Cuộc tập kích đường không kỷ lục của Nga vào Ukraine
Từ đêm 8/7 đến rạng sáng 9/7, xung đột giữa Nga và Ukraine lại leo thang nên một nấc mới, khi quân đội Nga phát động một cuộc không kích chưa từng có nhằm vào các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine; tập trung vào thủ đô Kiev và các tỉnh phía tây Ukraine.
Theo người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, quân đội Nga đã phóng tổng cộng 741 UAV và tên lửa vào lãnh thổ Ukraine trong một đêm, phá vỡ kỷ lục về số lượng vũ khí được sử dụng trong một cuộc tấn công, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Hành động này đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc tấn công này, quân đội Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí, bao gồm máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa và tên lửa các loại.
Trong số đó, 728 UAV tấn công tự sát và mồi nhử Geran-2 (Ukraine gọi là Shahed-136), được phóng đi từ nhiều trận địa phóng khác nhau ở Nga và lao vào Ukraine, giống như "một đàn ong". Những UAV này không chỉ có khả năng tấn công, mà một số còn đóng vai trò mồi nhử để gây nhiễu hệ thống phòng không Ukraine.
13 vũ khí còn lại là tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh, bao gồm 7 tên lửa hành trình Kh-101/Iskander-K và 6 tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.
Với tốc độ hơn Mach 10, tên lửa siêu thanh Kinzhal có thể dễ dàng vượt qua khả năng đánh chặn của hầu hết các hệ thống phòng không và trở thành vũ khí "át chủ bài" trong cuộc tấn công này của Nga.
Các trận địa phóng của quân đội Nga được phân bổ rộng rãi, bao phủ từ Bryansk, Primorsko-Akhtarsk, Kursk, Orel và Millerovo. Tên lửa được phóng từ căn cứ Engels ở tỉnh Saratov và máy bay trên bầu trời tỉnh Lipetsk. Bố trí phóng quy mô lớn như vậy, khiến hệ thống phòng không của Ukraine khó có thể phòng thủ toàn diện.
Quân đội Ukraine phòng thủ bằng tất cả sức mạnh
Đối mặt với cuộc tấn công ồ ạt của Nga, quân đội Ukraine đã phản ứng nhanh chóng, sử dụng máy bay chiến đấu, các hệ thống tên lửa đất đối không, các đội phòng không cơ động, lực lượng tác chiến điện tử và khí tài chống UAV, để phát động một cuộc phản công phối hợp.
Không quân Ukraine cho biết trên mạng xã hội Telegram rằng, tính đến 8h30 sáng ngày 9/7, hệ thống phòng không đã đánh chặn thành công 718 mục tiêu trên không, trong đó 303 mục tiêu bị bắn hạ bằng vũ khí và 415 mục tiêu không hiệu quả do bị nhiễu hoặc chặn tín hiệu của hệ thống tác chiến điện tử. Theo phía Ukraine, tỷ lệ đánh chặn lên tới 97%.
Tuy nhiên, tình hình thực tế dường như không mấy lạc quan. Mặc dù phía Ukraine tuyên bố đã đánh chặn hầu hết các mục tiêu, nhưng "một số vũ khí" vẫn bắn trúng mục tiêu. Các cuộc tấn công đã được ghi nhận tại 4 địa điểm khác nhau ở Ukraine, và xác của các vật thể bị bắn hạ đã rơi xuống ít nhất 14 khu vực.

Hiện trường một vụ tấn công tại Lutsk, Ukraine. Ảnh: Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia Ukraine / Kyiv Independent
Tại thành phố Lutsk ở phía tây, một nhà kho của một công ty đã bị tấn công và bốc cháy, nhiều gara và cơ sở của công ty trong thành phố đã phát nổ và bốc cháy, tạo ra khói dày đặc.
Với tần suất tiến công cao của quân đội Nga, quân đội Ukraine trên thực tế là không thể có đủ vũ khí cũng như khả năng để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga một cách hiệu quả. Ví dụ, máy bay chiến đấu F-16 mà AFU thường xuyên sử dụng để đánh chặn UAV tự sát tầm xa, sẽ không thay đổi được tình hình, vì họ không có đủ số lượng máy bay chiến đấu F-16 cần thiết.
Quan trọng nhất là tên lửa đánh chặn Patriot cũng không phù hợp để tiêu diệt một đàn UAV tự sát do chi phí cao. Ngoài ra, Kiev hiện có rất ít tên lửa phòng không loại khác; việc sử dụng rộng rãi tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stingers cũng sẽ không thay đổi được tình hình.
Điều này cho thấy ngay cả khi quân đội Ukraine đã thực hiện đánh chặn toàn diện, họ vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn cuộc tấn công của Nga, và hệ thống phòng không của họ đã bộc lộ những hạn chế nhất định khi đối phó với một cuộc tấn công quy mô lớn theo kiểu "bão hòa" như vậy. Kết quả là, hệ thống phòng không Ukraine sẽ bước vào tình trạng suy thoái chiến lược và bế tắc.
Ý định chiến lược của Moskva đằng sau cuộc tấn công
Xét về mặt chiến lược, các cuộc không kích quy mô lớn của quân đội Nga mang nhiều ý đồ. Một mặt, bằng cách triển khai số lượng lớn vũ khí như vậy, quân đội Nga muốn thử nghiệm giới hạn của hệ thống phòng không Ukraine.
Trong các cuộc xung đột trước đây, Ukraine đã dựa vào hệ thống phòng không do các nước phương Tây cung cấp để chống trả các cuộc không kích của Nga ở một mức độ nhất định. Nhưng lần này, quân đội Nga đã phóng 741 vũ khí cùng lúc, qua đó kiểm tra toàn diện tốc độ phản ứng, khả năng đánh chặn, dự trữ đạn dược và khả năng tác chiến điện tử của lực lượng phòng không Ukraine.
Mặt khác, các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu then chốt ở Ukraine nhằm mục đích làm suy yếu năng lực chiến đấu và tiềm lực chiến tranh của quân đội Ukraine. Bốn địa điểm bị tấn công có thể liên quan đến các cơ sở quan trọng như trung tâm chỉ huy quân sự, kho vũ khí đạn dược và các trung tâm vận tải.
Bằng cách phá hủy những mục tiêu này, quân đội Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai chiến đấu và cung ứng hậu cần của quân đội Ukraine.
Ngoài ra, đây cũng là một lời cảnh báo đối với Ukraine và các nước phương Tây đứng sau, cho thấy Nga có khả năng phát động các cuộc tấn công quy mô lớn vào các mục tiêu ở Ukraine; và ngay cả khi bị hệ thống phòng không đánh chặn, họ vẫn có thể đạt được những hiệu quả chiến đấu nhất định.
Cuộc không kích quy mô lớn của Nga, với 741 UAV tự sát tầm xa và tên lửa được phóng đi trong một đêm, nhiều khả năng sẽ đẩy xung đột Nga-Ukraine lên một giai đoạn căng thẳng mới.
Trong tương lai, cuộc đối đầu giữa hai bên trong lĩnh vực phòng không và không kích có thể sẽ tiếp tục leo thang, và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục chú ý đến diễn biến tình hình tại khu vực này.
(Theo Topwar)