Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, sữa trở thành một trong những sản phẩm dinh dưỡng không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu cao cùng niềm tin vào "thực phẩm bổ dưỡng" này, nhiều đối tượng đã sản xuất, kinh doanh bất chính, dẫn đến tình trạng sữa giả tràn lan trên thị trường.

Liên tiếp nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa giả bị phát hiện
Theo thông tin từ Bộ Công an, đầu tháng 4/2025, một đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả tinh vi với quy mô lớn của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã bị triệt phá. Đáng chú ý, có tới gần 600 loại sữa giả, được sản xuất bởi 9 công ty nằm trong hệ sinh thái giả mạo, với tổng số tiền thu lợi bất chính lên tới gần 500 tỷ đồng. Các sản phẩm này được dán nhãn mác như thật, quảng cáo rầm rộ là sữa dinh dưỡng cao cấp có chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, collagen... nhưng thực chất lại hoàn toàn không có các thành phần công bố.
Điều đáng lo ngại là các sản phẩm này không chỉ được bán online mà còn hiện diện trên kệ của nhiều cửa hàng, đại lý, gây hoang mang lớn cho người tiêu dùng cả nước.

Các sản phẩm sữa bột được công ty quảng cáo
Tháng 1/2024, Công an tỉnh Bình Dương triệt phá chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong 8 đối tượng bị tạm giữ, Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) được xác định là người đứng đầu. Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả, Vũ Thành Công chào bán trên các trang mạng xã hội, các trang bán hàng thương mại điện tử và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm.
Hay như cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty cổ phần sữa Hà Lan (Hà Nội). Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc, dù có trình độ Đại học Dược và hiểu rõ quy định, vẫn chỉ đạo sản xuất sữa kém chất lượng, với chỉ tiêu dưới 70% so với công bố, gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, qua kiểm tra, xác minh lực lượng chức năng phát hiện kế toán trưởng Công ty này đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm, được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Các vụ việc cho thấy tình trạng sữa giả tại Việt Nam diễn biến phức tạp, đòi hỏi người dân cần cảnh giác, chọn sản phẩm từ thương hiệu uy tín và kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua.

Những chiêu trò làm sữa giả: Hành trình từ xưởng pha chế đến bao bì bắt mắt
Nhiều người thắc mắc "không hiểu làm sao sữa giả có thể đến tay người tiêu dùng nhiều như vậy mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện sớm?". Thực tế thì, một hộp sữa giả thường bắt đầu từ một xưởng sản xuất "chui" – nơi có thể không đảm bảo điều kiện vệ sinh hay quy chuẩn nào. Tại đây, các nguyên liệu rẻ tiền được pha trộn theo công thức riêng, sau đó được đóng gói bằng bao bì in sẵn.
Để thu hút và củng cố lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để "hô biến" sữa giả thành sữa thật. Qua các vụ sữa giả bị phanh phui, có thể thấy, chiêu trỏ của hầu hết những đối tượng làm sữa giả này là:
Bao bì thiết kế bắt mắt, nhái lại kiểu dáng, tên thương hiệu na ná các sản phẩm nổi tiếng, đánh lừa thị giác người tiêu dùng.

Hình ảnh 1 sản phẩm sữa bột được quảng cáo trên các trang web - Ảnh chụp màn hình
Nhãn mác in thành phần cao cấp, ví dụ như tổ yến, đông trùng hạ thảo, hạt macca, collagen... nhằm tạo cảm giác "hàng xịn", nhưng thực tế không hề có các nguyên liệu này. Thậm chí, có nơi còn sử dụng bột sữa kém chất lượng hoặc pha trộn các loại bột không rõ nguồn gốc, kết hợp với chất tạo màu, tạo mùi để mô phỏng hương vị thật. Một số loại còn dùng phụ gia không nằm trong danh mục cho phép, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng...

Qua các đầu mối trung gian, sữa được đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hoặc đổ về các cửa hàng nhỏ lẻ. Với vỏ ngoài tinh vi và lời quảng cáo thuyết phục, đánh vào nhu cầu sử dụng như "sữa tăng chiều cao cho bé", "sữa bổ sung collagen cho phụ nữ" hay "sữa thảo dược hỗ trợ tiểu đường", nhiều người tiêu dùng đã hoàn toàn bị lừa.
Đặc biệt, kênh bán hàng online trở thành nơi tiêu thụ lý tưởng cho sữa giả, vì người tiêu dùng ít có cơ hội kiểm tra trực tiếp sản phẩm và thường bị cuốn theo các lời cam kết như "uống là thấy hiệu quả". Không những thế, nhiều cơ sở sản xuất hoặc tiêu thụ sữa giả còn kết nối với người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo bán hàng nhằm tăng lòng tin cho người mua.
Tem chống giả, mã QR: Không phải cứ in trên nhãn là đảm bảo chính xác
Không ít người tiêu dùng cho rằng chỉ cần sản phẩm có tem chống giả hay mã QR là có thể yên tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tem có thể bị làm giả và mã QR dẫn đến trang web không chính thống, hoặc không tồn tại.

Ảnh minh họa
Trước thực trạng sữa giả, sữa kém chất lượng tràn lan trên thị trường, việc lựa chọn đúng sản phẩm sữa đã được cơ quan chức năng cấp phép là bước đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình – đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người bệnh.
Nhiều thương hiệu sữa hiện nay tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc hoặc tem xác thực điện tử. Bạn có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra nhanh:
Bước 1: Mở ứng dụng quét mã QR uy tín như iCheck, Vietcheck... hoặc Zalo, camera mặc định trên smartphone.
Bước 2: Quét mã QR hoặc tem xác thực trên lon/hộp sữa.
Bước 3: Kiểm tra đường link sau khi quét. Nếu là hàng thật thì kết quả trả về phải là website của nhà sản xuất, hoặc hệ thống xác thực điện tử của cơ quan chức năng, thể hiện xuất xứ, giấy phép lưu hành, tình trạng sản phẩm.
Lưu ý: Nếu quét mã nhưng không hiển thị gì, hoặc dẫn tới trang không rõ ràng, có thể sản phẩm đó chưa đăng ký truy xuất hợp lệ hoặc có dấu hiệu giả mạo.
Mẹo nhận biết sữa chưa được cấp phép
Sữa giả hay sữa không được cấp phép thường có một số đặc điểm như:
- Không rõ xuất xứ (in mờ, không có địa chỉ công ty cụ thể).
- Không có số giấy công bố hoặc ghi số nhưng không tra được trên hệ thống của Bộ Y tế.
- Bao bì thiếu thành phần dinh dưỡng rõ ràng, không có hạn sử dụng rõ ràng.
- Sản phẩm bán trôi nổi qua mạng xã hội, giá rẻ bất thường.
Trong bức tranh thị trường sữa ngày càng phức tạp, người tiêu dùng – đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ và người cao tuổi – đang trở nên nhỏ bé trước ma trận thật giả lẫn lộn. Không phải ai cũng có kiến thức để phân biệt một hộp sữa chất lượng thật sự hay chỉ là vỏ bọc hào nhoáng.
Trong khi đó, việc quản lý thị trường và kiểm soát sản phẩm chưa đủ sức ngăn chặn từ gốc. Điều này đòi hỏi mỗi người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức, chủ động kiểm tra và cảnh giác, đồng thời chia sẻ thông tin đúng đắn để bảo vệ cộng đồng khỏi những rủi ro không đáng có.
Sữa giả không chỉ là một hành vi gian lận thương mại, mà là mối nguy trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Để bảo vệ gia đình mình, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cẩn trọng và luôn đặt câu hỏi trước những lời quảng cáo quá mức. Chọn đúng sữa – không chỉ là lựa chọn dinh dưỡng, mà còn là lựa chọn cho sự an toàn và sức khỏe lâu dài.