Kinh tế

Xuất khẩu nông sản tăng ngay đầu năm, vững tiến tới 65 tỷ USD

Tóm tắt:
  • Kim ngạch xuất khẩu nông sản quý I đạt 15,7 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
  • Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu 64-65 tỷ USD trong năm nay, bất chấp thách thức quốc tế.
  • Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 18%, đạt 2,29 tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
  • Mục tiêu của ngành nông nghiệp là tăng giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, bên cạnh sản lượng.
  • Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển bền vững để mở rộng thị trường mới.

Tăng trưởng ấn tượng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam đã trải qua quý I đầy thử thách nhưng cũng nhiều thành công. Chỉ riêng tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt hơn 6,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản quý I đạt hơn 15,7 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản quý I ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD.

Xuất khẩu nông sản tăng ngay đầu năm, vững tiến tới 65 tỷ USD- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Thanh Huyền.

Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu. So với cùng kỳ năm trước, ước trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm trong khu vực châu Á tăng 2%; châu Mỹ tăng 15,7%; châu Âu tăng 37,8%; châu Phi tăng 2,1 lần; và châu Đại Dương tăng 0,8%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, xuất khẩu nông sản đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế. Đặc biệt là những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga và các vấn đề liên quan đến Ukraine.

Ngoài ra, một số mặt hàng chủ lực cũng bị tác động mạnh bởi thay đổi chính sách của một số thị trường như: Gạo bị tác động mạnh bởi chính sách của Ấn Độ; sầu riêng bị tác động bởi chính sách của Trung Quốc...

"Tuy nhiên, dù đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì và phát triển xuất khẩu nông sản và đạt được thành tích ấn tượng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cụ thể, để đối phó với những thay đổi trong chính sách thương mại của các nước khác, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan. Các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho ngành nông sản Việt Nam.

“Dù còn nhiều thách thức nhưng nhờ kim ngạch xuất khẩu quý I tăng trưởng khá tốt, chúng ta có thể yên tâm về việc quý sau sẽ tăng trưởng hơn quý trước. Hoàn toàn có thể vững tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 64-65 tỷ USD trong năm nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Hướng tới nông nghiệp bền vững

Tính riêng về ngành hàng, mặc dù xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc gặp khó nhưng xuất khẩu rau quả vẫn đạt gần 10 tỷ USD, duy trì được mức tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm cũng tăng hơn 18%, đạt 2,29 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỷ USD sau ba tháng, tăng 11,6%.

Xuất khẩu nông sản tăng ngay đầu năm, vững tiến tới 65 tỷ USD- Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực. Ảnh minh họa: IT.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, có mặt hàng tăng về sản lượng nhưng giảm giá trị như lúa gạo, còn có những mặt hàng tăng cả giá trị lẫn sản lượng như chè; có những mặt hàng giảm về sản lượng nhưng tăng giá trị như cà phê, hạt tiêu...

“Điều này chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu , nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Để đạt được điều đó, quan trọng nhất là phải triển khai các giải pháp đồng bộ về quản lý chất lượng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tái cơ cấu, phát triển bền vững.

“Mục tiêu là không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn nâng cao giá trị gia tăng cũng như chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ đảm bảo cho sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ được ưa chuộng ở các thị trường truyền thống mà còn mở rộng ra các thị trường mới”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Người trẻ nghiện mạng xã hội

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) vừa được Q&Me phát hành, bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 tuổi, đa phần (31%) dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.

Ưu tiên chiến lược an toàn - Xu hướng đầu tư bất động sản 2025

Sau giai đoạn biến động, thị trường bất động sản 2025 chứng kiến sự dịch chuyển trong chiến lược đầu tư. Thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, hơn 50% nhà đầu tư được khảo sát ưu tiên dòng tiền an toàn, lựa chọn sản phẩm có pháp lý minh bạch và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Khẩn cấp di dời nhiều hộ dân ở thành phố Lào Cai

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do nhiều nhà dân đang có hiện tượng lún nền, nứt tường; tuyến đường 23/9, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) bị tụt sâu, nguy cơ trôi cả mảng đất lớn xuống dãy dân cư ở phía dưới chân taluy.

Quy định mới nhất về giá điện

Theo quyết định của Chính phủ vừa ban hành, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.