Kinh tế

Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng

Tóm tắt:
  • Các số liệu thống kê cần được đặt trong bối cảnh để tránh hiểu lầm, đặc biệt về thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
  • Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ, nhưng phần lớn giá trị gia tăng thuộc về các doanh nghiệp FDI, không phải Việt Nam.
  • Người tiêu dùng Mỹ và các tập đoàn lớn của họ là những bên hưởng lợi chính từ mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.
  • Nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tổn thương trước tiên.
  • Việt Nam không thao túng thương mại mà chỉ tham gia vào nền kinh tế toàn cầu một cách minh bạch và công bằng.

Một trong những ngộ nhận hay nhầm lẫn đáng tiếc như vậy chính là cách người ta nhìn vào thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ như một biểu hiện của bất công, thậm chí là hành vi thao túng thương mại. Và giờ đây, điều đó đang được cụ thể hóa bằng tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.

Nhưng phải hiểu những con số ấy như thế nào để chúng phản ánh đầy đủ và trung thực bản chất của mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia? Và nếu đi theo con đường áp đặt thuế quan, ai sẽ là người thực sự thiệt thòi?

Không có thao túng, chỉ có quy luật thị trường đang vận hành

Việt Nam không phá giá tiền tệ. Việt Nam cũng không trợ cấp xuất khẩu một cách bất hợp pháp. Thay vào đó, Việt Nam bước ra từ những cuộc cải cách sâu rộng, mở cửa thị trường, thu hút đầu tư và hòa mình vào chuỗi cung ứng toàn cầu – một cách đúng mực, kiên nhẫn và minh bạch.

Việc Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 100 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, và chỉ nhập khẩu khoảng hơn 10 tỷ USD, là hệ quả tất yếu của mô hình phát triển dựa vào sản xuất công nghiệp định hướng xuất khẩu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang hưởng lợi quá mức. Bởi phần lớn hàng hóa ấy không do Việt Nam "sáng tạo", mà do các doanh nghiệp FDI – trong đó có không ít doanh nghiệp Mỹ – sản xuất tại Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ.

ong si dung 1.jpg
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Việt Nam chỉ đang làm điều mà mọi quốc gia có chí tiến thủ đều làm: Tham gia một cách nghiêm túc vào cuộc chơi toàn cầu, bằng sức lao động của chính mình - Ảnh: VGP

Một chiếc điện thoại thông minh gắn mác "Made in Vietnam" xuất sang thị trường Mỹ có thể trị giá 500 USD, nhưng Việt Nam chỉ giữ lại được 15–20 USD giá trị gia tăng. Số còn lại quay về các trung tâm thiết kế, phát triển, thương hiệu và phân phối – phần lớn đặt tại Mỹ. Như vậy, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu cho Việt Nam, nhưng cán cân giá trị lại nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Mỹ không chỉ không thiệt, mà còn được lợi rất nhiều

Chúng ta hãy thành thật với nhau: Ai mới là người đang được hưởng nhiều nhất từ mối quan hệ kinh tế này?

Trước hết là người tiêu dùng Mỹ. Từ đôi giày Nike sản xuất tại Việt Nam, đến chiếc ghế gỗ trong phòng khách, hay chiếc laptop giá rẻ – tất cả đều giúp người dân Mỹ sống thoải mái hơn với đồng lương của mình.

Tiếp theo là các tập đoàn công nghệ và thời trang Mỹ. Họ chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam không phải vì bị ép buộc, mà vì đó là quyết định chiến lược, giúp giảm chi phí, ổn định chuỗi cung ứng, và đối phó với biến động địa chính trị. Việt Nam trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho một số nước trong khu vực, trong khi lợi nhuận vẫn chảy về Thung lũng Silicon hay Phố Wall.

Thứ ba là ngành xuất khẩu nông sản Mỹ. Việt Nam nhập khẩu hàng tỷ USD bông, đậu nành, máy móc, thiết bị y tế từ Mỹ. Trong khi đó, người nông dân Việt vẫn đang nỗ lực bán từng ký gạo, từng lít nước mắm vào thị trường Hoa Kỳ – nhưng phần nhiều vẫn gặp rào cản kỹ thuật.

Nói cách khác, nếu gọi mối quan hệ này là một trò chơi, thì đây là trò chơi mà cả hai bên cùng thắng – và có thể Mỹ thắng nhiều hơn.

Việt Nam: Người thợ cả khiêm nhường trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhiều người nhìn vào con số xuất siêu và tưởng rằng Việt Nam đang "làm giàu" trên lưng nước Mỹ. Nhưng sự thật là: Việt Nam đang làm công việc của một người thợ cả lành nghề, chịu trách nhiệm gia công, lắp ráp, đảm bảo tiến độ, giữ vững chất lượng – nhưng không sở hữu bản thiết kế, không quyết định giá bán, cũng không chiếm phần lớn lợi nhuận.

Để duy trì vị trí ấy, Việt Nam phải đánh đổi nhiều thứ: Áp lực lao động, chi phí năng lượng… và cả nguy cơ trở thành điểm yếu trong chuỗi cung ứng nếu tình hình quốc tế xấu đi.

Việt Nam cũng không được phép tự do điều hành thương mại như các cường quốc. Mỗi biến động nhỏ về thuế quan, mỗi xung đột về tiêu chuẩn đều có thể làm đảo lộn toàn bộ cục diện. Sự mong manh này không thể được gọi là lợi thế bất công.

Đánh thuế Việt Nam là đánh vào chuỗi cung ứng của chính Hoa Kỳ

Nếu thuế quan 46% được áp đặt, những gì bị tổn thương đầu tiên sẽ chưa hẳn là doanh nghiệp Việt, mà là: Chuỗi cung ứng của các tập đoàn Mỹ, vốn đã mất nhiều năm mới chuyển dịch được từ các nước khác sang Việt; người tiêu dùng Mỹ, vì giá hàng hóa sẽ tăng lên; quan hệ chiến lược Việt - Mỹ, vốn đang trên đà phát triển tích cực với tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

Trong một thế giới đầy biến động, việc gìn giữ những mối quan hệ thương mại công bằng, minh bạch và cùng có lợi chính là nền tảng của ổn định lâu dài, bền vững.

Mặt khác, dường như phía Hoa Kỳ chỉ tính tới thâm hụt thương mại hàng hóa, chưa tính tới việc Mỹ thặng dư xuất khẩu dịch vụ rất lớn.

Khi chính sách cần một cái nhìn sâu hơn con số

Chúng ta không thể xây dựng chính sách thương mại chỉ dựa vào cán cân xuất - nhập khẩu. Những con số đó chưa nói hết sự thật. Cái mà chúng ta cần là cái nhìn sâu vào cấu trúc chuỗi giá trị, vào lợi ích thật và vào chất lượng của mối quan hệ hợp tác cũng như lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Việt Nam chưa bao giờ tìm cách làm giàu bằng con đường phi chính đáng. Việt Nam không thao túng. Việt Nam chỉ đang làm điều mà mọi quốc gia có chí tiến thủ đều làm: Tham gia một cách nghiêm túc vào cuộc chơi toàn cầu, bằng sức lao động của chính mình.

Và vì thế, Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

(Theo Báo điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4. Từ 12/4, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay ít mưa, ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Người trẻ nghiện mạng xã hội

Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” (Digital life among Vietnamese) vừa được Q&Me phát hành, bạn trẻ trong nhóm tuổi từ 18-29 tuổi, đa phần (31%) dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.

Khi fan Quang Linh Vlogs mất đi sự tỉnh táo

Họ dường như chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc cũng như trách nhiệm của thần tượng trong vụ việc gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên cả nước.

Măng non TP Bác sẵn sàng tiếp bước

500 đội viên học sinh tiêu biểu đã tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP.HCM năm 2025 ngày 6-4 chủ đề "50 năm - Hoa xuân đất nước, Đội ta tiếp bước" diễn ra tại công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Tin xem nhiều