Lương của nhà giáo được xếp cao nhất
Trong dự thảo Luật Nhà giáo bản mới nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, vấn đề tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo được đề cập, trong đó có nhiều điểm thay đổi. Theo đó, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định:
- Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
- Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
- Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Dự kiến bỏ chia hạng giáo viên
Cũng theo dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, việc quy định chức danh nhà giáo theo các hạng (hạng I, II, III với các hệ số lương từng hạng khác nhau) như hiện nay dự kiến không còn. Thay vào đó, sẽ được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp của từng cấp học, trình độ đào tạo.
Nếu điều này được thông qua, đồng nghĩa với việc cũng sẽ không còn việc xét thăng hạng giáo viên từ thấp lên hạng cao như hiện nay (hạng III lên hạng II, hoặc hạng II lên hạng I).
Việc chia hạng giáo viên trước nay khiến không ít giáo viên cho rằng bất cập, thiếu công bằng khi có những nhà giáo có năng lực giỏi nhưng vẫn xếp hạng thấp, trong khi người làm việc kém hiệu quả nhưng có thể xếp ở hạng cao...
Theo nhiều nhà giáo, việc trả lương theo vị trí việc làm, khả năng đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp có thể giúp mọi giáo viên làm việc hiệu quả hơn và thấy được ghi nhận xứng đáng.
Giáo viên mầm non được tăng phụ cấp
Theo dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên mầm non được điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề. Cụ thể, tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.
Theo Bộ GD-ĐT, tổng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với tính đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp, khi phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 giờ/ngày… Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp nhất so với các cấp học khác (hệ số lương khởi điểm 2,10; phụ cấp 35%, tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng), dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao, với 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.
Giáo viên trường dự bị đại học cũng được nâng phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo công bằng cho các nhiệm vụ tương đồng.

Nhân viên trường học lần đầu được hưởng phụ cấp
Cũng theo dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, lần đầu tiên, nhân viên trường học được hưởng phụ cấp. Dự kiến mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư,...), 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế,...) và 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò của họ.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện, đa số các vị trí nhân viên áp dụng bảng lương của viên chức loại B hoặc A0 theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, là 2 bảng lương thấp nhất trong các bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, các vị trí viên chức thiết bị thí nghiệm, giáo vụ, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật chỉ có 1 hạng nên không có cơ hội để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và được áp dụng bảng lương có hệ số lương khởi điểm cao hơn, khoảng cách lương giữa các bậc dài hơn; các vị trí nhân viên khác thực tế cơ hội để thăng hạng rất hiếm. Những bất cập này đòi hỏi một quy định mới để đảm bảo công bằng và hỗ trợ hiệu quả hơn.
Tiến tới công bằng hơn về số giờ dạy của giáo viên
Thông tư 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông có hiệu lực từ ngày 22/4 quy định, việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Còn dự thảo thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập mà Bộ GD-ĐT vừa công bố bổ sung quy định tổng số giờ dạy thêm trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong 1 năm học của cơ sở giáo dục.
Căn cứ quy định này, hiệu trưởng nhà trường phải phân công nhiệm vụ cho giáo viên phù hợp, đảm bảo công bằng, hạn chế tối đa tình trạng trong một cơ sở giáo dục vừa có giáo viên dạy vượt giờ, vừa có giáo viên dạy thiếu giờ.
Thời gian nghỉ hè linh hoạt
Một trong những điểm mới ở bản dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội so với dự thảo trước đây là quy định về thời gian nghỉ hè hằng năm dành cho giáo viên được điều chỉnh theo hướng mở, không còn ấn định “cứng” tối đa là 8 tuần.
Cụ thể, Điều 18 về chế độ làm việc của nhà giáo trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội nêu: “Thời gian nghỉ hè hằng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, từ năm 2025, hiệu trưởng và hiệu phó chính thức được nghỉ hè theo quy định mới vì trước đây chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Cụ thể, Thông tư 05 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ ngày 22/4 nêu rõ, thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng gồm nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Thời gian nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó được bố trí linh hoạt trong năm học và trong giai đoạn nghỉ hè của giáo viên, nhằm duy trì hoạt động bình thường của nhà trường và kịp thời thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan quản lý cấp trên triệu tập (nếu có).