
QLTT kiểm tra mặt hàng sữa. Ảnh: Nguyễn Bằng
Bất cập trong vấn đề quản lý
Theo vị này, thời gian qua, hiện trên thị trường có các dòng sản phẩm được doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, chất lượng và sản xuất. Đây không phải là hàng giả mà là hàng sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, có loại hàng chỉ đạt 40% - 50%. Cái khó nhất với lực lượng QLTT đó là các sản phẩm về thực phẩm, thuốc, sữa được quy định do Bộ Y tế quản lý, cấp phép và thanh, kiểm tra, hậu kiểm. Bản thân QLTT và các ban ngành ngay cả khi vào kiểm tra đột xuất cũng chỉ được kiểm tra về hoá đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Còn kiểm tra về chất lượng sản phẩm là chức năng của Bộ Y tế và điều này được quy định rõ trong các văn bản pháp luật.
“Quy định hiện hành cũng nêu rõ, để tránh gây phiền nhiễu doanh nghiệp, hằng năm ngành y tế phải có kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất doanh nghiệp và công bố công khai kết quả kiểm tra. Việc cấp phép, hậu kiểm hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp cũng được quy định trong các điều luật là thuộc chức năng của ngành y tế”, vị này nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, để giảm bớt tình trạng sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bẩn trên thị trường, trước hết, ngành y tế phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, cấp phép và hậu kiểm chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Việc không quản lý sát sao, hậu kiểm chất lượng sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm chức năng phải nói rõ là trách nhiệm của ngành y tế. Chỉ cần cán bộ ngành y tế phụ trách phần cấp phép, hậu kiểm làm đúng chức năng, làm chặt, không để bị “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng thực phẩm, thuốc, sữa kém chất lượng được đưa ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông cũng cho rằng, để tránh được tình trạng “tranh công, đổ lỗi” trong tương lai, cần sửa lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ cho từng lực lượng, từ y tế đến, QLTT và cả công an. Với những đơn vị được giao nhiệm vụ chính, họ phải lên kế hoạch kiểm tra, thanh tra và chịu trách nhiệm chính về chất lượng hàng hoá sau khi đưa ra thị trường.
Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan để chống gian lận
Liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa được các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm. Tuy nhiên, sai phạm của doanh nghiệp chỉ có thể phát hiện khi đem sản phẩm đi kiểm nghiệm. Cũng có tình trạng doanh nghiệp gian lận trong tên gọi của sản phẩm là “Sữa”, “thuốc” nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “Thực phẩm bổ sung”, “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt” ...
“Nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài… Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là “hàng xách tay”. Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ, xử phạt 2,2 tỷ đồng, phát hiện và tịch thu 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon hàng hóa vi phạm. Với mặt hàng thuốc, đã kiểm tra, xử lý 985 vụ vi phạm đối với mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, xử phạt vi phạm hành chính gần 32 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm trên 881 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 15 tỷ đồng. |
Ông cũng cho biết, hiện doanh nghiệp có nhiều chiêu trò tinh vi để đối phó lực lượng chức năng. Các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, họ thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Để hạn chế các vi phạm, theo ông Linh, các bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm cũng như đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cần cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm nói riêng. Việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chế biến nói chung, thuốc, dược phẩm, sữa nói riêng cũng là việc cần phải thực hiện thời gian tới.