Sức khỏe - Đời sống

Nhan sắc thời trẻ của 12 phi công huyền thoại Việt Nam

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân (sinh năm 1947 tại Thái Bình). Giữa năm 1971, khi đang là sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn 921 Sao Đỏ, ông được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ máy bay B-52. Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Ông là người châu Á đầu tiên bay lên vũ trụ năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô, đồng thời là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô).

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (1936-2019), quê tại Đồng Tháp. Ông là phi công lái MiG-17 duy nhất trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất, 7 chiếc. Sinh thời, ông Bảy từng đảm nhiệm nhiều vị trí: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Sau năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và chỉ huy các nhiệm vụ tại Campuchia.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc (sinh năm 1942 tại Bắc Giang). Ông trúng tuyển phi công năm 1961 và được huấn luyện tại trường dự khóa bay ở Hải Phòng. Sau chuyến huấn luyện phi công tại Liên Xô, năm 1964, ông về nước, lái máy bay MiG-17 tham gia chiến đấu. Đến năm 1965, ông được chọn học chuyển loại lái máy bay MiG-21 và trở về biên chế Trung đoàn 921 Sao Đỏ. Năm 25 tuổi, ông trở thành phi công Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay nhất, với 9 chiếc.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Văn Cương (sinh năm 1941 tại Thanh Hóa). Năm 1967, ở tuổi 26, ông bắn hạ 5 máy bay Mỹ. Cũng trong năm này, ông trải qua trận không chiến ác liệt nhất sự nghiệp, chiếc MiG-21 do ông điều khiển bị bắn rơi buộc ong nhảy dù từ độ cao 6.000m và bị thương nặng, mất hoàn toàn thính lực tai trái. Dù mang thương tật, ông vẫn tiếp tục chiến đấu, bắn rơi thêm 3 máy bay địch. Ông từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 927, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trước khi nghỉ hưu năm 2006.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thanh Đạo (sinh năm 1944), phi công Trung đoàn 927, là một trong 16 phi công đạt cấp Ace (danh hiệu dành cho phi công đã bắn hạ được ít nhất 5 máy bay đối phương). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đạt thành tích bắn rơi 6 máy bay.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Ngọc Đỉnh (sinh năm 1941 tại Thanh Hoá). Thuộc đoàn Không quân Sao Đỏ, ông chiến đấu 8 trận, bắn 12 quả đạn, hạ 6 máy bay Mỹ. Ông là một trong 16 phi công cấp Ace của Không quân. Sau năm 1975, ông là Phó Tư lệnh Sư đoàn Không quân 371, Hiệu trưởng trường Sĩ quan Không quân đến năm 1989. Từ năm 1989, ông là Tổng giám đốc Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam (nay là Tổng công ty trực thăng Việt Nam), Giám đốc Công ty bay Vasco Hàng không Việt Nam, trước khi nghỉ hưu năm 2003.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải (1942-2025), sinh tại Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là phi công thuộc Đoàn bay Yên Thế, lái tiêm kích MiG-17, bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Không chỉ là phi công tiêm kích, ông còn điều khiển máy bay cường kích A-37, giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 (năm 1975), sau đó chuyển sang lái Su-22 và trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372. Từ năm 1992-2002, ông chuyển ngành, giữ chức Phó Tổng giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Nam.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh (1932-2024), quê Nam Định. Ông là phi công đầu tiên sử dụng MiG-17 bắn rơi máy bay Mỹ F-105D Thần Sấm trên vùng trời miền Bắc Việt Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, ông là một trong những người chỉ huy trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng. Tháng 3/1986, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Quân chủng Không quân. Ông giữ cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1989), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1996) đến khi về hưu năm 2000.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Kính (sinh năm 1941 tại Nam Định). Ông là một trong những phi công có số giờ bay nhiều nhất trong chiến tranh, 3 lần bị thương khi tham gia chiến đấu. Tháng 10/1968, khi là Phi đội trưởng tiêm kích thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ, ông được đánh giá một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace trong chiến tranh. Sau chiến tranh, ông từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.

Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân (sinh năm 1939 tại Thái Nguyên). Ông là phi công MiG-17, MiG-21 tại Trung đoàn 921, từng bắn rơi 8 máy bay Mỹ trước khi đảm nhiệm vị trí Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371. Ông giữ cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân năm 1989-1996, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trước khi nghỉ hưu năm 2002.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Quỳ (sinh năm 1935 tại Quảng Nam) từng lái chiếc MiG-17 số hiệu 2312. Ông cùng các phi công khác trong biên đội đánh thắng trận lịch sử ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 3/4/1965, tiêu diệt hai máy bay "Thần sấm" cường kích F-105 hiện đại bậc nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Năm 1979, ông nghỉ bay, chuyển sang công tác chỉ huy, huấn luyện với cương vị Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946 tại Hà Nội). Gia nhập quân đội năm 1965, trong sự nghiệp của mình, ông bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Là phi công tiêm kích MiG-21, Su-22, và Su-27, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các tin khác

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.