Đoàn tàu tri ân
Ngành đường sắt vừa công bố kế hoạch chạy tàu tăng cường trên nhiều tuyến trục chính và khu đoạn để phục vụ hành khách trong dịp đại lễ 30/4, ra mắt đoàn tàu Thống Nhất với thiết kế riêng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Chia sẻ với PV Tiền Phong về sự đặc biệt của đoàn tàu Thống Nhất, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - bày tỏ, đoàn tàu có ý nghĩa gợi nhắc hành khách về quá khứ hào hùng và lịch sử vẻ vang ngày 30/4/1975 - ngày thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Ngọc Năm.
Hành trình của đoàn tàu Thống Nhất nhằm mục đích tri ân các thế hệ cha anh đã đổ mồ hôi và xương máu để giành lại độc lập cho đất nước. Trong số 800 hành khách trên đoàn tàu này có rất nhiều cựu chiến binh và gia đình có công với cách mạng.
"Đoàn tàu có nhiệm vụ đưa hành khách từ Hà Nội vào TPHCM và từ TPHCM ra Hà Nội, với chính sách vé tối ưu nhất cho những người có công với đất nước như thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân của người có công với cách mạng. Đặc biệt, trên phần mềm bán vé hiển thị cờ đỏ sao vàng, nhằm tạo ra màu sắc vui tươi và khí thế hào hùng của dân tộc, chào mừng đại lễ 30/4. Tối 29/4, một đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội lúc 20h55, một đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 19h. Đúng 12h40 ngày 30/4, hai đoàn tàu sẽ gặp nhau tại ga Đà Nẵng" - ông Khánh cho biết.
Hình ảnh chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội ngày 31/12/1976. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát.
Lý giải việc hai đoàn tàu gặp nhau ở TP. Đà Nẵng chứ không phải ở TPHCM, Tổng Giám đốc VNR cho biết điểm gặp gỡ mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, TP. Đà Nẵng đại diện cho miền Trung, vị trí gần vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) - nơi chia cắt hai miền Nam Bắc trong quá khứ. Hiện tại, TP. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của miền Trung và là hạt nhân quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, của cả nước. Do đó, việc hai đoàn tàu Thống Nhất gặp nhau ở Đà Nẵng mang ý nghĩa về sự kết nối hai miền Nam - Bắc và thể hiện ý chí vươn mình phát triển của đất nước.
"Khoảnh khắc hội ngộ của hai đoàn tàu từ hai đầu Nam - Bắc tại miền Trung mang thông điệp về sự thống nhất, đoàn kết dân tộc, tri ân quá khứ và hướng tới tương lai, đặc biệt là khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Khánh chia sẻ.
Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc
Đoàn tàu Thống Nhất đặc biệt được thiết kế riêng theo chủ đề giải phóng miền Nam, nhằm mang lại cho hành khách không gian trải nghiệm giàu cảm xúc và chiều sâu tinh thần. Đặc biệt, tất cả các ga sẽ được trang trí băng-rôn, áp-phích và cờ hoa để tái hiện lại không khí ngày chiến thắng.
"Trong ngày này, toàn bộ nhân viên đường sắt trên tàu và dưới ga phục vụ cho đoàn tàu Thống Nhất đều mặc đồng phục áo đỏ và sao vàng. Trên suốt hành trình, đoàn tàu sẽ phát những ca khúc cách mạng, chiến thắng và tự hào dân tộc để phục vụ hành khách. VNR sẽ tổ chức tiễn tàu đồng thời tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn vào tối 29/4, tổ chức đón 2 đoàn tàu hội ngộ tại ga Đà Nẵng vào trưa 30/4. Tại các hoạt động đón, hành khách sẽ được tham gia vào nghi thức kéo còi chào mừng" - ông Khánh cho hay.


Các toa tàu Thống Nhất tham gia hành trình đặc biệt được thiết kế riêng biệt theo chủ đề giải phóng miền Nam. Ảnh: VNR.
Suốt hành trình từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, hành khách của hai đoàn tàu Thống Nhất sẽ được trở về quá khứ thông qua những hình ảnh lịch sử của ngành đường sắt, hình ảnh chuyến tàu Thống Nhất năm 1975 ở khu vực trưng bày trên tàu.
Theo kế hoạch, VNR sẽ phối hợp với các đối tác chuẩn bị nhiều phần quà bất ngờ đặt sẵn tại vị trí chỗ ngồi của toàn bộ hành khách 2 đoàn tàu; túi quà của các hành khách là người có công với cách mạng, gia đình chính sách còn có thư riêng.