“Thôi, không lấy tiền”
Người đàn ông vừa nói vừa cười hiền với người khách qua đường mới ghé tiệm sửa xe nhỏ trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM. Câu nói với giọng nhẹ bẫng tựa như đã thành quen.
Trên con đường tấp nập người qua, chẳng khó để bắt gặp một tấm bảng lớn nhưng những dòng chữ lại đơn sơ, mộc mạc như chính con người đã treo nó lên:
“Sửa xe ngày và đêm. Có tiền cũng vá. Không có tiền cũng vá. Tự bơm miễn phí. Gọi đừng ngại.”


Không chỉ là biển quảng cáo, đó tựa như một lời nhắn gửi đầy thân tình với những ai đang gặp sự cố giữa đường. Đặc biệt khi không may rơi vào cảnh túng thiếu, bất lực. Và người treo tấm bảng ấy chính là ông Võ Thanh Vinh, chủ tiệm sửa xe tại số 691 Âu Cơ.
Tiệm sửa xe nhỏ này đã sáng đèn suốt ngày đêm suốt 6 năm qua, giúp đỡ biết bao người cơ nhỡ. Không có ngày nghỉ.
Khi nhận được câu hỏi tại sao lại giúp đỡ những người không quen biết, ông Vinh chỉ cười hiền, nói: “Thấy người ta dắt bộ xe, dòm ngó hoài không dám vô, thấy tội lắm. Nhiều người thấy tấm biển cũng mừng, nói với tôi ‘Thấy chữ đừng ngại nên con mới dám ghé’.”

Ông Võ Thanh Vinh
Có những hôm, đến nửa đêm vẫn có người gọi cửa, ông vẫn vui vẻ thức dậy làm. Biết chuyện có người chỉ đường cho nhau: “Chạy lên chỗ ông đó, ổng giúp được” ông Vinh nghe mà thấy vui. Vui không phải bởi ông nổi tiếng, mà vì đã kịp giúp đỡ một người có thể tiếp tục hành trình thật an toàn.
Tấm lòng bắt đầu từ một lần “người ta khóc”
Nguồn gốc của tấm bảng đơn sơ treo trước cửa hàng ấy bắt đầu từ một ký ức khiến ông chẳng thể quên: “Có lần thấy hai vợ chồng đi xe về quê, mà xe hư, lại không có tiền. Tôi sửa miễn phí rồi còn cho thêm ít tiền. Họ khóc. Từ đó, tôi dựng bảng. Giúp được ai là giúp.”

Ông Vinh vẫn cần mẫn mỗi ngày
Với ông Vinh, mỗi người đến tiệm không chỉ là một khách hàng, mà là một người cần giúp. Không có ràng buộc, không có điều kiện.
Bị tật ở chân từ nhỏ do tai nạn, đi lại khó khăn, làm nghề cơ khí càng cực nhưng ông Vinh chưa từng nghĩ dừng lại, dù con cái từng khuyên nên nghỉ ngơi.
“Con tôi nói, giờ con có tiền rồi, để con nuôi ba. Nhưng tôi nghĩ, mình tật nguyền mà còn làm ra đồng tiền đàng hoàng, người ta mạnh khỏe chưa chắc làm được bằng mình. Vậy thì nghỉ làm gì?”
Giữa bao lời than vãn và buông xuôi, vẫn có một người đàn ông chọn sống tử tế – dù thân thể không trọn vẹn.

Giữa Sài Gòn hối hả, người ta dễ lướt qua nhau, dễ bỏ lại nhau giữa đường. Nhưng ông Vinh và tiệm sửa xe nhỏ trên đường Âu Cơ là minh chứng sống cho những con người sống giữa Sài Gòn bằng lòng tốt không ồn ào, không điều kiện.
Tấm bảng “Gọi đừng ngại” không chỉ để người ta dễ gọi khi xe hỏng – mà còn như một chốn an lòng, một chỗ dựa, trạm nghỉ bất ngờ giữa đường đời.
Bởi có lẽ, giữa những con đường chằng chịt và những nỗi lo chất chồng, điều người ta cần nhất đôi khi chỉ là một tấm lòng không đắn đo mà nói: “Thôi, không lấy tiền.”