Theo bác sĩ Phương Mai, để trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ không chỉ chú trọng vào sức khoẻ thể chất mà còn lưu tâm đến sức khoẻ tâm thần.
![]() |
Thống kê mới nhất cho thấy có khoảng 10% đ-29% trê em và trê vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khoẻ tâm thần nói chung. |
Theo thống kế mới nhất, có khoảng 10% - 29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó có nhiều em có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý.
Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ chính là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như: Trẻ chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ, bạo lực học đường...
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư. |
Có tới 44% trẻ em có vấn đề lo âu không đến khám tại phòng khám tâm thần mà khám bệnh lý tiêu hóa, như đau bụng thường xuyên khó kiểm soát, táo bón kéo dài, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài… Sau khi điều trị, các bệnh lý này không cải thiện mới được đưa tới khoa Tâm thần và phát hiện mắc rối loạn lo âu.
"Một vấn đề nghiêm trọng ở lứa tuổi vị thành niên chính là hiện có khoảng 3% - 5% số trẻ em ở tuổi học đường bị trầm cảm và điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thể chất, kết quả học tập, quan hệ bạn bè, đặc biệt có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư.
Bác sĩ Mai cho rằng, trầm cảm ở trẻ em khác người lớn, các em không mang phong thái buồn bã mà có thể ở các dạng như: kích thích, cãi bố mẹ, chống đối, kích động… Những năm gần đây, tình trạng trẻ tự làm đau bản thân như dùng vật dụng rạch lên cơ thể ngày càng gia tăng. Đây là một trong những dấu hiệu của rối loạn hành vi, cảm xúc nhưng thường bị phụ huynh bỏ qua hoặc bị trách mắng nặng nề. Nhiều em cho rằng, không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ cha mẹ.
Ví dụ, có những em đến khám và thổ lộ với bác sĩ là muốn sống với giới tính khác. Đây là một dạng rối loạn giới tính và là điều phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng điều đáng tiếc là trẻ không có cơ hội chia sẻ vì bị cha mẹ gạt đi hoặc trách mắng vì tư duy sai lệch. Những đứa trẻ này khi không được chia sẻ, sẽ có những hành động không kiểm soát, rất nguy hiểm.
Một vấn đề quan trọng khác mà bác sĩ cảnh báo là tình trạng bắt nạt học đường trở nên tinh vi và phổ biến hơn bao giờ hết. Có những em đến khám trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, sợ hãi và cho rằng, khi về nhà, cha mẹ hầu như chỉ quan đến điểm số, không quan tâm đến đời sống học đường của con. Trong khi thực tế, những tổn thương tinh thần do bắt nạt học đường không thể cân đo đong đếm được.
Tình trạng lạm dụng chất gây nghiện như thuốc lá, đặc biệt thuốc lá điện tử cũng gia tăng ở nhóm trẻ vị thành niên. Vấn đề nổi cộm nữa hiện nay cha mẹ cần quan tâm chính là rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn học tập cũng chiếm tỉ lệ lớn.
Đặc trưng của rối loạn này là trẻ có trí tuệ bình thường nhưng lại gặp khó khăn trong kỹ năng đọc, viết hoặc làm toán, rối loạn tăng động giảm chú ý. Các rối loạn phát triển thần kinh này đều có mối liên quan chặt chẽ với các rối loạn hành vi và cảm xúc tuy nhiên, cha mẹ gần như không để ý tới việc này một cách đầy đủ.
![]() |
Một học sinh lớp 8 ở Hà Nội từng bị trầm cảm, có hành vi tự hành hạ bản thân. Ảnh: Hà Linh |
Phụ huynh không thừa nhận thực tế để điều trị
Cũng theo bác sĩ Mai, vấn đề tăng động, giảm chú ý hiện nay cũng bị nhầm lẫn với tự kỷ. Có nhiều cha mẹ đưa con đi khám khi được thầy cô giáo phản ánh, ở lớp con phá phách, có hành vi không hợp tác, xé sách vở của mình, đánh bạn, nổi nóng vô cớ, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi.
“Điều đáng nói, hầu hết cha mẹ đưa con đi can thiệp ở thời điểm đã quá muộn. Một vấn đề nữa là dù rối loạn tăng động giảm chú ý là rối loạn phát triển thần kinh duy nhất có thuốc điều trị nhưng có nhiều cha mẹ từ chối điều trị vì nghĩ tâm thần là bệnh gì đó rất đáng sợ. Họ không thừa nhận tình trạng của trẻ để đối mặt và giải pháp điều trị đầy đủ, kịp thời”, bác sĩ Mai nói.
Về nguyên nhân, theo bác sĩ đến hiện tại, các vấn đề sức khoẻ tâm thần là sự phối hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
Các yếu tố sinh học và di truyền như, tiền sử gia đình có các rối loạn tâm thần trầm cảm, lo âu, các chất độc… Ngoài ra, môi trường gia đình cũng có những ảnh hưởng sâu sắc. Đó là tình trạng mâu thuẫn gia đình, bạo hành, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ hoặc sự kỳ vọng quá mức vào con cái. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì các hình thức bắt nạt và kỳ thị càng trở nên đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát và gây ra những tổn thương tâm lý nặng nề cho trẻ.
Nhiều người cho rằng, trẻ con nghịch nhiều, giảm tập trung hay cãi lời cha mẹ, học kém hay chống đối bướng bỉnh là do xem ti vi, điện thoại. Tuy nhiên, chúng ta đang sử dụng ti vi, điện thoại như một bảo mẫu để trông trẻ, không có thời gian để chơi thực sự với con. Lúc này nhu cầu chơi của trẻ làm cho chúng trở nên phiền phức. Một số biến cố hay sự thay đổi đột ngột trong cấu trúc gia đình như cha mẹ ly hôn, mất người mà trẻ yêu thương cũng tác động tới tâm lý của con.
Về giải pháp, bác sĩ cho rằng, cần phải có sự quan tâm, sàng lọc và phát hiện sớm nhằm can thiệp kịp thời cho trẻ khi có dấu hiệu rối loạn thần kinh. Tập huấn cho giáo viên, cán bộ y tế học đường về nhận diện các dấu hiệu ban đầu; xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, đảm bảo thông tin chia sẻ được bảo mật, cán bộ tư vấn có chuyên môn, thân thiện, tạo sự tin tưởng của học sinh. Lồng ghép và quản lý các vấn đề sức khoẻ tâm thần vào chương trình khám sức khoẻ học đường; xây dựng quy trình can thiệp và chuyển tuyến thống nhất giữa trường học, y tế và dịch vụ xã hội.