Kinh tế

Hà Nội lựa chọn bí thư, chủ tịch phường, xã mới sau sáp nhập ra sao?

Tóm tắt:
  • Thành ủy Hà Nội ưu tiên chọn bí thư cấp ủy xã mới từ thành ủy viên, bí thư và phó bí thư cấp huyện.
  • Sắp xếp cán bộ đảm bảo lãnh đạo toàn diện, lấy chất lượng đội ngũ làm then chốt, hoàn thành trước 1/7/2025.
  • Cán bộ lãnh đạo cấp huyện làm nòng cốt tại xã, phường mới, ưu tiên không là người địa phương.
  • Có thể điều động cán bộ giữa các quận, huyện, sở, ngành để nâng cao chất lượng đội ngũ.
  • Từ 526 xã, phường hiện tại sẽ giảm còn 126 xã, phường, lựa chọn cán bộ tiêu biểu, năng lực, đổi mới cho các vị trí trọng điểm.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.

Theo đó, Thành ủy xác định việc sắp xếp, bố trí phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với công tác cán bộ; lấy chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt bảo đảm cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp, gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành.

Hướng dẫn nêu 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường mới. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường mới được xem xét trên cơ sở tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ toàn thành phố, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và đại hội Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hà Nội lựa chọn bí thư, chủ tịch phường, xã mới sau sáp nhập ra sao?- Ảnh 1.

Một góc nội đô Hà Nội. Ảnh: PV.

Thành phố sẽ lấy cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt tại các xã, phường mới và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương (đẩy mạnh ở các chức danh khác).

Thành phố cũng sẽ điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn thành phố.

Hướng dẫn nêu chi tiết các định hướng xem xét, lựa chọn bố trí cán bộ xã, phường mới.

Về bố trí làm bí thư cấp ủy, Thành ủy Hà Nội hướng dẫn lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các thành ủy viên, các bí thư cấp huyện; các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện.

Sau các trường hợp ưu tiên trên mới xem xét đến các cán bộ ủy viên cấp huyện; trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã. Những cán bộ này phải có thành tích tiêu biểu, có năng lực nổi trội, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Đối với bố trí làm phó bí thư cấp ủy, thành phố sẽ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; các ủy viên cấp huyện, trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, bí thư cấp xã.

Đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND), trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lập danh sách đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều phối chung toàn thành phố.

Trường hợp thiếu nguồn cán bộ thì có thể đề xuất nhân sự khác cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội, thành tích xuất sắc hoặc đề nghị bổ sung cán bộ từ nơi khác để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, quyết định.

Ngoài nguồn cán bộ ở quận, huyện thị xã hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, luân chuyển, điều động tăng cường cán bộ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đang công tác tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố về cơ sở.

Cụ thể, Thành ủy sẽ bố trí làm bí thư cấp ủy, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Cấp trưởng sở, ngành thành phố và tương đương; cán bộ trong quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030. Sau đó, thành phố sẽ ưu tiên cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển, trong quy hoạch cấp trưởng, sở, ban, ngành thành phố và tương đương.

Theo phương án sắp xếp, từ 526 xã, phường hiện tại, Hà Nội sẽ tổ chức còn 126 xã, phường.

Ngoài ra, thành phố sẽ lựa chọn một số cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, tiêu biểu, có tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bố trí về các đơn vị hành chính (xã mới) trọng điểm.

Nguồn cán bộ sở, ngành thành phố cũng có thể được lựa chọn bổ sung bố trí làm phó bí thư cấp ủy xã, phường mới theo thứ tự ưu tiên: Cấp phó sở, ngành thành phố và tương đương; trưởng phòng trong quy hoạch cấp trưởng, cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương, có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển.

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

TPBank Premier Banking: Đặc quyền đỉnh cao, xứng tầm thượng khách

Với thế mạnh từ công nghệ, cùng chiến lược cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, TPBank Premier Banking - Dịch vụ dành cho khách hàng ưu tiên của TPBank thu hút giới tinh hoa nhờ công nghệ bảo mật, cùng nhiều đặc quyền trải nghiệm riêng biệt.

Jack Ma bất ngờ tái xuất

Dù không phát biểu chính thức, sự xuất hiện của Jack Ma được ví như “màn tái xuất của ngôi sao”.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

9h sáng nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 119 - 121 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.