Sức khỏe - Đời sống

Đọc lịch sử ChatGPT của con gái, ông bố U50 bỗng đỏ mặt: "Ước gì mình không nhìn thấy"

* Bài tâm sự được đăng trên trang Baijiahao (Trung Quốc).

Tôi vẫn thường nghĩ, làm cha mẹ thời nay khó thật. Con cái lớn lên trong một thế giới quá khác so với thời của mình. Chúng không còn hỏi bố mẹ những điều ngây ngô như “Vì sao trời có mây?” hay “Tại sao phải học giỏi để sau này làm bác sĩ?”. Bây giờ, trước khi hỏi mình, con đã kịp hỏi… ChatGPT.

Buổi tối hôm đó, con bé nhờ tôi mượn máy tính để làm bài tập Văn. Máy tính của tôi đang mở sẵn ChatGPT, nên con hỏi luôn trên đó. Tôi chỉ định kiểm tra lại câu trả lời xem đúng hướng chưa để còn hướng dẫn thêm nhưng rồi, mắt tôi vô tình lướt qua thanh bên trái, nơi lưu lại lịch sử hội thoại. Những tiêu đề hiện lên như những lời thì thầm từ một thế giới tôi chưa từng được bước vào:

- “Làm sao để không bị bố mẹ mắng khi điểm kém?”,

- “Có nên nói thật với bố mẹ khi cảm thấy áp lực vì học?”,

- “Bị điểm thấp thì nên nói với gia đình thế nào để không bị la?”.

Đọc lịch sử ChatGPT của con gái, ông bố U50 bỗng đỏ mặt: "Ước gì mình không nhìn thấy" - Ảnh 2.

Tôi cứng người lại trong vài giây. Không phải vì giận. Cũng không hẳn là buồn. Mà là một cảm giác rất lạ, như thể có ai vừa đặt vào tay tôi một mảnh nhật ký của con gái - nơi chứa đầy những suy nghĩ chưa bao giờ được nói thành lời.

Tôi đỏ mặt. Không phải vì xấu hổ, mà vì thấy mình đã lỡ mất điều gì đó quan trọng. Tôi tưởng tôi và con thân thiết. Tôi tưởng rằng nếu có chuyện gì, con sẽ nói với tôi đầu tiên. Nhưng hóa ra, con chọn tâm sự với một chatbot. Một AI không mắng, không đánh giá, không buồn, không thất vọng, khác xa với một người bố hay nói câu “Lo học đi con” mỗi khi thấy con cầm điện thoại quá lâu.

Tôi ngồi lặng rất lâu sau khi con rời khỏi phòng. Tôi nhớ lại gần đây, con hay im lặng sau bữa cơm, hay thở dài sau mỗi bài kiểm tra. Tôi có nhận ra. Nhưng thay vì hỏi han, tôi thường mặc định rằng “con đang tuổi dậy thì, đứa nào mà chẳng khó ở”, rồi bỏ qua. Tôi chỉ để ý đến điểm số, đến thành tích, đến việc con có nộp bài đúng hạn hay không mà quên mất hỏi con một điều rất đơn giản: “Con có mệt không?”.

Đọc những dòng đó trên ChatGPT, tôi thấy mình không phải người bố tệ. Nhưng chắc chắn chưa đủ tinh tế. Tôi đã quên rằng trong giáo dục con cái, không phải lúc nào cũng cần là người dạy dỗ, mà đôi khi nên là người lắng nghe. Con trẻ không cần quá nhiều lời khuyên. Điều chúng cần hơn, là cảm giác được hiểu, được an toàn khi nói ra sự thật, kể cả sự thật là: “Con không muốn đi học hôm nay vì con thấy buồn”.

Tôi không trách con đã giấu tôi những lo lắng đó. Tôi chỉ tiếc. Tiếc vì con đã nghĩ rằng mình không thể nói thật. Tiếc vì con đã phải “tránh” bố mẹ bằng cách nhờ đến AI để tìm cách giao tiếp lại với chính chúng tôi. Tiếc vì tôi đã từng nghĩ mình quá bận để hỏi con những câu nhỏ nhặt mà giờ nhận ra, những câu nhỏ ấy chính là chìa khóa để giữ liên kết giữa hai thế hệ.

Lúc đó, tôi ước gì mình không nhìn thấy những dòng trò chuyện kia. Vì một phần trong tôi thấy xấu hổ khi đã “lỡ” bước vào không gian riêng tư của con mà không được phép. Nhưng phần khác lại biết ơn vì đã được thức tỉnh đúng lúc.

Đọc lịch sử ChatGPT của con gái, ông bố U50 bỗng đỏ mặt: "Ước gì mình không nhìn thấy" - Ảnh 3.

Từ hôm đó, tôi thay đổi một vài điều nhỏ. Bớt hỏi “Điểm mấy?” sau mỗi buổi học, thay vào đó là “Hôm nay có gì vui không?”. Bớt thúc “Làm bài tập chưa?”, đổi thành “Cần bố hỗ trợ gì không?”. Bớt mắng khi con lơ đễnh, thay vào đó là hỏi “Có gì làm con mất tập trung vậy?”. Những thay đổi đó chưa khiến con bé chia sẻ hết mọi thứ với tôi. Nhưng ít nhất, nó đã cười nhiều hơn. Và thi thoảng, chính con lại kể trước những chuyện ở lớp.

Làm cha mẹ thời nay không còn là cuộc đua xem ai kiểm soát con giỏi hơn, mà là cuộc hành trình dài để con cảm thấy mình được đồng hành. Và đôi khi, chính những khoảnh khắc ngỡ “không nên thấy” lại trở thành bước ngoặt để chúng ta nhìn lại cách mình đang yêu thương con như thế nào.

Tôi vẫn dùng ChatGPT, nhưng từ góc độ khác: như một người bạn hỗ trợ tôi hiểu thêm về tâm lý tuổi teen, về cách giao tiếp không phán xét, và cả những cách “nói sao cho con chịu nghe”. Bởi vì tôi hiểu: giáo dục không chỉ là dạy con học giỏi, mà còn là dạy mình làm cha mẹ giỏi: giỏi lắng nghe, kiên nhẫn và luôn mở lòng học hỏi, kể cả từ chính con.

Các tin khác

5 thói quen khiến bạn mắc căn bệnh "khổ đủ đường", rất nhiều người Việt đang làm hằng ngày

Dù không nguy hiểm tính mạng, nhưng bệnh trĩ lại là “kẻ thù” thầm lặng đe dọa chất lượng cuộc sống, khiến nhiều người ngại ngùng, tự ti. Hiểu rõ về bệnh chính là chìa khóa giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả. ThS.BS. Phạm Như Hòa - Trung tâm Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ cho chúng ta những hiểu biết để phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Từ 15 giờ hôm nay 15.5, giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại. Giá xăng tăng 403 - 415 đồng/lít, giá dầu tăng 285 - 627 đồng/lít/kg.

Lật mặt thực phẩm chức năng giả: Ai chịu trách nhiệm?

Về việc quy trách nhiệm cho ai, cho cơ quan nào để tình trạng sữa giả, thuốc giả hoành hành trên thị trường trong suốt thời gian dài, trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia về quản lý thị trường (QLTT) thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm là của Bộ Y tế.