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên (với phác đồ 3 mũi, kéo dài trong 6 tháng) để đạt được mức miễn dịch tối đa. Việc tiêm đủ liều đúng lịch là điều kiện tiên quyết để vắc xin phát huy hiệu quả tốt nhất.
Tại sao vắc xin HPV cần thời gian mới có hiệu quả?
Vắc xin HPV là loại vắc xin tái tổ hợp, sử dụng protein vỏ ngoài của virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch mà không chứa virus sống. Vì không phải là virus toàn phần, vắc xin cần nhiều thời gian hơn để hệ miễn dịch ghi nhận và đáp ứng. Chưa kể, tổng thời gian tiêm đủ liều của vắc xin này khá dài và nó chỉ đạt hiệu quả tối đa sau khi đã tiêm đủ liều một thời gian nhất định.
Theo CDC Hoa Kỳ và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin (GAVI), quá trình sinh miễn dịch này cần thời gian để:
- Tạo ra kháng thể trung hòa có khả năng nhận diện và vô hiệu hóa virus thật khi xâm nhập.
- Kích hoạt bộ nhớ miễn dịch, giúp cơ thể phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ nếu tiếp xúc với HPV trong tương lai.
Ngoài ra, thời gian xây dựng miễn dịch ở mỗi người sau khi tiêm vắc xin HPV cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Từ độ tuổi khi tiêm, cơ địa, tình trạng miễn dịch, phác đồ tiêm (2 hay 3 mũi), chất lượng bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm…
Một lưu ý quan trọng là tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu hoặc tiêm càng sớm sau 9 tuổi thì hiệu quả càng cao. Không bỏ lỡ lịch tiêm, đặc biệt mũi 2 và mũi 3, vì thiếu liều sẽ khiến hiệu lực bảo vệ giảm mạnh. Dù tiêm rồi, phụ nữ vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ (PAP, HPV DNA) vì vắc xin không phòng được 100% chủng HPV.