Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dự kiến hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có diện tích tự nhiên 5.867,95 km²; dân số 921.187 người với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đa số với 58%. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, dự kiến tỉnh Tuyên Quang sẽ có 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 46 xã và 5 phường.
Tỉnh Hà Giang hiện có diện tích tự nhiên 7.927,56km2; dân số 944.083 người với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đa số với hơn 87%. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, dự kiến tỉnh Hà Giang sẽ có 74 đơn vị hành (72 xã, 2 phường).
Tỉnh Tuyên Quang sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên 13.795,51km2 và quy mô dân số là 1.865.270 người. Việc sáp nhập sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho tỉnh, nơi được biết đến với bề dày lịch sử thủ đô kháng chiến (Tuyên Quang) và giá trị di sản, sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc (Hà Giang).

Quốc lộ 2, tuyến đường huyết mạch dài hơn 300 km là cầu nối quan trọng giữa từ Hà Nội đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, đoạn từ TP Tuyên Quang đến điểm cuối cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) dài 177km, là tuyến đường bộ duy nhất kết nối trực tiếp 2 tỉnh.
Đây là tuyến đường đi qua địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đoạn đường hẹp và đèo dốc. Đặc biệt với lưu lượng giao thông cao chủ yếu là xe tải và xe khách khiến tuyến đường này đang dần trở nên quá tải.
Do là tuyến đường độc đạo, thời gian di chuyển kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao đã hạn chế khả năng giao thương và phát triển kinh tế của cả hai tỉnh.

Hiện nay, để mở ra tương lai mới cho khu vực miền núi phía bắc, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được gấp rút triển khai.
Tuyến cao tốc mới dài gần 105km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. Điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Với "nút thắt" giao thông đang được tháo gỡ, khi cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy du lịch liên vùng. Đồng thời, du khách có thể dễ dàng trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, cột Lũng Cú và nghỉ dưỡng sinh thái tại Na Hang, khoáng nóng Mỹ Lâm trong cùng một hành trình.
Với việc dự kiến sáp nhập 2 tỉnh được đánh giá là sự trở về lịch sử chung nhưng mở ra những cơ hội phát triển mới trên nền tảng đã có.
Đáng chú ý, liên quan đến việc đặt tên tỉnh mới và lựa chọn trung tâm hành chính của tỉnh, dự thảo đề cập một số lý do cụ thể.
Về tên gọi tỉnh Tuyên Quang, dự thảo cho biết đã thực hiện theo danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Bên cạnh đó, tên gọi Tuyên Quang gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, có truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng, có tính đại diện. Cụ thể, Tuyên Quang từng là "Thủ đô kháng chiến", nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ máy lãnh đạo cách mạng đưa ra những quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tên gọi này đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí độc lập của dân tộc.
Số liệu năm 2024 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Tuyên Quang đạt 9,04%, số liệu này phản ánh sự năng động của nền kinh tế địa phương. GRDP bình quân đầu người đạt 61,53 triệu đồng, cho thấy mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuyên Quang cũng có những thế mạnh trong nông nghiệp với các sản phẩm đặc sản như cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết, cùng với sự phát triển của công nghiệp và du lịch.
Tỉnh Hà Giang, với địa hình đặc thù là vùng núi cao, có những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.
Điểm nhấn của Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn - một Di sản Địa chất toàn cầu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hà Giang cũng nổi tiếng với bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Hà Giang đang thấp hơn so với Tuyên Quang.
Nhìn lại lịch sử, năm 1976, tỉnh Tuyên Quang lần đầu tiên sáp nhập với Hà Giang, thành tỉnh Hà Tuyên. Sau 15 năm, vào năm 1991, hai địa phương này lại được tách ra, tái lập hai tỉnh gồm Tuyên Quang và Hà Giang. Như vậy, sau 2 lần "nhập vào, tách ra,", tỉnh Tuyên Quang lại trở về tên gọi cũ và kể từ đó tới nay, địa giới hành chính của tỉnh Tuyên Quang không thay đổi.
Xem clip toàn cảnh TP Tuyên Quang: