Thế giới

Tự truyện ám ảnh của con trai McNamara về Việt Nam

(Từ trái sang) Tổng thống John F. Kennedy, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson nói chuyện tại Nhà Trắng vào tháng 3/1961. (Ảnh: AP)

(Từ trái sang) Tổng thống John F. Kennedy, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson nói chuyện tại Nhà Trắng vào tháng 3/1961. (Ảnh: AP)

Cả hai người con trai đều phản đối cuộc chiến. Cả hai đều yêu cha, dù ông Rusk không nói chuyện với cha mình suốt 14 năm. Cả hai đều đã sống ẩn dật trong một thời gian dài.

Ông Rich Rusk làm nghề đánh bắt cá hồi ở Alaska, còn ông Craig McNamara đi du lịch và làm nghề nông ở Nam Mỹ. Họ nói về việc cùng nhau đến thăm Việt Nam, nhưng họ chưa bao giờ thực hiện được chuyến đi chung đó. Ngày 28/1/2018, ông Rich Rusk nhảy lầu tự tử.

Ông Craig sau đó viết cuộc sách Because Our Fathers Lied: A Memoir of Truth and Family, from Vietnam to Today (Vì cha chúng ta đã nói dối: Hồi ký về sự thật và gia đình, từ Việt Nam đến ngày nay).

Robert McNamara không kể với con trai về công việc của mình, đặc biệt là về thảm kịch lớn từ chính sách leo thang quân sự ở Việt Nam mà ông đóng vai trò kiến trúc sư chính.

Cuốn sách kể câu chuyện khi Craig còn là học sinh tại Trường St. Paul vào giữa những năm 1960. Ông là vận động viên tuyệt vời nhưng học không tốt. Ông mắc chứng khó đọc.

Khi một người bạn quyết định tổ chức một "buổi giảng" về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Craig muốn ủng hộ quan điểm của cha mình. Ông gọi điện để nhờ bố cung cấp thông tin và tờ rơi. "Được thôi, Craigie. Bố sẽ bảo thư ký làm việc đó". Nhưng sau đó là một sự im lặng khó xử.

“Tôi nhớ giọng nói của ông ấy nhỏ dần... Tôi tự hỏi ông ấy đang nghĩ gì trong lúc im lặng đó. Ông ấy có phải đang nghĩ đến chuyến đi gần đây nhất của ông ấy đến Sài Gòn, với những cuộc nói chuyện về số người chết và các vụ ném bom napalm gây rụng lá không? Ông ấy có đang tự hỏi làm thế nào để giải thích tất cả những điều đó cho đứa con trai duy nhất của mình không? Hay ông ấy đang nín thở, chờ đợi khoảnh khắc đó trôi qua?”, Craig viết trong cuốn sách.

Tất nhiên, không có thông tin hay tờ rơi nào được gửi đến.

Trước khi Craig viết cuốn hồi ký này, ông Robert McNamara chịu rất nhiều áp lực với những gì ông đã gây ra ở Việt Nam.

Robert McNamara làm việc ở hãng ô tô Ford trước khi phục vụ chính quyền Tổng thống Kennedy. Ông vẫn giữ chức bộ trưởng quốc phòng của Tổng thống Lyndon Johnson sau khi ông John F. Kennedy bị ám sát.

Robert McNamara là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy việc tăng cường can dự quân sự của Mỹ vào Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng McNamara, số lượng người Mỹ tại Việt Nam tăng mạnh, từ vài nghìn cố vấn quân sự năm 1961 lên hơn 500.000 quân vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bộ trưởng McNamara áp dụng cách làm “định lượng” trong chiến tranh, sử dụng các số liệu như đếm thi thể để đo lường thành công, dù vấp phải chỉ trích mạnh mẽ.

Khi Richard Nixon được bầu làm tổng thống năm 1968, ông McNamara rời chính phủ và trở thành chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Nhiều năm sau, ông tham gia cuộc phỏng vấn dài cho bộ phim tài liệu của Errol Morris, trong đó ông thừa nhận mình đã sai. Vấp phải nhiều áp lực lớn vì chiến dịch can dự vào Việt Nam, ông McNamara bị trầm cảm.

Ông Craig McNamara. (Ảnh: The Chronicle)

Ông Craig McNamara. (Ảnh: The Chronicle)

Nỗi ám ảnh về những chiếc ghế

Cuốn sách cho thấy Craig dường như đã sống phần lớn cuộc đời mình trong trạng thái sốc. Những điều khủng khiếp đã xảy ra với ông. Ông muốn hỏi các chị gái mình: “Chúng ta sẽ sống thế nào khi biết những gì cha mình đã làm?”, nhưng ông không bao giờ hỏi.

Ngoại trừ những năm Craig sống ở Nam Mỹ, mối quan hệ trong gia đình họ vẫn tốt đẹp. “Bất cứ khi nào chúng tôi nói chuyện và tôi hỏi ông ấy về Việt Nam, ông ấy luôn né tránh. Không bao giờ xảy ra mâu thuẫn lớn giữa chúng tôi”, Craig viết trong cuốn sách.

Tình yêu với đất đai mà Craig học được ở Nam Mỹ đã cứu rỗi cuộc đời ông. Ông kết hôn, có 3 người con và họ mua một trang trại ở Bắc California.

“Đôi bàn tay bẩn thỉu của tôi trở nên chai sạn hơn và đôi giày của tôi nhanh chóng bị mòn. Tôi kiệt sức hơn bao giờ hết và tôi hạnh phúc”, Craig viết.

Tuy nhiên, cha ông là người cấp tiền để mua trang trại; họ trở thành đối tác kinh doanh. Và Robert McNamara là một đối tác khắt khe. Hầu như ngày nào ông cũng gọi cho Craig vào 4h45 sáng nhưng chỉ quan tâm đến một điều: Thu được bao nhiêu quả óc chó, như một sự ám ảnh về những gì xảy ra ở Việt Nam.

Robert McNamara hiếm khi đến thăm trang trại của con trai mình. Ông không hề cố gắng tìm hiểu về các cháu của mình. Thật vậy, sau khi mẹ Craig qua đời vì bệnh ung thư năm 1981, cha ông trở nên xa cách hơn và bắt đầu gặp gỡ nhiều phụ nữ.

Cuối cùng, ông tái hôn với một người mà Craig thậm chí không muốn nêu tên. Khi Robert McNamara qua đời, người phụ nữ này đã đem tất cả tài sản của gia đình ra đấu giá.

Craig đã chi 100.000 USD để chuộc lại cuốn lịch bạc về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Đó là một món quà từ bà Jacqueline Kennedy. Những chiếc ghế mà McNamara sử dụng trong các cuộc họp nội các - món quà từ các đời tổng thống Kennedy và Johnson – cũng bị mang bán.

Chúng được một chủ phòng tranh mua lại và sau đó tặng cho nghệ sĩ người Việt Nam. Sau đó, những chiếc ghế đã bị tháo rời, nhồi ruột bông và trưng bày.

Craig viết rằng việc nhìn thấy tác phẩm của nghệ sĩ này đã “giải thoát tôi khỏi gánh nặng của những chiếc ghế".

Ông dùng những chiếc ghế như một phép ẩn dụ: Chúng ta có thể xé nát quá khứ, xem xét phần ruột của nó, hiểu một chút về nó, nhưng chúng ta không thể sắp xếp lại nó theo đúng như ban đầu. Sự tàn bạo không thể làm lại được.

Các tin khác

VietinBank eFAST X-Mate – "Trợ lý số" của doanh nghiệp trong kỷ nguyên siêu kết nối

Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, việc ứng dụng công nghệ không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, kiểm soát rủi ro và duy trì lợi thế cạnh tranh. Đồng hành cùng tiến trình này, VietinBank đã phát triển và triển khai VietinBank eFAST X-Mate – nền tảng trợ lý số tài chính dành riêng cho Khách hàng Doanh nghiệp.

Đi đâu - ăn gì để tận hưởng trọn vẹn đại lễ 30/4 tại TP.HCM?

Dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP.HCM sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động hấp dẫn, cực kỳ hoành tráng như: diễu binh, bắn đại bác, trình diễn máy bay, pháo hoa... Thế nên, hãy nhanh tay bỏ túi lịch trình này, đảm bảo cả kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ở TP.HCM sẽ trở nên vô cùng đáng nhớ và ý nghĩa đối với bạn.

Tuổi trẻ Hà Tĩnh viết tiếp câu chuyện hòa bình

Chương trình viết tiếp câu chuyện hòa bình do tuổi trẻ Hà Tĩnh đồng loạt triển khai được cụ thể bằng nhiều phần việc đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ.