Vào 13 giờ ngày 18/7, tâm bão trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11. Những giờ trước đó, bão di chuyển rất nhanh theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 30km/h.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, khi vào Biển Đông, bão Wipha sẽ gặp rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể trở thành cơn bão rất mạnh như điều kiện mặt biển cao, lượng nhiệt đại dương lớn, đứt gió yếu. Vì vậy khi vào Biển Đông sáng 19/7, bão có thể tăng cấp rất nhanh.
Về đường đi của bão, theo ông Khiêm, các đài quốc tế hiện nay chưa có sự thống nhất cao. Khi bão vào Biển Đông, cơ quan khí tượng sẽ có thêm dữ liệu đưa ra các nhận định chính xác hơn.
Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia về đường đi của bão Wipha.
Những nhận định vào chiều 18/7 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho thấy, khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển rất nhanh, đạt cường độ mạnh nhất khi tiến vào khu vực phía đông của bán đảo Lôi Châu với cường độ khoảng cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo sau khi đi vào bán đảo Lôi Châu, sáng 21/7, bão Wipha bắt đầu di chuyển vào khu vực vịnh Bắc Bộ, từ khoảng chiều tối và đêm 21/7, bão có thể bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền nước ta với vùng ảnh hưởng kéo dài từ Quảng Ninh-Nghệ An. Bão cũng có thể ảnh hưởng muộn hơn, từ 22/7.
Theo ông Mai Văn Khiêm, kịch bản bão đổ bộ vào miền Bắc nước ta khá cao, có thể gây ra một đợt mưa lớn diện rộng. Dự báo ngay từ chiều 20/7, những ổ mây dông phía của rìa phía tây cơn bão đã bắt đầu gây mưa.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Từ 21-24/7 bão có thể gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hoá đến Hà Tĩnh. Dự báo lượng mưa có thể từ 200-350mm, có nơi trên 600mm. Tuy nhiên, đây là nhận định sơ bộ ban đầu, độ tin cậy chưa cao. Lượng mưa còn phụ thuộc vào hướng di chuyển của bão. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, sẽ cập nhật cụ thể trong bản tin bão khẩn cấp ban hành ngày 20/7.
Một kịch bản khác cũng có khả năng xảy ra là bão có thể đi lệch hơn lên phía bắc, đi dọc đất liền ven biển Quảng Tây (Trung Quốc). Với kịch bản này, tác động về mưa lớn, gió mạnh sẽ giảm trên đất liền nước ta.
Ông Mai Khiêm cũng lưu ý, đường đi, tác động của bão Wipha có hình dáng của Yagi. Dù vậy, có hai yếu tố khác với bão Yagi năm ngoái là khi vào Biển Đông, bão Wipha có thể chếch lên phía bắc nhiều hơn, hơi ẩm ở đại dương ít hơn làm bão sẽ không tăng cấp nhanh như Yagi. “Tuy nhiên chúng ta vẫn cần lưu ý khả năng bão vào đất liền với sức gió cấp 10-11, giật 14-15", ông Khiêm nói thêm.
Vùng mây của bão Yagi khi áp sát miền Bắc nước ta ngày 7/9.
Trước đó, ngày 7/9/2024, bão Yagi đổ bộ miền Bắc, trở thành cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm ở khu vực này.
Hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, Yagi nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão. Đây là siêu bão đặc biệt trên Biển Đông khi mạnh lên 8 cấp chỉ trong 48 giờ đồng hồ. Sau khi càn quét Philippines, ngày 7/9, bão đổ bộ miền Bắc nước ta gây nên thảm hoạ thiên tai kinh hoàng.
Lần đầu tiên trong 50 năm qua, miền Bắc ghi nhận gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 trên đất liền, lũ lịch sử đã xuất hiện trong nhiều dòng sông, ngập lụt diện rộng ở 21/25 tỉnh/thành miền Bắc. Lũ quét, sạt lở xảy ra ở hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc gây nên những hậu quả vô cùng thương tâm.
Báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai Việt Nam cho biết, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại ít nhất 83,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,45 tỷ USD) về tài sản, làm 345 người chết và mất tích ở nước ta. Yagi được đánh giá là một trong những thiên tai thảm khốc nhất tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Ngày 20/2/2025, trong khoá họp thường niên lần thứ 57 diễn ra tại Manila (Philippines), Ủy ban Bão đã thảo luận và chấp thuận đề xuất của các quốc gia về việc loại bỏ tên bão Yagi ra khỏi danh sách tên bão quốc tế.