Tiếp nối thành công với tiếng chuông vang dội với Thằng gù nhà thờ Đức Bà năm ngoái, Olympians lại hào hứng chuẩn bị cho vở nhạc kịch tiếng Anh “The Man Who Laughs" (Thằng Cười) - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo.
Là một trong ba tác phẩm lớn nhất của Victor Hugo, “Thằng Cười” như tấm gương phản ánh những đau khổ giữa xã hội đầy bất công và định kiến thông qua cuộc đấu tranh cho công lý và tình yêu của nhân vật chính Gwynplaine. “Thằng Cười” ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn gần gũi với các bạn học sinh như tình yêu thương giữa người với người, sự dũng cảm vượt lên số phận... Thông qua vở nhạc kịch, Olympians vừa được trau dồi kiến thức ở các môn học, vừa được “bỏ túi” thêm kỹ năng về diễn xuất và điều phối, quản lý.
Nhạc kịch tiếng Anh là một trong những dự án học tập liên môn đặc sắc của học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia. Đây không chỉ là sân chơi cho các bạn học sinh yêu nghệ thuật sân khấu được thể hiện tài năng mà còn là nơi để các em được học Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học Nhân văn, Âm nhạc, Mỹ thuật… một cách sáng tạo; đồng thời phát triển được nhiều năng lực quan trọng khác khi tất cả các khâu từ lên kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, âm nhạc, truyền thông, bán vé… đều do học sinh thực hiện - dưới sự cố vấn của thầy cô.
![]() |
Gwynplaine - cậu bé quý tộc bị bắt cóc, bị rạch mặt và vĩnh viễn mang nụ cười méo mó |
![]() |
Các học sinh trường Olympia tự tin hoàn thành vai diễn |
Nhạc kịch xoay quanh cuộc đời bi kịch của Gwynplaine - cậu bé quý tộc bị bắt cóc, bị rạch mặt và vĩnh viễn mang nụ cười méo mó. Dù lớn lên trong nghịch cảnh, nhưng nhờ tình yêu thương của cha nuôi Ursus và cô gái mù Dea, cậu vẫn giữ được tâm hồn trong sáng, ôm ấp lý tưởng về một thế giới công bằng. Khi thân phận thật được tiết lộ, Gwynplaine bước vào hàng ngũ quý tộc, ngỡ rằng với địa vị mới, cậu có thể thực hiện khát vọng thay đổi xã hội.
Nhưng trước mắt giới thượng lưu tàn nhẫn, ích kỉ và tham lam cậu mãi chỉ là một thằng hề mua vui. Tuyệt vọng trước sự tàn nhẫn của quyền lực, Gwynplaine lựa chọn con đường trở về trong vòng tay của cha Usus, Dea và những người bạn thân thương. Nhưng bi kịch cuộc đời của Gwynplaine chưa kết thúc.
Thông qua câu chuyện về hành trình sống và đấu tranh của nhân vật Thằng Cười, vở kịch gửi gắm thông điệp về lòng dũng cảm, tình yêu thương, sự cảm thông và khát vọng công lý trong một xã hội còn đầy rẫy bất công.
Em Phạm Nancy – học sinh khối 11 là đạo diễn của vở kịch chia sẻ, trong vở nhạc kịch Thằng Cười, em đảm nhận vị trí Art Director, tập trung chính trong các khâu lên ý tưởng sân khấu, viết kịch bản và viết lời các bài hát trong vở diễn cũng như chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên.
“Có lẽ điều khó khăn nhất với chúng em gồm 2 thứ: Việc vận hành một dự án với quy mô rất lớn cần tập trung và hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp. Khác với những vở nhạc kịch chuyển thể đã từng được công diễn và có lời nhạc, Thằng Cười lại không có bản tiếng anh nào để chúng em tham khảo và cần viết lại kịch bản từ con số 0”.
Trung Hải -Diễn viên, nhà sản xuất chia sẻ, em được học cách lên kế hoạch, làm việc nhóm và làm một người có trách nhiệm hơn. Em được trải nghiệm từ việc làm các file excel, hồ sơ tài trợ cho đến việc bán vé và thu tiền từ người xem. Dự án này là một cơ hội hiếm có để em có thể khám phá và phát triển bản thân hơn nữa.
Cô Việt Hà, Giám đốc sản xuất của vở kịch cho rằng, việc tiếp xúc với sân khấu & sản xuất giúp các con không chỉ hiểu sâu sắc hơn về sự phát triển của các nhân vật cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm mà có thêm các kĩ năng mềm như thiết kế, thuyết trình, biểu diễn, xây dựng kế hoạch, quản lí thời gian để cân bằng khối lượng công việc trong 1 thời gian dài với việc học trên lớp cũng như dự án cá nhân của mình.
Lợi nhuận từ vở diễn "Thằng Cười" sẽ được dùng để xây dựng thư viện cho trường Tiểu học La Thành A (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) - tiếp tục hiện thực hóa dự án "100 thư viện - Một ước mơ" mà cộng đồng Olympia đang chung tay thực hiện với mục tiêu lan tỏa tri thức và văn hóa đọc đến học trò vùng khó.