Người đàn ông quá cố tên Lưu Vĩnh Xương , sống tại Bắc Kinh, từng là doanh nhân thành đạt và có khối tài sản cá nhân lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ. Sau khi vợ qua đời, ông sống một mình trong căn biệt thự rộng lớn. Năm 2016, do tuổi cao sức yếu và mắc nhiều bệnh nền, ông thuê một người bảo mẫu họ Lý về chăm sóc toàn thời gian.
Trong 7 năm tiếp theo, bà Lý vừa là người trông nom sinh hoạt, vừa kiêm luôn quản lý y tế, hỗ trợ ông Lưu trong nhiều khâu. Hàng xóm từng chia sẻ rằng: "Không có bà ấy, ông cụ chắc không sống nổi đến hôm nay. Cô ấy kiên nhẫn và tận tụy như người thân".
Thế nhưng, mọi chuyện chỉ thực sự gây sốc khi ông Lưu qua đời vào năm 2023 và bản di chúc được mở ra: Toàn bộ tài sản hơn 16 triệu tệ (~56 tỷ đồng) được để lại cho bà Lý , không có một dòng nào nhắc đến ba người con ruột.
Ngay lập tức, các con của ông Lưu đâm đơn kiện ra toà, với cáo buộc rằng bà Lý "dụ dỗ, thao túng" người cha trong lúc ông không còn đủ minh mẫn để lập di chúc. "Chúng tôi không cần tiền, chỉ muốn lấy lại công bằng và bảo vệ danh dự của cha mình", con gái lớn của ông Lưu nói tại phiên toà.
Trái ngược với hình ảnh mờ ám mà các con mô tả, bà Lý bình tĩnh đưa ra các bằng chứng: Bản di chúc được lập tại văn phòng công chứng, có luật sư và nhân viên pháp lý chứng kiến. Trong video ghi lại buổi ký di chúc, ông Lưu nói rành rọt từng câu, khẳng định: "Tôi không muốn các con tôi tranh chấp tài sản. Tôi để lại tất cả cho người duy nhất thật lòng với tôi lúc cuối đời."

Ảnh minh hoạ
Bà Lý còn đưa ra hàng loạt bằng chứng về các khoản chi tiêu mà bà đã ứng trước trong việc chăm sóc y tế, thuê người giúp việc phụ, thậm chí vay nợ để giúp ông Lưu nhập viện thời điểm khẩn cấp. "Tôi không có ý chiếm đoạt. Nhưng nếu không có tôi, liệu ông ấy có sống thêm được 7 năm không?", bà nói.
Sau nhiều tháng điều tra và xét xử, tòa án Bắc Kinh bác toàn bộ yêu cầu vô hiệu hoá di chúc của các con ông Lưu. Thẩm phán tuyên bố: " Bằng chứng cho thấy người lập di chúc hoàn toàn tỉnh táo và tự nguyện. Mối quan hệ giữa ông Lưu và bà Lý vượt lên trên giới hạn của một hợp đồng lao động. Đây là sự tri ân, không phải sự thao túng."
Tòa nhấn mạnh: "Trong mắt pháp luật, con cái không có quyền đương nhiên thừa kế nếu người để lại di chúc rõ ràng. Sự chăm sóc, lòng tận tụy của bà Lý trong suốt 7 năm là một phần lý do khiến người quá cố lựa chọn bà."
Phán quyết này gây nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc: Một phe ủng hộ bà Lý, cho rằng đây là một câu chuyện đẹp về lòng tận tụy và sự báo đáp công bằng . "Bao nhiêu người già chết cô độc, không ai hỏi han. Nếu bà ấy dành cả tuổi xuân chăm sóc ông cụ, thì khoản tiền đó hoàn toàn xứng đáng", một cư dân mạng bình luận.
Phe còn lại lại gay gắt: "Con cái dù sao vẫn là máu mủ. Giao hết tài sản cho người ngoài thì chẳng khác nào tát vào mặt người thân". Một người khác viết : "Dù bà Lý không sai pháp luật, nhưng thử hỏi đạo lý nằm ở đâu?".
Luật sư Từ Khánh, chuyên gia di chúc và thừa kế tại Thượng Hải, phân tích: "Trong pháp luật Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, người lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, miễn là họ tỉnh táo và không bị cưỡng ép. Con cái dù có công sinh thành dưỡng dục cũng không thể phủ định quyền tự chủ của cha mẹ về tài sản."
Ông cũng nói thêm: "Nếu các con không quan tâm đến cha mẹ lúc sinh thời, thì việc họ không được nhắc đến trong di chúc cũng không có gì sai trái. Câu chuyện này nên là một lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ: Đừng nghĩ rằng di sản là quyền mặc định nếu bạn không có tình thân thật sự."
Theo Sohu