
Nhà sản xuất pin CATL trả lời nhà đầu tư liên quan đến vụ việc chiếc Xiaomi SU7 gặp tai nạn - Ảnh chụp màn hình, chuyển ngữ: THANH LINH
CATL phủ nhận liên quan vụ tai nạn xe Xiaomi SU7
Ngày 2-4, trong phiên hỏi đáp với nhà đầu tư trên nền tảng tương tác tài chính Trung Quốc, hãng pin CATL (Ningde Times) đã chính thức phản hồi về việc liệu có phải chiếc xe điện Xiaomi SU7 gặp tai nạn hôm 29-3 sử dụng pin do họ cung cấp hay không.
Câu trả lời từ CATL là: "Không phải pin của chúng tôi".
Xiaomi SU7 có 3 phiên bản: Tiêu chuẩn, Pro và Max. Hai phiên bản Pro và Max đều sử dụng pin do CATL sản xuất. Phiên bản tiêu chuẩn (cũng là chiếc gặp tai nạn) được trang bị ngẫu nhiên một trong hai loại pin: pin Blade của FinDreams (thuộc sở hữu của BYD) hoặc pin của CATL. Xiaomi cũng khẳng định khách hàng không thể lựa chọn loại pin khi mua xe SU7.
Hiện tại, phía BYD chưa có bình luận nào về vụ việc, trong khi CATL đã nhanh chóng phủ nhận.
Về phần mình, Xiaomi đã thành lập một đội đặc nhiệm để phối hợp điều tra. Đội này đã có mặt tại hiện trường và cung cấp toàn bộ dữ liệu xe cho cảnh sát hôm 31-3. Đến tối ngày 1-4, CEO Xiaomi, ông Lôi Quân, đã chia sẻ thông tin này trên Weibo, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.
Vụ tai nạn thương tâm



Hình ảnh chiếc Xiaomi SU7 khi bùng cháy và sau vụ tai nạn - Ảnh: Car News China
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chiếc xe điện Xiaomi SU7 gặp tai nạn nghiêm trọng vào ngày 29-3-2025 trên đường cao tốc đoạn đi qua thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Chiếc xe đang ở chế độ lái tự động đã va chạm với rào chắn bê tông và bốc cháy dữ dội.
Vụ việc khiến 3 người trên xe, bao gồm người lái và hai hành khách, tất cả đều là nữ sinh viên đang trên đường đi thi công chức, thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn tử vong đầu tiên liên quan đến dòng xe điện chủ lực của Xiaomi.
Sự việc này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là khi mẫu xe này mới được ra mắt vào tháng 3-2024 và đã có hơn 200.000 chiếc được giao đến tay người tiêu dùng.

Thực tế, Xiaomi SU7 đã từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn khác nhau. Chẳng hạn, chỉ chưa đến 24 giờ, từ chiều 14-11 đến rạng sáng 15-11-2024 trên phạm vi cả Trung Quốc, hơn 70 chiếc Xiaomi SU7 đã gặp nạn trong lúc tự động ghép xe vào điểm đỗ, khiến các xe này trầy xước, bung ba-đờ sốc, vỡ đèn... - Ảnh minh họa: Xiaomi
Hiện quá trình điều tra vẫn đang được tiếp tục. Xiaomi khẳng định sẽ duy trì tính minh bạch và cam kết hỗ trợ toàn diện cho gia đình nạn nhân.
Dữ liệu hệ thống mà Xiaomi cung cấp cho thấy vào lúc 22h27 ngày 29-3, chiếc xe đã kích hoạt hệ thống lái thông minh, tốc độ xe lúc đó là 116km/h.
Đến 22h44, hệ thống lái thông minh cảnh báo có chướng ngại vật phía trước, đưa ra cảnh báo và bắt đầu giảm tốc độ. Sau đó tài xế đã lái xe bằng tay, tiếp tục phanh và đánh lái, nhưng cuối cùng đã đâm vào một cột chắn bê tông với tốc độ ước tính là 97km/h. Chỉ 2 giây sau tính từ lúc hệ thống cảnh báo, tai nạn xảy ra.
Xiaomi khẳng định cả 4 cửa xe SU7 đều được trang bị tay nắm cơ khẩn cấp. Ngay cả khi pin bị hỏng và xe bị mất điện, cửa vẫn có thể mở được bình thường.
Trong suốt 17 phút kích hoạt chế độ tự lái, hệ thống Xiaomi ghi nhận người lái xe có dấu hiệu mất tập trung và rời tay khỏi vô lăng. Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra là: Có thể người lái xe đã mất tập trung, nhưng dữ liệu từ hệ thống cho thấy hệ thống chỉ cho người lái 2 giây để phản ứng.
Trước kết quả này, cư dân mạng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng 2 giây là đủ để người lái phản ứng, nguyên nhân chính là do tài xế thiếu kinh nghiệm lái xe và mất tập trung. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc người lái chỉ kịp tiếp quản xe 1 giây trước khi va chạm cũng không khác gì va chạm trực tiếp.