Nhà đất

Tỉnh duy nhất không sáp nhập, không đổi tên sau gần 1.000 năm sắp có 24 bến cảng

Tỉnh duy nhất không sáp nhập, không đổi tên sau gần 1.000 năm sắp có 24 bến cảng - Ảnh 1.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm 24 bến cảng. Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng mới đây vừa ban hành Quyết định số 1024 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này nhằm tạo nền tảng quan trọng để phát triển hạ tầng logistics và đẩy mạnh thương mại hàng hải cho toàn vùng.

Theo nội dung của quy hoạch, hệ thống cảng biển Thanh Hóa sẽ bao gồm nhiều khu bến chủ chốt như Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn, đảo Hòn Mê, Quảng Nham – Hải Châu, Lạch Sung, Lệ Môn – Quảng Châu và các bến phao, khu chuyển tải, khu neo chờ và khu tránh trú bão. Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là sẽ có từ 20 - 24 bến cảng với tổng số 57 đến 65 cầu cảng, chiều dài từ hơn 11.000 -13.500m.

Quy hoạch nêu rõ, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Thanh Hóa dự kiến đạt từ 71,65 - 86,15 triệu tấn mỗi năm, trong đó hàng container đạt từ 70.000 đến 200.000 TEU. Đây là con số chưa bao gồm hàng hóa từ những dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Nghi Sơn.

Ngoài ra, theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển của tỉnh Thanh Hóa sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hóa trung bình khoảng 3,6% - 4,5% mỗi năm, với trọng tâm đầu tư sẽ là các khu bến Nam Nghi Sơn và Bắc Nghi Sơn để hình thành cụm cảng quy mô lớn phục vụ công nghiệp nặng, năng lượng và xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp.

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 ở tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng 21.906 tỷ đồng . Trong đó, có khoảng 4.511 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng và gần 17.395 tỷ đồng cho xây dựng các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Đồng thời, quy hoạch khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác cảng biển; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng như một phần trong dự án khai thác cảng.

Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm cảng biển quan trọng phía Bắc

Tỉnh duy nhất không sáp nhập, không đổi tên sau gần 1.000 năm sắp có 24 bến cảng - Ảnh 2.

Một góc của TP Thanh Hóa. Ảnh: NT

Theo quy hoạch, trong số những hạng mục ưu tiên đầu tư có nâng cấp luồng tàu vào khu vực Nam Nghi Sơn, đáp ứng tàu có trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn, đồng thời nghiên cứu khả năng hình thành luồng hai chiều khi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, ở khu Bắc Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ đầu tư tuyến luồng hàng hải công cộng phục vụ tàu trọng tải lớn tương đương.

Tỉnh cũng sẽ chú trọng đầu tư các công trình đảm bảo an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh bão, hệ thống giám sát giao thông (VTS), bến công vụ và cơ sở vật chất phục vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.

Với quy hoạch toàn diện và nguồn lực đầu tư lớn như trên, tỉnh Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm cảng biển quan trọng phía Bắc, tư đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tỉnh duy nhất của Việt Nam không sáp nhập, không đổi tên sau hàng trăm năm

Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2025, Việt Nam có 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có Thanh Hóa. Đây cũng là tỉnh duy nhất của nước ta vẫn giữ nguyên tên gọi và địa giới hành chính trong quá trình hình thành, phát triển.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, kể từ đầu triều đại nhà Lý (từ năm 1009 – 1028), lúc đầu, vua Lý Thái Tổ đặt tên gọi Thanh Hóa ngày nay là Trại Ái Châu. Năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông (trị vì năm 1028 – 1054), năm Thiên Thành thứ hai đặt tên Phủ Thanh Hóa. Kể từ đó, các triều đại tiếp theo lúc gọi phủ, lúc gọi lộ, lúc gọi trấn và đến thời nhà Nguyễn gọi là tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 12/7/2017, tại kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã quyết nghị lấy năm 1029 là năm ra đời danh xưng Thanh Hóa, với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 11.114,6 km2. Tỉnh có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Theo đó, Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT, nơi đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung Bộ và cả miền Bắc. Ngoài ra, Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, trong khi đó Cửa khẩu Na Mèo liên thông với Lào và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Khu Kinh tế Nghi Sơn (với diện tích 106.000 ha) là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, hiện đang được vận hành với cơ chế ưu đãi đặc biệt và hấp dẫn nhất cả nước.

Các tin khác

Sắm ít đồ – nhưng mỗi món đều có lý do: Người trẻ đang tiêu ngược mà khiến người lớn cũng phải học theo

Không còn “sắm đủ bộ”, không còn mua theo xu hướng, nhiều người trẻ hiện nay đang tiêu dùng theo cách hoàn toàn ngược lại: Mua ít – dùng kỹ – cân nhắc từng món. Ngỡ là khắt khe, nhưng hóa ra đó lại là cách sống khiến nhiều thế hệ đi trước phải gật gù vì tính toán quá khôn ngoan.

Vì sao đồng USD yếu đi?

Chỉ số USD – thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác như bảng Anh, euro và yên Nhật – đã giảm 10,8% trong nửa đầu năm 2025.