Cụ thể, CNSA ngày 25.4 thông báo sẽ chia sẻ các mẫu đá được tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga-5 của Trung Quốc mang về trái đất với Đại học Brown và Đại học Stony Brook ở Mỹ. Tuy nhiên, hai đại học trên cần có sự cho phép đặc biệt từ Quốc hội Mỹ để nhận các mẫu đá mặt trăng từ Trung Quốc. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của phía Mỹ đối với thông báo từ CNSA.

Tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga-5 của Trung Quốc đã mang mẫu vật về trái đất vào năm 2020
Ảnh: Reuters
Ngoài hai đại học ở Mỹ nói trên, CNSA cũng sẽ chia sẻ các mẫu đá mặt trăng cho Đại học Cologne ở Đức, Đại học Osaka ở Nhật Bản, Đại học Mở ở Anh, Viện Vật lý Hành tinh Paris của Pháp và Cơ quan vũ trụ quốc gia của Pakistan. CNSA đã nhận được đơn xin mượn đá mặt trăng từ 11 quốc gia và ông Shan Zhongde (Thiện Trung Đức), đứng đầu CNSA, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục chấp nhận các đề nghị mượn đá mặt trăng để nghiên cứu. "Chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc luôn tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, sử dụng hòa bình và hợp tác cùng có lợi, chia sẻ những thành tựu phát triển với cộng đồng quốc tế", ông Shan nhấn mạnh.
Tàu thăm dò Hằng Nga-5 hạ cánh xuống mặt trăng vào năm 2020 tại một khu vực được gọi là Đại dương Bão tố. Tàu thăm dò đã trở về trái đất với khoảng 1,73 kg mẫu vật từ mặt trăng, trong đó có nhiều mẫu trẻ hơn khoảng 1 tỉ năm so với các mẫu mà người Mỹ và Liên Xô đã thu thập trước đó.
Tàu Trung Quốc mang mẫu vật từ vùng tối mặt trăng về đến trái đất
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng từ các mẫu vật cho thấy núi lửa vẫn hoạt động trên mặt trăng gần đây nhất là 120 triệu năm trước, muộn hơn nhiều so với các công bố trước đây, theo South China Morning Post.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã chiều 24.4 đưa tin Trung Quốc vừa phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 20, đưa 3 phi hành gia lên Trạm không gian Thiên Cung để thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tháng.
Phi thuyền được đưa lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc. Dẫn đầu nhóm phi hành gia là ông Trần Đông (46 tuổi), cựu phi công tiêm kích và là nhà thám hiểm không gian kỳ cựu. Năm 2022, ông là phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc có tổng thời gian ở trên quỹ đạo hơn 200 ngày.
Hai phi hành gia còn lại là cựu phi công không quân Trần Trung Thụy (40 tuổi) và cựu kỹ sư công nghệ không gian Vương Kiệt (35 tuổi). Đây là chuyến bay lên không gian đầu tiên của 2 phi hành gia này, theo AFP.
Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình nhà nước sau đó cho thấy 3 phi hành gia được đưa bằng xe buýt đến địa điểm phóng. Họ sẽ làm việc trên Trạm không gian Thiên Cung trong 6 tháng, tiến hành các thí nghiệm về vật lý, khoa học sự sống và lắp đặt thiết bị bảo vệ chống lại các mảnh vỡ không gian.