Xã Hội

Dự báo 18 tỉnh thành chịu ảnh hưởng của mưa bão Wipha

Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra khi kết luận cuộc họp ứng phó với bão Wipha, diễn ra chiều 18/7.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, tình hình thiên tai từ đầu năm diễn ra bất thường, mưa lớn, sạt lở diễn ra thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp.

"Chúng tôi rất lo lắng quy luật 2 năm, tức là thiên tai trong 2 năm liên tiếp. Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến mưa lũ rất lớn do bão số 3 Yagi. Năm nay là năm ENSO trung tính, dự báo lượng mưa có thể ở mức trung bình nhiều năm, nhưng cục bộ có thể mưa rất lớn. Chúng ta đang lo ngại mưa cục bộ", Thứ trưởng phân tích.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo ngày 19/7, bão Wipha tiến vào Biển Đông trở thành bão số 3 và ngày 21/7 sẽ tác động đến đất liền.

"Hiện nay dự báo đường đi còn khá khác nhau, tuy nhiên điểm dự báo chung là bão tác động đến đất liền Việt Nam. Gió có thể không lớn, nhưng mưa sẽ diễn ra diện rộng. Khả năng sẽ có 2 đợt mưa, đợt mưa thứ nhất từ 21-23/7 ở Bắc Hà Tĩnh trở ra miền Bắc. Đợt mưa thứ hai là do cơn bão khác theo sau kéo dài khoảng ngày 24-26/7", ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bão Wipha tác động vào đúng dịp nghỉ hè nên các hoạt động xã hội, du lịch rất nhiều. Đây cũng là thời điểm bắt đầu vụ sản xuất tôm, cá, lúa, một số loại trái cây cho dịp Tết…

Bên cạnh đó, hiện nay mực nước các hồ chứa ở bắc Hà Tĩnh trở ra ở mức cao, từ 55-85%, có hồ tới 90% nên nếu mưa lớn lo sẽ lặp lại câu chuyện như thủy điện Thác Bà năm trước.

"Đây là cơn bão gió không lớn nhưng mưa thì khả năng cao, diện mưa khá rộng, tác động đến 18 tỉnh và 1.713 xã từ Bắc Hà Tĩnh trở ra. Tôi đề nghị tính toán phân công ở những xã nguy cơ cao có người của bộ ngành cùng tham gia chỉ đạo ứng phó", Thứ trưởng lưu ý.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã nêu ra những việc cần thực hiện để ứng phó với tác động của bão.

Cụ thể, Cục Khí tượng Thủy văn cần tăng cường nhân lực, vật lực, tính toán để phối hợp với quốc tế cố gắng theo dõi chặt chẽ 24/24, tập trung dự báo, cảnh báo về cơn bão này. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai là đầu mối phối hợp với các Cục, các đơn vị khác thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị lực lượng công an nắm địa bàn theo dõi diễn biến lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương về cơn bão này để từ đó cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất những phương án chống bão.

Đối với trên biển, theo Thứ trưởng, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố.

Ngoài ra, cần bảo đảm an toàn công trình, trụ sở thiết yếu, đặc biệt là công trình đang thi công, cần có phương án đảm bảo an toàn cho người thi công, máy móc, thiết bị; tránh để xảy ra tai nạn do sạt lở, mưa lũ...

Các tin khác