
Học viện Tài chính
Ngày 17/5, Học viện Tài chính tổ chức Diễn đàn “Hợp tác và Phát triển” năm 2025.
Tại đây, TS Nguyễn Minh Phong, Khoa Lý luận Chính trị, Học viện Tài chính cho biết, Học viện đã sớm rà soát, bổ sung và cập nhật Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Học viện Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57.
Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai Nghị quyết đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Học viện Tài chính.
Theo đó, Học viện Tài chính tập trung thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán và kinh tế theo hướng hiện đại, số hóa.
Dự thảo Nghị quyết của Học viện Tài chính đặt mục tiêu năm 2026 đăng ký bản quyền sáng chế cho ít nhất 1 công trình nghiên cứu. Đến năm 2030, đăng ký bản quyền sáng chế cho ít nhất 4 công trình nghiên cứu, trong đó có ít nhất 1 công trình được thương mại hóa.
Trong năm nay, trường sẽ thành lập Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo hoặc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Hỗ trợ Khởi nghiệp. Giai đoạn 2025-2030 sẽ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, kết nối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Năm 2025, trường đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 dự án ứng dụng công nghệ mới (AI, Blockchain, Big Data) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đến năm 2030, mở rộng ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động của Học viện, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Trong hoạt động hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, Học viện Tài chính đặt loạt mục tiêu:
+ Đến năm 2027: Hỗ trợ ươm tạo ít nhất 2 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, dịch vụ tài chính, kế toán.
+ Đến năm 2030: Hỗ trợ ươm tạo ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế.

Để đạt mục tiêu trên, Học viện Tài chính sẽ cho phép nhà khoa học được làm việc có thời hạn tại doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn tính là giờ làm việc tại Học viện theo quy định.
Phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, có khả năng dẫn dắt các xu hướng nghiên cứu mới; Phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành để giải quyết các bài toán lớn và liên lĩnh vực.
“Khuyến khích nhà khoa học/đơn vị thu hút các nguồn đầu tư, cho phép nhà khoa học/đơn vị phối hợp với doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo theo mô hình thí điểm”, TS Phong cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh Học viện Tài chính cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gắn với thị trường, đồng thời thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp và chính quyền các cấp để tạo thành hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng hiệu quả.
“Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tài chính, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, hãy đầu tư vào khoa học – công nghệ tài chính, cùng hợp tác với nhà trường và nhà nước để triển khai các thử nghiệm chính sách, ứng dụng công nghệ trong quản lý tài chính công, từ đó lan tỏa giá trị đổi mới và tăng năng suất toàn hệ thống”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Học viện Tài chính được thành lập năm 1963. Sau 60 năm, trường đã đào tạo gần 140.000 cử nhân kinh tế, gần 10.000 thạc sĩ và hơn 500 tiến sĩ kinh tế; đào tạo gần 600 cử nhân, thạc sĩ cho các nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều học viên và giáo viên đã và đang giữ trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước, các Bộ và địa phương, các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm kể từ ngày tốt nghiệp của Học viện là 97,72%, cao nhất trong số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.