Xã Hội

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - Bài 4: Tiến về Dinh Độc Lập

Tóm tắt:
  • Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn, mà ở đó điểm đến quan trọng nhất là chiếm lĩnh Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa
  • Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, hai chiếc xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 và 843 của Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
  • 5 cánh quân đồng loạt tiến về Sài Gòn theo 5 hướng
  • Tháng tư này, tôi đến gặp ông Ngô Sỹ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390, xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính để tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
  • Ông Nguyên cho biết, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức 5 cánh quân đồng loạt tiến về Sài Gòn theo 5 hướng khác nhau
Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

5 cánh quân đồng loạt tiến về Sài Gòn theo 5 hướng.

Tháng tư này, tôi đến gặp ông Ngô Sỹ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 , xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính để tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ông Nguyên cho biết, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức 5 cánh quân đồng loạt tiến về Sài Gòn theo 5 hướng khác nhau. Trải qua thực tế cuộc chiến, Quân đoàn 2 trở thành mũi tiến công có cơ hội tiến tới Dinh Độc Lập trước tiên. Sau khi dùng một phần lực lượng đánh “bóc vỏ” địch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức một binh đoàn thọc sâu với lực lượng nòng cốt là Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Sài Gòn. Sau khi đã chọc thủng được một loạt hệ thống phòng ngự của địch, sáng 28/4/1975, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An đã trao cờ “quyết chiến, quyết thắng” cho Lữ đoàn xe tăng 203 để cắm tại Dinh Độc Lập. “Trước nhiệm vụ vinh quang này, Ban chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 lựa chọn Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) là đơn vị sẽ tiến vào Dinh Độc Lập để cắm cờ. Đại đội 4 chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ cho Đại đội 3”, ông Nguyên cho biết.

Cựu chiến binh (CCB) Ngô Sỹ Nguyên kể tiếp, sáng 30/4, Tiểu đoàn 1 vượt qua cầu Xa Lộ (Đồng Nai), đi trước mở đường cho Lữ đoàn xe tăng 203 hành tiến phía sau. Đến căn cứ Thủ Đức, bị lực lượng thiết giáp của địch chống trả quyết liệt, nhưng Tiểu đoàn 1 đã chọc thủng phòng tuyến của địch để tiếp tục tiến về Sài Gòn.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Toàn cảnh đội hình xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Borries Gallasch.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Xe tăng 390 tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, lái xe Nguyễn Văn Tập ngồi phía trước nhô đầu khỏi xe, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên nhô người trên tháp pháo xe tăng Ảnh: FRANCOISE DEMULDER

Phía bên kia cầu Sài Gòn, xe thiết giáp của địch dàn hàng ngang, quyết chặn không cho quân ta vượt cầu để tiến vào nội đô. Một trận đánh lớn đã diễn ra. Thấy ngồi trong xe vẫn khó quan sát, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ bật cửa xe nhô người ra ngoài chỉ huy đơn vị thì bất ngờ trúng đạn địch, hy sinh (năm 2013, liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - P.V). Trước sự hy sinh của chỉ huy, nhưng lực lượng xe tăng của Tiểu đoàn 1 không hề nao núng, tiếp tục tiêu diệt xe tăng địch để vượt cầu Sài Gòn.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, Đại đội 3 của Tiểu đoàn 1 vẫn tiếp tục giữ vai trò xung kích. Tuy nhiên, do đi đầu đội hình nên trong các trận kịch chiến với địch cũng khiến Đại đội 3 bị thiệt hại đáng kể về số lượng xe tăng. Khi đến cầu Thị Nghè, xe tăng 866 của Đại đội 3 do trưởng xe Lê Tiến Hùng chỉ huy đã vượt lên dẫn đầu đội hình. Bất ngờ, xe 866 bị súng chống tăng của địch bắn trúng khiến trưởng xe Lê Tiến Hùng bị thương nặng, xe cũng bị hỏng một số bộ phận, mất sức chiến đấu. Trước tình thế khẩn trương, Đại đội 4 được lệnh thay thế Đại đội 3 giữ mũi chủ công. “Khi đó, Ban chỉ huy của Đại đội 4 gồm đại đội trưởng Bùi Quang Thận (trưởng xe tăng 843), chính trị viên Vũ Đăng Toàn (trưởng xe tăng 390), đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng (lúc này đảm nhận nhiệm vụ pháo thủ số 2 xe tăng 390) lập tức hội ý, rồi nhanh chóng thống nhất ý kiến chỉ huy đơn vị thẳng tiến đến Dinh Độc Lập”, CCB Ngô Sỹ Nguyên cho biết.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 6.

Sau khi vượt qua cầu Thị Nghè, đường đến Dinh Độc lập đã khá gần. Lúc này địch vẫn chống trả rất quyết liệt. Khi xe tăng 390 vừa qua một ngã tư thì bất ngờ gặp hai chiếc xe tăng địch tiến tới. Pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên phản xạ rất nhanh, bắn cháy luôn hai xe tăng địch. “Với việc qua các ngã tư, chúng tôi luôn ý thức lời quán triệt của cấp chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 là sau khi vượt qua cầu Thị Nghè, cứ đi qua 7 ngã tư rồi rẽ trái là tới Dinh Độc Lập”, ông Nguyên nói.

Rồi ông kể tiếp, tuy được phổ biến như vậy, nhưng do quá lạ lẫm đường phố Sài Gòn nên xe tăng 390 cứ vừa đi, vừa phải đánh địch lẫn dò đường. Khi xe tăng 390 vượt qua ngã tư thứ bảy, các thành viên kíp xe nhận ra đã đi quá đường nên vội vòng xe lại rồi rẽ trái và thấy Dinh Độc Lập phía xa. Lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập vội tăng tốc tiến về Dinh Độc Lập.

Khi tới gần cửa Dinh, các thành viên kíp xe 390 thấy xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy đang bị mắc kẹt ở cổng phụ phía bên trái. Lái xe 390 Nguyễn Văn Tập xin ý kiến chỉ huy: “Thế nào anh Toàn?”. Không do dự, trưởng xe 390 Vũ Đăng Toàn ra lệnh ngắn gọn: “Tông thẳng vào”. Lái xe Nguyễn Văn Tập nhấn ga, xe tăng 390 chồm lên húc tung cánh cửa sắt Dinh Độc Lập , chạy vào thảm cỏ cạnh đài phun nước. Sợ xe có thể bị sa lầy, lái xe Nguyễn Văn Tập nhấn ga cho xe tăng vượt qua thảm cỏ, dừng trước sảnh Dinh Độc Lập.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 7.

Các thành viên kíp xe tăng 390 đứng trước Dinh Độc Lập Ảnh: FRANCOISE DEMULDER

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 8.

Từ trái sang: Các CCB xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên và Nguyễn Văn Tập Ảnh: CCB NGÔ SỸ NGUYÊN CUNG CẤP

CCB Vũ Đăng Toàn kể thêm, khi xe 390 dừng lại, ông định ra ngoài xe để cắm cờ, thì đại đội phó Lê Văn Phượng ngồi sau nhắc: “Đại đội trưởng đang cầm cờ ở phía sau”. Vũ Đăng Toàn ngoảnh lại, thấy trưởng xe tăng 843 Bùi Quang Thận đã rời khỏi xe, cầm cờ chạy vào Dinh. Thấy vậy, chính trị viên Toàn vội lấy khẩu AK, mở cửa nhảy ra, nói: “Tôi đi theo để yểm hộ cho anh Thận”.

Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên cũng lấy súng, chạy theo hai chỉ huy đại đội để vào Dinh. Nguyễn Văn Tập cũng ra khỏi xe, nhưng đi được vài bước chợt nghĩ lái xe không được phép rời khỏi xe nên đã quay về giữ xe. Trong khi đó, đại đội phó kiêm pháo thủ số 2 xe tăng 390 Lê Văn Phượng vẫn ngồi bên khẩu súng 12 ly 7 lắp trên tháp pháo xe tăng để yểm trợ từ xa cho các đồng đội vào bắt nội các Dương Văn Minh và cắm cờ tại Dinh Độc Lập.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 9.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 10.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 11.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 12.

Bản tin phát sóng ngày 30/4/1975 từ Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội với giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai là lời xác tín đầu tiên gửi đi từ trái tim Thủ đô đến toàn dân tộc: “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Phủ tổng thống Ngụy quyền…”.

CCB Vũ Đăng Toàn cho biết, khi đại đội trưởng Bùi Quang Thận và ông vào Dinh Độc Lập thì gặp ông Nguyễn Hữu Thái (lúc đó là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn) và giáo sư Huỳnh Văn Tòng đang đứng bên ngoài (Đây là hai trí thức đã vào Dinh Độc Lập từ trước, với ý định sử dụng mối quan hệ sẵn có của mình với một số thành viên nội các của Việt Nam Cộng hòa để khuyên họ bàn giao chính quyền cho quân giải phóng một cách nhanh chóng, hòa bình). Sau khi trao đổi, ông Thái và giáo sư Tòng đã đưa đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ.

Năm 2012, đại đội trưởng Bùi Quang Thận, cựu trưởng xe tăng 843, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập qua đời. Năm 2013, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

Năm 2016, cựu pháo thủ số 2 xe tăng 390 Lê Văn Phượng qua đời.

“Sau này tôi mới biết, ba người lên nóc Dinh khi đó là người của ba miền Bắc, Trung, Nam. Anh Thận là người miền Bắc, ông Nguyễn Hữu Thái người miền Trung và giáo sư Huỳnh Văn Tòng là người miền Nam. Vì thế việc cắm cờ khi đó càng thêm phần ý nghĩa”, CCB Vũ Đăng Toàn nói.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 13.

(Còn nữa)

Các tin khác

Tranh cãi dai dẳng tắc đường do ô tô hay xe máy?

Nhiều người cho rằng, ô tô con là thủ phạm gây tắc đường vì chiếm diện tích lớn trong lưu thông trong khi chở quá ít người. Tuy nhiên, luồng ý kiến còn lại cho rằng, xe máy mới là nguyên nhân khiến giao thông hỗn loạn.

Những công trình đột phá, làm thay đổi diện mạo TPHCM

Sau 50 năm, diện mạo TPHCM thay đổi hoàn toàn, trở thành một siêu đô thị hiện đại, năng động của cả nước. Đóng góp vào sự phát triển này là hàng loạt dự án bất động sản mang tính biểu tượng, khu đô thị kiểu mẫu, đại lộ thênh thang…

AI tái hiện Trịnh Công Sơn trên sóng VTV gây tranh cãi: Gia đình lên tiếng

Tiết mục "Nối vòng tay lớn" do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thể hiện trong cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" gây phản ứng trái chiều. Bên cạnh ý kiến ủng hộ BTC chương trình, cho rằng đây là một cách tri ân cố nhạc sĩ, còn không ít khán giả phản đối việc tái hiện hình ảnh ông bằng AI.